Từ kết quả kiểm toán năm 2019, xác định rõ giải pháp thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2020

(BKTO) - Năm 2019, KTNN đã hoàn thành toàn diện Kế hoạch kiểm toán (KHKT) với nhiều kết quả nổi bật và đáng ghi nhận. Qua tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 248 báo cáo kiểm toán (BCKT) đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 72.837 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản.



Bên cạnh việc duy trì tốt chất lượng và hiệu quả các hoạt động kiểm toán, năm 2019 cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực từ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cho đến thực hiện nhiệm vụ kiểm toán - ông Trần Khánh Hòa - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) nhấn mạnh.

Cụ thể, về tiến độ kiểm toán, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo KTNN, phương pháp kiểm toán từng bước được đổi mới, thời gian kiểm toán được rút ngắn, tiến độ phát hành BCKT được đẩy nhanh. Toàn bộ các hoạt động kiểm toán thuộc KHKT từ đầu năm 2019 đã được các đơn vị triển khai và kết thúc trước ngày 31/10/2019, phát hành BCKT trước ngày 31/12/2019 theo đúng kế hoạch.

Năm 2019, KTNN đã xử lý tài chính trên 72.000 tỷ đồng- Ảnh: THÀNH HUY
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) thông qua hoạt động kiểm toán, năm 2019 cũng ghi nhận sự tham gia tích cực và chủ động của KTNN trong các hoạt động PCTN, đặc biệt là PCTN thông qua hoạt động kiểm toán. Trong năm, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với 4 vụ việc và 1 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an xem xét xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 82 bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra và tố tụng. Đặc biệt, KTNN đã thực hiện kiểm toán đối với các lĩnh vực, dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm.

Về công tác hoàn thiện thể chế pháp luật và quản lý kinh tế, năm 2019, KTNN tiếp tục đi sâu kiểm toán các lĩnh vực có cơ chế quản lý phức tạp, nhiều rủi ro, được dư luận xã hội quan tâm, như: kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai; quản lý và sử dụng, khai thác tài nguyên, khoáng sản; nhập khẩu phế liệu, rác thải… Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị các cơ quan xem xét sửa đổi để thống nhất quy định về thực hiện Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); xem xét, bổ sung các quy định về thuế bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tham mưu xử lý các vấn đề bất cập về cơ chế, chính sách trong giao đất, xử lý thu hồi đất đai do vi phạm sử dụng đất; sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền thuê đất hằng năm, không đưa đất vào sử dụng...

Cùng với đó, năm 2019 và các năm gần đây, KTNN luôn tham gia tích cực và chủ động vào hoạt động giám sát của Quốc hội đối với các chủ trương, chính sách lớn về quản lý tài chính công, tài sản công của Đảng và Nhà nước. Theo đó, KTNN đã cung cấp thông tin kịp thời cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao đối với các hoạt động quản lý tài chính, ngân sách; đồng thời, chủ động thực hiện nhiều cuộc kiểm toán hoặc đưa vào nội dung trọng tâm kiểm toán đối với các giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Để duy trì và phát huy những kết quả đạt được, ông Trần Khánh Hòa cho rằng, trong triển khai KHKT năm 2020, KTNN cần chú trọng vào 4 nội dung:

Thứ nhất, năm 2020 là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm cuối thực hiện các kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, các đơn vị cần chủ động lồng ghép các hoạt động kiểm toán ngay từ khâu xây dựng KHKT nhằm giảm thiểu thời gian; tập trung kiểm toán các nội dung liên quan đến việc thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để cung cấp kịp thời thông tin cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện tổng kết, đánh giá các chương trình, kế hoạch trong giai đoạn.

Thứ hai, năm 2020 là năm thứ 2 thực hiện Luật PCTN với nhiều điểm mới liên quan đến trách nhiệm của KTNN. Do đó, KTNN cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của kiểm toán viên, Quy chế làm việc của KTNN và các quy định khác có liên quan đến văn hóa công sở, đạo đức công vụ, xử lý nghiêm những cá nhân và người liên quan nếu xảy ra sai phạm. Ngoài ra, trong quá trình kiểm toán cần kịp thời phát hiện, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, thanh tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý theo quy định.

Thứ ba, năm 2020 là năm KTNN quyết liệt thực hiện giảm số lượng cuộc kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng kiểm toán, đặc biệt là đào tạo phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và trọng yếu nhằm xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi cuộc kiểm toán phù hợp, giảm thời gian và nhân lực kiểm toán tại đơn vị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi KTNN tăng cường nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, xây dựng chương trình kiểm toán mẫu cho từng lĩnh vực hoạt động, trong đó xác định rõ nội dung, tiêu chí đánh giá trong từng khâu, từng bước của cuộc kiểm toán làm cơ sở để tin học hóa các hoạt động kiểm toán; xây dựng và cung cấp các công cụ hỗ trợ kiểm toán viên trong thực hiện kiểm toán, đặc biệt là việc thực hiện các phương pháp kiểm toán mới như: hỗ trợ xác định tiêu chí đánh giá rủi ro; hỗ trợ chọn mẫu kiểm toán; hỗ trợ về quản lý văn bản, mẫu biểu kiểm toán...

Thứ tư, đổi mới kết cấu báo cáo kiểm toán theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào bản chất vấn đề, kiến nghị phù hợp với phát hiện kiểm toán. Nâng cao chất lượng và tổng hợp các kiến nghị kiểm toán; đặc biệt là các kiến nghị xử lý tài chính cần rà soát tách riêng các kiến nghị không phải là kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN, các kiến nghị đối với các trường hợp sai phạm song chưa xác định chính xác số liệu sai phạm, cần tiếp tục rà soát kiểm tra sau kiểm toán; làm rõ cơ sở pháp lý, thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ nhằm nâng cao tính khả thi khi kiến nghị xử lý tài chính, tăng cường chất lượng việc thực hiện các kết luận và kiến nghị kiểm toán.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Cùng chuyên mục
Từ kết quả kiểm toán năm 2019, xác định rõ giải pháp thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2020