Trí tuệ nhân tạo sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán

(BKTO) - Ông Trần Hồng Kiên - Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam - trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán)



Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết đã có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Là người quản lý một công ty kiểm toán lớn, ông đánh giá thị trường kế toán, kiểm toán đã chịu tác động như thế nào trước những thay đổi này?

- Thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán tại Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ có 2 DN dịch vụ kế toán, kiểm toán năm 1991, đến nay, cả nước đã có 108 DN kiểm toán với doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng/năm. Mặc dù vậy, thị trường kế toán, kiểm toán của Việt Nam vẫn chưa có được sự hội nhập sâu cũng như chưa đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng do các hiệp định thương mại hay cuộc cách mạng 4.0 mang lại.

         

   Ông Trần Hồng Kiên
Xét trên khía cạnh hội nhập, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng. Qua việc ban hành và bổ sung các văn bản: Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, Luật Kế toán sửa đổi, Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 của Chính phủ phê duyệt “Chiến lược Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”..., môi trường pháp lý đã được điều chỉnh và cập nhật không ngừng nhằm hướng tới mục tiêu hội nhập.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, công tác kế toán, kiểm toán của Việt Nam vẫn tương đối tách biệt với khu vực và thế giới khi chưa công bố lộ trình áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), cho dù Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như các tổ chức nghề nghiệp đều nhìn nhận đây là xu hướng tất yếu giúp minh bạch hóa thông tin tài chính, đa dạng hóa nguồn vốn để hỗ trợ các DN phát triển và hội nhập sâu hơn.
Dù các dự báo đều cho rằng Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra nhiều thay đổi lớn đối với các mô hình kinh doanh và quản trị DN song với ngành kế toán, kiểm toán của Việt Nam hiện tại, sự thay đổi ấy là chưa đáng kể.

Việc ngày càng nhiều DN triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình nghiệp vụ như: áp dụng Hệ thống ERP (một giải pháp phần mềm ra đời với mục đích hỗ trợ quản trị DN), sự xuất hiện của các ứng dụng số như: đồng tiền số, block chains, big data,... sẽ tạo ra các thách thức, đòi hỏi công tác kế toán, kiểm toán phải thay đổi để thích nghi. Cụ thể như, các dịch vụ kiểm toán truyền thống có còn phù hợp khi DN ứng dụng công nghệ block chains vào công tác kế toán? Hay các DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán có bị cạnh tranh trực tiếp từ các công ty công nghệ?

Hiện nay, ngày càng có nhiều DN đa quốc gia tại Việt Nam chuyển dịch công việc kế toán về các trung tâm xử lý kế toán tập trung (shared service center) để quản lý và xử lý các công việc kế toán của cả tập đoàn. Điều này đặt ra yêu cầu đối với công tác kế toán và kiểm toán là phải hợp tác ngoài phạm vi lãnh thổ. Như vậy, mặc dù chưa bị ảnh hưởng đáng kể từ cuộc cách mạng 4.0 nhưng ngành kiểm toán, kế toán Việt Nam vẫn phải đối diện với bài toán lớn, đòi hỏi sự thay đổi và thích nghi trong thời gian tới.

♦ Nếu vậy, xu hướng nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

- Nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong thời gian tới sẽ chịu tác động lớn từ hai xu hướng chính:
Thứ nhất, áp dụng IFRS vào việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Bộ Tài chính dự kiến sẽ sớm công bố lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành nghề kế toán, kiểm toán phát triển. Các DN của Việt Nam trong tương lai gần sẽ đòi hỏi nhân lực kế toán, kiểm toán của mình có một nền tảng vững chắc về IFRS. Để đáp ứng được nhu cầu đó, nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán của Việt Nam sẽ cần được đào tạo và cập nhật IFRS trước một bước. Ngoài ra, nguồn nhân lực từ các nước đã đi trước về áp dụng IFRS như Malaysia, Thái Lan, Singapore có thể sẽ cạnh tranh trực tiếp với nguồn nhân lực trong nước, nếu chúng ta không có sự chuẩn bị tốt.

Hai là, sự chuyển mình trong công cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Các công tác kế toán, kiểm toán truyền thống như: thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin đều có thể được máy móc thay thế. Điều này đặt ra các yêu cầu mới đối với công tác kế toán, kiểm toán.

Thực tế, máy móc là trí tuệ nhân tạo, làm được cả những điều con người khó có thể làm. Tuy nhiên, trong kế toán - kiểm toán, chúng chỉ là công cụ hỗ trợ công việc, hoạt động theo lập trình vốn có nên khó có thể đưa ra những nhận định, tư vấn trong từng trường hợp phát sinh, đặc biệt với những tình huống chưa từng xảy ra. Hơn nữa, kế toán, kiểm toán cần tuân theo những quy phạm pháp luật nhất định, cho nên, con người luôn cần phải cập nhật cho thiết bị phục vụ công việc của mình. Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế hoàn toàn cho con người, nhưng sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán như: xử lý bằng máy tính, bảo mật thông tin, phân tích dữ liệu...

Ngoài ra, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, việc tập trung công tác kế toán thông qua các trung tâm xử lý kế toán tập trung của các công ty đa quốc gia sẽ ngày càng trở nên thông dụng, nhằm chuyên môn hóa công tác kế toán, giảm thiểu các xử lý kế toán không nhất quán và tiết giảm chi phí kế toán tài chính. Điều này dẫn đến việc công tác kiểm toán, kế toán không chỉ cạnh tranh trong phạm vi quốc gia mà đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

THÙY LÊ (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 07 ra ngày 14-02-2019
Cùng chuyên mục
Trí tuệ nhân tạo sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán