Thực hiện tự chủ tài chính để thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học

(BKTO) - Vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020: “Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn” diễn ra tại Hà Nội mới đây là tự chủ tài chính sẽ được các trường đại học công lập (ĐH) thực hiện như thế nào trong bối cảnh Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đã có hiệu lực.




Việc thực hiện tự chủ ĐH, trong đó có tự chủ tài chính còn nhiều bất cập, hạn chế​

Vướng từ quy định đến thực tiễn triển khai

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), trong điều kiện NSNN dành cho GDĐH còn hạn hẹp thì thực hiện tự chủ tài chính là một tất yếu để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đồng thời vận động các nguồn lực của xã hội cho phát triển GDĐH.

Với sự ra đời của Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017, cơ chế tự chủ đã được áp dụng thí điểm đối với một số cơ sở GDĐH. Tiếp đó, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành nhằm hoàn thiện các quy định về cơ chế tự chủ ĐH và mở rộng quyền tự chủ để đơn vị, đặc biệt là những trường đã tự chủ hoàn toàn, chủ động, sáng tạo hơn trong công tác quản lý tài chính. “Khi thực hiện chế độ giao, khoán mức chi, các đơn vị sử dụng tiết kiệm các nguồn kinh phí, cũng như góp phần sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết.

Còn theo ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc thực hiện tự chủ tài chính của các cơ sở GDĐH còn tăng nguồn thu để đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, qua thực tiễn giám sát của Ủy ban cho thấy, nguồn tăng thu của các trường ĐH trong nước hiện nay vẫn là tăng quy mô đào tạo chứ chưa huy động được từ các hoạt động dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ tư vấn giáo dục cho các tổ chức và cá nhân. Tỷ lệ chi cho con người chiếm phần lớn các nguồn chi, trong khi tỷ lệ chi cho cơ sở vật chất chưa tương xứng. Tình trạng giảng viên dạy vượt giờ lớn, dẫn đến không có thời gian tập trung cho nghiên cứu khoa học... làm hạn chế việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Đây cũng chính là những vấn đề nổi cộm được KTNN chỉ ra qua kiểm toán chuyên đề tự chủ tại các trường ĐH công lập giai đoạn 2016-2018. Chia sẻ bên lề Hội thảo, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Đinh Văn Dũng cho biết, đối với vấn đề tự chủ nói chung, tự chủ tài chính nói riêng, các trường ĐH công lập hiện đang là đối tượng điều chỉnh của nhiều luật, nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như: Luật GDĐH, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng… Điều này dẫn đến một số xung đột và chồng chéo giữa các quy định cần sớm được điều chỉnh. Tại nhiều Bộ, ngành, địa phương còn tình trạng lập, phân bổ và giao dự toán cho các cơ sở đào tạo tự chủ một phần chi hoạt động thường xuyên chưa thực hiện giảm kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên hoặc giảm nhưng chưa tương xứng với lộ trình tăng học phí tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, phần nào ảnh hưởng đến tính hiệu quả, hiệu lực của việc đầu tư NSNN cho lĩnh vực GDĐH. Đối với việc thu học phí, thu khác, kết quả kiểm toán cho thấy tốc độ tăng học phí trung bình 10%/năm, cao hơn đáng kể mức tăng thu nhập bình quân đầu người cũng như mức lương cơ sở; tình trạng thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định còn phổ biến, từ đó làm gia tăng gánh nặng cho người học và xã hội.

Về cơ cấu chi, hiện chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Tổng hợp số liệu chi sự nghiệp đào tạo theo kết quả kiểm toán cho thấy, các khoản chi cho con người chiếm phần lớn tổng chi (từ 55 - 65%), trong khi tỷ lệ các khoản chi nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, học bổng, đầu tư cơ sở vật chất - những nội dung rất quan trọng tạo nên tiềm lực phát triển và vị thế của các trường ĐH - chưa được quan tâm đúng mức.

“Cởi trói” để tạo động lựctự chủ về tài chính

Trên tinh thần chia sẻ thẳng thắn để nhận diện những điểm yếu trong thực hiện tự chủ tài chính của các cơ sở GDĐH, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đề xuất những giải pháp để nội dung tự chủ này được thực hiện thuận lợi, hiệu quả, qua đó tạo động lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDĐH.

Theo đó, các cơ quan chủ quản cần trao nhiều quyền tự chủ về mức thu hơn nữa cho các trường ĐH, trước hết là thu học phí, lệ phí. Các cơ sở GDĐH được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ của đơn vị sự nghiệp trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí của cơ sở GDĐH, đảm bảo nguyên tắc lấy thu đủ bù đắp chi phí đào tạo trong học phí.

Để thực hiện tốt vấn đề này, trên cơ sở những phát hiện qua công tác kiểm toán, KTNN kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, làm cơ sở cho việc xây dựng mức thu học phí, bao gồm cả mức thu học phí hệ đào tạo chuẩn, hệ chất lượng cao, chương trình tiên tiến đảm bảo mức thu được xây dựng phù hợp với mức tăng trưởng thu nhập bình quân của xã hội, gắn với nâng cao chất lượng đào tạo của các trường.

Theo Phó Kiểm toán trưởng Đinh Văn Dũng, danh mục các khoản thu ngoài học phí phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người học. Đồng thời, quy định rõ khung tỷ lệ các nội dung chi từ nguồn thu học phí nhằm đảm bảo lộ trình tăng học phí phải gắn với trách nhiệm tăng chất lượng đào tạo. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần rà soát, phân nhóm các trường theo vùng miền, chuyên ngành đào tạo phù hợp với các chính sách hỗ trợ từ NSNN; xác định lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ phù hợp định hướng và quy hoạch phát triển vùng, có chính sách về cân bằng nghề nghiệp xã hội nhằm tăng cường sức cạnh tranh của các trường ĐH ở địa phương, các trường đào tạo ngành đặc thù...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước cần quyết liệt đối mới phương pháp phân bổ NSNN cho các cơ sở GDĐH theo kết quả đầu ra, mức giao có sự phân biệt giữa các cơ sở dựa trên chất lượng, tiến tới thực hiện cơ chế đặt hàng đối với đào tạo ĐH. Tất cả các cơ sở GDĐH đều được tham gia vào quy trình tuyển chọn kinh phí đặt hàng đào tạo từ NSNN.

Hơn nữa, tự chủ về tài chính của các cơ sở GDĐH cần thực hiện đồng bộ với tự chủ trên các lĩnh vực khác, ví dụ như tự chủ trong tuyển sinh và tuyển dụng. Đơn cử, việc giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh đồng nghĩa với việc hạn chế nguồn thu của các trường. Do đó, đi kèm với tự chủ tài chính, các trường phải được quyết định số lượng tuyển sinh. Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng có trách nhiệm giám sát, đưa ra thước đo chuẩn chất lượng, từ đó có căn cứ để đánh giá về công tác tuyển sinh của trường.

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Thực hiện tự chủ tài chính để thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học