Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững - vai trò và trách nhiệm của các SAI

(BKTO) - Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) là mục tiêu quan trọng của tất cả các quốc gia để đem đến một hướng đi bền vững cho thế giới. Chương trình nghị sự SDGs đã khẳng định các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) sẽ giữ một vai trò quan trọng để hoàn thành những mục tiêu này.



Các SAI đóng vai trò quan trọng trong thực hiện SDGs

Chương trình nghị sự SDGs được thông qua vào năm 2015 tại cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 70. Mục tiêu của Chương trình này là thực hiện những biện pháp quyết liệt, có sức biến đổi một cách khẩn trương nhằm đem đến một hướng đi bền vững cho thế giới, trong đó có nhiều mục tiêu quan trọng như: bảo vệ môi trường, xóa đói, bình đẳng... Đặc biệt, trong Chương trình nghị sự SDGs, vai trò của các thể chế kiểm toán tối cao được nhìn nhận là một phần quan trọng của việc đảm bảo phát triển bền vững và công lý cho mọi người.

Đánh giá về vai trò của các SAI trong việc thực hiện SDGs, ông Chiew Koh Chon - Chủ tịch Ủy ban Chia sẻ kiến thức, KTNN Malaysia - chia sẻ: Hiện nay, rất nhiều quốc gia đang đối mặt với những thách thức về bảo vệ môi trường do khai thác không phù hợp và thiếu bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên như tài nguyên rừng, khoáng sản. Điều này dẫn đến sự suy thoái môi trường nghiêm trọng, thiệt hại về kinh tế và gây chia rẽ trong xã hội.

Chính vì vậy, theo ông Chiew Koh Chon, việc áp dụng các phương pháp quản lý và giám sát hiệu quả từ Chính phủ là điều rất quan trọng. Nhiệm vụ của các SAI là thông qua hoạt động kiểm toán để đảm bảo trách nhiệm công dân, từ đó thiết lập khuôn khổ không thể thiếu trong thực hiện các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững. Ví dụ, thông qua việc kiểm toán dự án khai khoáng, các SAI có thể đánh giá mức độ đạt được của các mục tiêu và yêu cầu về quản lý môi trường nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực trong phát triển đất đai và tài nguyên khoáng sản.

Theo thống kê của Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), trong giai đoạn 2009-2010, đã có 86/111 (chiếm 78%) SAI trên phạm vi toàn cầu triển khai kiểm toán môi trường. Trong vòng 20 năm trở lại đây, các SAI đã thực hiện khoảng 2.000 cuộc kiểm toán môi trường hoặc có chứa đựng yếu tố môi trường, trong đó: 622 cuộc kiểm toán tuân thủ; 383 cuộc kiểm toán tài chính, 640 cuộc kiểm toán hoạt động và một số cuộc kiểm toán chuyên đề khác.

Thực hiện SDGs từ góc nhìn SAI Bangladesh

Là quốc gia đạt được nhiều kết quả trong quá trình thực hiện SDGs, Chính phủ Bangladesh đã tiếp cận thực hiện một cách có hệ thống, bắt đầu từ việc đánh giá và củng cố sự chuẩn bị nhằm giúp cho việc thực hiện SDGs tự phát triển các cơ chế chịu trách nhiệm quốc gia. Những sự cam kết chắc chắn với SDGs ở cấp cao nhất đã mở đường cho rất nhiều biện pháp quan trọng trong việc thực hiện SDGs của Bangladesh.
Trong thời gian qua, rất nhiều biện pháp đồng bộ đã được quốc gia này thực hiện như: tổ chức các cuộc đối thoại mở và cơ chế hợp tác giữa các Bộ và các bên liên quan; xây dựng chiến lược nguồn tài chính cho việc thực hiện SDGs; phát triển kế hoạch hành động của các cơ quan dựa trên các mục tiêu; xây dựng Khung theo dõi và đánh giá…

Chia sẻ kinh nghiệm của mình về việc thực hiện SDGs, Văn phòng Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Bangladesh (OCGA) nhấn mạnh: Các SAI có một vai trò quan trọng trong việc thực hiện SDGs một cách hiệu quả, bắt đầu từ việc rà soát lại sự chuẩn bị cho SDGs của quốc gia mình nhằm đánh giá các hoạt động, chức năng và trách nhiệm. Các SAI có thể đóng 2 vai trò khác nhau trong việc thực hiện SDGs. Đầu tiên là tư cách người thực hiện, SAI trở thành một hình mẫu cho sự chịu trách nhiệm và minh bạch. Ở vai trò thứ 2, SAI sẽ có chức năng giám sát một cách hiệu quả việc thực hiện SDGs.

Hiện OCGA tham gia kiểm toán sự chuẩn bị của Bangladesh trong việc thực hiện SDGs. Ngoài ra, các mục tiêu của SDGs đã được thêm vào trong Dự thảo Kế hoạch chiến lược của OCGA giai đoạn 2019-2023. Bên cạnh đó, các cuộc kiểm toán môi trường dựa trên mục tiêu SDG 6 (Nước sạch và vệ sinh) và SDG 13 (Khí hậu) cũng đã được thực hiện. Kế hoạch hành động cho SDG 16 (Hòa bình và công lý, thể chế vững mạnh) cũng đã được OCGA lập ra. Dự kiến, trong giai đoạn 2019-2023, sẽ có 10 cuộc kiểm toán mỗi năm đối với việc thực hiện SDGs.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đánh giá về những cơ hội và thách thức, ông Masud Ahmed - Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Bangladesh - cho rằng: Việc tập trung vào SDGs sẽ kiến tạo những khả năng để OCGA nâng cao khả năng bằng cách thực hiện kiểm toán đa phương, tuy nhiên cũng mang đến nhiều thử thách mới và những rủi ro về kiểm toán, đặc biệt là việc đảm bảo những thành tựu của SDGs tới Nghị viện trong bối cảnh vẫn còn những giới hạn về nguồn lực và năng lực.

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 8-11-2018
Cùng chuyên mục
Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững - vai trò và trách nhiệm của các SAI