Thiên kiến nhận thức ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động nghề nghiệp của kiểm toán viên?

(BKTO) - Tính liêm chính, độc lập, khách quan là những tiêu chuẩn đạo đức bắt buộc đối với kiểm toán viên (KTV) trong hoạt động nghề nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý học Philip Johnson-Laird và P.C.Wason chỉ ra rằng, hoạt động nghề nghiệp của KTV vẫn có thể chịu những tác động làm giảm tính độc lập. Thực tế này bắt nguồn từ thiên kiến nhận thức.




Hoạt động nghề nghiệp của KTV vẫn có thể chịu những tác động làm giảm tính độc lập​

6 thiên kiến thường gặp trong quá trình kiểm toán
Thiên kiến nhận thức là một khái niệm mới đối với KTNN. Khái niệm này đề cập đến sự chệch hướng mang tính hệ thống trong phán đoán của con người, điều này khiến chúng ta có thể đưa ra những kết luận về người khác hay đánh giá một sự việc, vấn đề nào đó một cách phi logic.
Theo các chuyên gia về kế toán của Hoa Kỳ và Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF), hoạt động kiểm toán thường xuất hiện 6 loại thiên kiến:
Thiên kiến dựa trên sự sẵn có là sự đi tắt của tư duy dựa trên những ví dụ trước mắt, dựa vào suy nghĩ của một người khi đánh giá một vấn đề, khái niệm, phương pháp hoặc quyết định cụ thể. Ví dụ, khi phát hiện những bất ổn về kế toán, nhà quản lý thường nhớ lại những vấn đề tương tự theo kinh nghiệm của họ và giải thích cho KTV mà không có thời gian kiểm tra nội dung cụ thể. KTV cũng có xu hướng dễ dàng chấp nhận sự giải thích đó mà không nghĩ đến những khả năng khác.
Thiên kiến mỏ neo là sự bám chặt vào dữ liệu đầu tiên và chỉ chú trọng xem dữ liệu đó nói lên điều gì mà bỏ qua những bằng chứng có thể đối lập. Đối với kế toán, thiên kiến này thường xảy ra trong quá trình phân bổ ngân sách, khi đưa ra những quyết định phân bổ hoặc khi thực hiện phân tích chi phí. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến các thủ tục kiểm tra, phân tích và đánh giá các mẫu. KTV thường dễ bị ảnh hưởng bởi thiên kiến mỏ neo vì thường bắt đầu quy trình này với những thông tin do nhà quản lý cung cấp (ví dụ, báo cáo tài chính đã được kiểm toán, các báo cáo kiểm toán qua các năm, các biên bản kiểm tra của bên thứ ba). Thiên kiến này ảnh hưởng đến việc xác định rủi ro tiềm tàng, lập kế hoạch kiểm toán khiến KTV có thể bỏ qua một số vấn đề quan trọng khi xác định nội dung kiểm toán. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình kiểm toán của KTV.
Thiên kiến do tác động gần đây về cơ bản cũng giống như thiên kiến mỏ neo nhưng thay vì tập trung vào bằng chứng đầu tiên được thu thập, thiên kiến này lại quan tâm đến những bằng chứng gần nhất.
Thiên kiến do quá tự tin tức là KTV có thể đánh giá quá cao khả năng của mình khi lập kế hoạch và đánh giá giá trị, đánh giá rủi ro hoặc khi cần đánh giá cụ thể khả năng thực hiện của chính họ cũng như của người khác. Sự tự tin thái quá thể hiện ở việc nhận quá nhiều nhiệm vụ, đánh giá sai thời gian thực hiện kiểm toán, cắt bớt hoặc bỏ qua những thông tin được tìm thấy và đưa ra những đánh giá chớp nhoáng, phiến diện. Thiên kiến này thường là vấn đề của KTV nhiều kinh nghiệm.
Thiên kiến xác nhận là chỉ xem xét bằng chứng hỗ trợ cho suy nghĩ/giả định về nguyên nhân của vấn đề, chứ không tìm kiếm một phương án khác có thể chứng minh giả định là sai. KTV có thể có xu hướng này khi đánh giá kiểm soát nội bộ, lựa chọn những chuẩn mực kế toán hoặc xác định mức thuế. Trên thực tế, để xác nhận chính xác một vấn đề, KTV cần phải kiểm tra xem nó có thể sai như thế nào. Muốn tăng cường nghi ngờ nghề nghiệp, KTV cần thay đổi tư duy để tìm hoặc thu nhận các bằng chứng có thể phủ nhận những niềm tin hoặc phán đoán trước đó.
Thiên kiến do phải nhanh chóng đưa ra giải pháp chính là việc đưa ra những đánh giá mà không cân nhắc đầy đủ tất cả các nguồn thông tin. Ví dụ, tổ trưởng đưa ra sự nhất trí sớm mà không cân nhắc, xem xét kỹ một vấn đề cụ thể, hoặc khi đánh giá khả năng xảy ra tham nhũng, KTV chỉ dựa chủ yếu vào uy tín đã được ghi nhận của đơn vị. Xu hướng này có thể xảy ra do các áp lực từ những yếu tố ngoại cảnh, như áp lực về thời gian hay con người.
Để thiên kiến không ảnh hưởng đến quyết định của kiểm toán viên…
Để thiên kiến không ảnh hưởng tới quyết định, KTV luôn phải giữ thái độ hoài nghi nghề nghiệp và đảm bảo thực hiện các xét đoán chuyên môn trong suốt quá trình lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán. Chuẩn mực KTNN 1200 - Trách nhiệm của KTV nhà nước khi thực hiện cuộc kiểm toán tài chính - quy định: “Hoài nghi nghề nghiệp là thái độ luôn nghi ngờ các vấn đề” trong khi “Xét đoán chuyên môn là sự vận dụng các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm phù hợp về tài chính, kế toán, kiểm toán, chuẩn mực kế toán, kiểm toán và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, giúp KTV nhà nước đưa ra quyết định phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán”.
Tuy KTNN chưa có khung xét đoán chuyên môn nhưng các KTV có thể tham khảo kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán tối cao khác. Theo đó, khung xét đoán chuyên môn bao gồm 5 bước: phát hiện và định nghĩa vấn đề; thu thập các bằng chứng và thông tin đồng thời xác định các văn bản có liên quan; thực hiện phân tích và xác định các khả năng thay thế tiềm tàng; đưa ra quyết định; kiểm tra lại, hoàn thiện các hồ sơ và cơ sở để kết luận. Những thiên kiến nêu trên có thể được hạn chế thông qua các bước của quá trình xét đoán. Để giảm thiểu thiên kiến trong xét đoán, cần cân nhắc các bước của khung và duy trì sự hiểu biết về các thiên kiến tiềm tàng cũng như thái độ hoài nghi nghề nghiệp.
Thái độ hoài nghi nghề nghiệp sẽ được dùng để kiểm tra chính những xét đoán chuyên môn của KTV. Thông thường, KTV có thể kiểm tra quyết định của mình bằng cách cân nhắc ý kiến đối lập hoặc giải thích tại sao tiếp cận ban đầu của mình có thể không đúng. Hoạt động này buộc KTV dành thời gian và trí lực để suy nghĩ. Bên cạnh đó, KTV có thể tham khảo ý kiến bên thứ ba độc lập để có cái nhìn khách quan nhất. Việc xét đoán chuyên môn trong hoạt động nghề nghiệp sẽ giúp KTV đưa ra kết luận kiểm toán xác thực và đáng tin cậy.


NGUYỄN THỊ NGỌC ÁNH
KTNN chuyên ngành V
Cùng chuyên mục
Thiên kiến nhận thức ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động nghề nghiệp của kiểm toán viên?