Thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán - kiểm toán: Làm sao để phát triển tương xứng với nền kinh tế?

(BKTO) - Tại Việt Nam, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán nói chung và thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán nói riêng đã có những bước phát triển trong thời gian qua. Về cơ bản, đây là một thị trường non trẻ, chưa được hình thành đầy đủ, phạm vi hoạt động còn hẹp. Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực, những hạn chế đó cũng cho thấy Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển thị trường này trong tương lai.



Thị trường nhỏ, chưatương xứng với nền kinh tế

Tại Hội thảo “Đào tạo Kế toán, kiểm toán theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” do Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) tổ chức vừa qua, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá: Ở Việt Nam hiện nay, sức cạnh tranh của đa số các công ty kiểm toán còn rất yếu. Ngoài một số ít công ty kiểm toán tư vấn tài chính là thành viên hãng quốc tế với 100% vốn nước ngoài, đa số các công ty còn lại chưa đảm bảo được yêu cầu về chất lượng. Ngay cả các công ty kiểm toán, tư vấn lớn ở nước ta, trình độ chuyên môn và chất lượng dịch vụ cũng chưa theo kịp với thế giới. Chính vì điều này, các công ty của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về kế toán, kiểm toán được thực hiện.

Những năm gần đây, số lượng các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán đã tăng nhanh hơn, đặc biệt là sau khi Luật DN có hiệu lực. Mặc dù vậy, chỉ một số công ty có khả năng tương đối về quy mô, phạm vi và chất lượng là có thể hoạt động thường xuyên. Còn những công ty nhỏ hơn thì loại hình dịch vụ cung cấp không nhiều, chất lượng dịch vụ còn thấp, chưa được kiểm soát và chưa thực sự đồng đều do phải chạy đua cạnh tranh về giá dịch vụ. Việc đào tạo cán bộ hầu như chỉ được quan tâm ở một số công ty lớn. Tại các công ty nhỏ, vấn đề này rất ít được đề cập do hạn chế về kinh phí, thời gian và thiếu chuyên gia giỏi.

So với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, quy mô thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán - kiểm toán của nước ta còn hạn chế, khách hàng chủ yếu vẫn kiểm toán theo quy định, số tự nguyện không nhiều. Đây cũng là loại hình dịch vụ chưa được phổ biến rộng rãi. Trong các loại hình dịch vụ do các công ty kiểm toán và tư vấn tài chính kế toán công bố, dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán chỉ chiếm khoảng 5 - 10%. Xét trên toàn ngành, loại hình này hầu như chưa mang lại lợi nhuận cao.

Trong các loại hình dịch vụ được các công ty cung cấp, tỷ trọng dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính vẫn chiếm số lượng chủ yếu. Các loại hình dịch vụ khác như dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn thuế còn thấp, đặc biệt là khối các DN trong nước.

Hầu hết công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán đang tập trung hoạt động tại một số thị trường lớn như Hà Nội, TP. HCM, tại các địa phương khác tuy có chi nhánh nhưng phân bổ không đều. Tình trạng này dẫn đến việc khai thác không triệt để nhu cầu thị trường, đồng thời khiến cho nhiều đơn vị, tổ chức không có điều kiện hiểu biết về tầm quan trọng của các loại hình dịch vụ kế toán, kiểm toán.

Cần phát triển theo xu hướng chung của thời đại

Nguyên nhân của thực trạng trên được các chuyên gia xác định chủ yếu là do hành lang pháp lý chưa đầy đủ; hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán mới chỉ thực hiện trong phạm vi từng công ty, chưa ban hành đầy đủ hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán, thiếu những quy định pháp luật cần thiết để kiểm soát chất lượng dịch vụ tư vấn, hành nghề.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo của VAA, Ths. Lê Thị Hòa - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp - đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển và khắc phục những hạn chế của thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán.

Theo bà Lê Thị Hòa, để thị trường này phát triển một cách hiệu quả, các cơ quan nhà nước cần tạo dựng, hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý, bảo đảm sự cạnh tranh giữa các DN nói chung và công ty cung cấp dịch vụ kế toán nói riêng, tạo ra môi trường pháp luật tốt cho hoạt động của các công ty kế toán và tư vấn tài chính kế toán, kiểm toán. Chẳng hạn như: Bộ Tài chính phải tiếp tục rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán DN; ban hành mới các chuẩn mực chưa có;…

Về phía tổ chức hội nghề nghiệp, các hiệp hội như VAA; VACPA (Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam) cần nâng cao năng lực hoạt động và trách nhiệm xã hội của mình, chủ động hơn về tổ chức và hoạt động để thực sự là một tổ chức độc lập, mang tính nghề nghiệp cao; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về quy chế, nhân sự và điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nhận và triển khai có hiệu quả công tác đào tạo và quản lý nghề nghiệp khi Bộ Tài chính chuyển giao; tăng cường kiểm soát của các cơ quan quản lý hành nghề đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán. Bên cạnh đó, tổ chức hiệp hội và Bộ Tài chính cũng cần thực hiện các thủ tục cần thiết để Chứng chỉ Kế toán viên, Kiểm toán viên do Việt Nam cấp được thừa nhận rộng rãi ở các quốc gia khu vực và thế giới.

Đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán, cần tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ; như: khuyến khích các công ty mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, nâng cao khả năng, trình độ của nhân viên chuyên nghiệp, mở rộng diện được hành nghề cho cả cá nhân…

Một điều rất quan trọng nữa, để phát triển dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán trong bối cảnh gia nhập CPTPP và AEC, Việt Nam cần phải thực hiện đầy đủ các cam kết về cung cấp dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán theo thông lệ chung của thế giới, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nhân lực trên cơ sở thay đổi nhận thức của các đối tượng sử dụng dịch vụ này trên thị trường.

Với những yêu cầu và định hướng như trên, việc phát triển dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán đang rất cần sự hợp tác đồng bộ giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền và các đơn vị cung cấp dịch vụ. Khi đã đạt được sự đồng thuận này, lĩnh vực dịch vụ tư vấn kế toán, kiểm toán sẽ phát triển toàn diện và đa dạng theo xu hướng chung của thời đại.
         
Số kế toán viên, kiểm toán viên sở hữu chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% tổng số kế toán viên, kiểm toán viên của các nước ASEAN (4.000/196.000).

NGUYÊN SƠN (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15-11-2018
Cùng chuyên mục
Thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán - kiểm toán: Làm sao để phát triển tương xứng với nền kinh tế?