Tăng cường thanh tra, kiểm toán để nâng cao hiệu quả tự chủ đại học

(BKTO) - Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phát hiện nhiều thiếu sót, vi phạm trong triển khai thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học (ĐH). Đây cũng là những tồn tại từng được KTNN chỉ ra, qua nhiều cuộc kiểm toán liên quan đến công tác tự chủ ĐH. Trong bối cảnh chính sách về tự chủ mới được triển khai, việc thông qua công tác thanh tra, kiểm toán để kịp thời phát hiện những sai sót, chấn chỉnh bất cập và đề xuất hoàn thiện chính sách sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động tự chủ giáo dục ĐH hiện nay.



Còn nhiều hạn chế, bất cập

Thực hiện Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, đặc biệt là các quy định liên quan đến thực hiện tự chủ, thời gian qua các cơ sở giáo dục ĐH đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt nhiều kết quả.
                
   

Việc thực hiện tự chủ ĐH đạt được nhiều kết quả, song cũng còn những bất cập, tồn tại nhất định. Ảnh sưu tầm

   

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT phát hiện còn nhiều thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tự chủ ĐH. Theo Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường, trong văn bản gửi các cơ sở giáo dục ĐH về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ trong hoạt động tự chủ mới đây, những thiếu sót, vi phạm này đã được Bộ chỉ ra. Theo đó, trong công tác tổ chức, nhiều trường chưa thành lập hoặc kiện toàn hội đồng trường; chưa xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm; chưa kịp thời kiện toàn ban giám hiệu, các chức danh thuộc thẩm quyền của hội đồng trường; chưa xây dựng, ban hành văn bản, quy chế theo thẩm quyền hoặc văn bản ban hành chưa đúng quy định pháp luật, đặc biệt là quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính.

Trong công tác đào tạo, học thuật, nhiều trường chưa kịp thời rà soát, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ, không đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu ở mỗi trình độ đào tạo; hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ chưa đúng, chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chưa công khai thông tin văn bằng, chứng chỉ và ký chứng chỉ sai thẩm quyền.

Liên quan đến công tác tài chính, theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, các trường còn vi phạm quy định về công tác quản lý tài chính, tài sản; mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; thực hiện một số khoản thu, chi, trích lập các quỹ chưa đúng quy định.

Những sai phạm, bất cập trong thực hiện tự chủ tại các trường ĐH thời gian qua cũng từng được KTNN phát hiện, chỉ ra qua công tác kiểm toán, đặc biệt là qua cuộc kiểm toán chuyên đề tự chủ tại cơ sở giáo dục ĐH công lập trên cả nước cho thấy, trong giai đoạn 2016-2018.

Trong việc thực hiện tự chủ tài chính, do áp lực tự cân đối thu chi, nhiều cơ sở giáo dục ĐH trong việc gia tăng các khoản thu chưa có trong quy định để bù đắp các khoản chi. Có tình trạng thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định về thu học phí, thu chưa có trong quy định còn phổ biến, từ đó làm gia tăng gánh nặng cho người học và xã hội. Tại một số Bộ, ngành, địa phương còn tình trạng giao dự toán NSNN chưa căn cứ mức độ tự chủ của các trường để giảm kinh phí NSNN cấp theo lộ trình tăng học phí.

Đáng chú ý, theo KTNN chuyên ngành III, Đoàn kiểm toán cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong kiểm tra, giám sát và chưa có biện pháp đối với các trường ĐH thu các khoản chưa có trong quy định, vượt quy định mà KTNN đã kiến nghị chấm dứt qua nhiều năm; chậm triển khai xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục; chậm ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực dịch vụ giáo dục.

Tăng cường thanh, kiểm tra, thực hiện nghiêm trách nhiệm giải trình

Không chỉ nêu lên những bất cập, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, điều quan trọng, KTNN còn chỉ ra nguyên nhân đưa đến những bất cập đó, từ đó kiến nghị điều chỉnh chính sách pháp luật còn bất cập. Đơn cử như trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, cơ chế tiền lương… tại các đơn vị sự nghiệp công lập đang là đối tượng được điều chỉnh đồng thời bởi quy định của nhiều luật: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Lao động; Luật Thi đua khen thưởng; một số luật chuyên ngành… Điều này dẫn đến sự xung đột và chồng chéo trong thực hiện; có sự chênh lệch lớn về thu nhập bình quân giữa các trường thuộc khu vực miền núi và các đô thị lớn. Theo đó, KTNN kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất, toàn diện về cơ chế tự chủ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH; ban hành các văn bản về thực hiện tự chủ đảm bảo tính đồng bộ nhằm phát huy tối đa nguồn lực hiện có và tiềm năng của các trường ĐH trong việc thực hiện cơ chế tự chủ.
                
   

KTNN phát hiện nhiều bất cập và kiến nghị nhiều chính sách liên quan đến tự chủ ĐH. Ảnh tư liệu

   

Là người phụ trách Đoàn kiểm toán chuyên đề về tự chủ giáo dục ĐH, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Đinh Văn Dũng cho biết, từ chủ trương tự chủ rất đúng đắn được Đảng, Nhà nước đề ra, nhiều trường ĐH đã và đang áp dụng theo cơ chế tự chủ và đạt được thành công bước đầu, được xã hội ghi nhận. Tuy nhiên, do chính sách mới áp dụng, nên quá trình thực hiện không tránh khỏi vướng mắc, thiếu sót, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành chức năng, trong đó có công tác thanh tra, kiểm toán. “Xuất phát từ quan điểm đó, KTNN xác định vào cuộc kiểm toán để làm rõ đúng, sai, đồng thời đồng hành cùng các trường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc” – ông Dũng cho biết.

Về góc độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường cho biết, để công tác quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và tự chủ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán; thực hiện Chỉ thị số 1048/CT-BGDĐT, Hướng dẫn số 4555/BGDDT-TTr ngày 08/10/2021 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục ĐH.

“Đặc biệt, các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ, giúp hội đồng trường, hiệu trưởng tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, theo kế hoạch và đột xuất khi có vấn đề phức tạp hoặc theo yêu cầu xử lý đơn thư” - ông Cường lưu ý.

Đồng thời, các trường cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH đối với chủ sở hữu, người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định về tự chủ.
                
   

PGS,TS. Trần Văn Tớp. Ảnh: N.LỘC

   
         
PGS,TS. Trần Văn Tớp – nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội:
   Các hoạt động thanh tra, kiểm toán mang lại những giá trị rất lớn cho chính các trường ĐH, đặc biệt là trong công tác tự chủ. Trong bối cảnh các cơ chế, chính sách về tự chủ vẫn còn chồng chéo và đang được hoàn thiện, các trường triển khai chính sách sẽ không tránh khỏi sai sót. Do đó, nếu được thanh tra, kiểm toán vào cuộc, chỉ ra, các trường sẽ có nhìn nhận đúng đắn hơn về việc làm của mình; đồng thời các trường còn được các kiểm toán viên tư vấn chính sách, chỉ ra bất cập từ chính sách, từ đó kiến nghị để sửa đổi các quy định cho phù hợp.

NGUYỄN LỘC
         
PGS,TS. Trần Văn Tớp – nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội:
   Các hoạt động thanh tra, kiểm toán mang lại những giá trị rất lớn cho chính các trường ĐH, đặc biệt là trong công tác tự chủ. Trong bối cảnh các cơ chế, chính sách về tự chủ vẫn còn chồng chéo và đang được hoàn thiện, các trường triển khai chính sách sẽ không tránh khỏi sai sót. Do đó, nếu được thanh tra, kiểm toán vào cuộc, chỉ ra, các trường sẽ có nhìn nhận đúng đắn hơn về việc làm của mình; đồng thời các trường còn được các kiểm toán viên tư vấn chính sách, chỉ ra bất cập từ chính sách, từ đó kiến nghị để sửa đổi các quy định cho phù hợp.
Cùng chuyên mục
Tăng cường thanh tra, kiểm toán để nâng cao hiệu quả tự chủ đại học