Tăng cường kiểm soát để giảm thiểu rủi rõ, nâng cao chất lượng kiểm toán

(BKTO) - Tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 8/2020 vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã yêu cầu các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán. Một trong những giải pháp quan trọng được Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, đó là tăng cường kiểm soát hoạt động kiểm toán.




Công tác KSCLKT đã từng bước đi vào nền nếp và ngày càng phát huy hiệu quả. Ảnh: NhưÝ

Ngày càng chú trọng công táckiểm soát chất lượngkiểm toán

Xác định công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro, giúp nâng cao chất lượng kiểm toán, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT) - đơn vị được giao tham mưu xây dựng chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát đã tham mưu cho Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán, tạo thuận lợi cho kiểm toán viên (KTV) trong quá trình thực hiện; đồng thời làm cơ sở cho việc KSCLKT.

Theo Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT Ngô Minh Kiểm, đến nay, hệ thống các hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán cơ bản đã đầy đủ, được rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, có sự nhất quán cao, phù hợp với các quy định của Luật KTNN và các thông lệ quốc tế, làm cơ sở để quản lý và điều hành hoạt động kiểm toán. Cụ thể, KTNN đã hoàn thành sửa đổi, bổ sung và xây dựng 17 văn bản chế độ về chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán, đặc biệt là ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN và 5 văn bản Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, KTNN đã thực hiện sửa đổi, bổ sung hoàn thiện 9 văn bản để bảo đảm KSCLKT, đáng chú ý như: Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN; Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán; Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành Báo cáo kiểm toán (BCKT); Quy chế KSCLKT; Quy định tiêu chí, thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại chất lượng Đoàn kiểm toán; Quy tắc ứng xử của KTV; Quy định phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán...

Cùng với đó, công tác KSCLKT được chú trọng ở các cấp kiểm soát. Hiện, việc thực hiện kiểm soát các cuộc kiểm toán được thực hiện theo 5 hình thức (giám sát, kiểm soát trực tiếp, kiểm soát công tác tổ chức kiểm soát tại các đơn vị, kiểm soát đột xuất và kiểm soát hồ sơ sau kiểm toán) và 5 cấp độ (Tổng Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn, Tổ trưởng và tự rà soát của KTV). Đặc biệt, để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kiểm toán, KTNN đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như ghi chép nhật ký kiểm toán trên phần mềm điện tử, để lãnh đạo KTNN và bộ phận KSCLKT có thể thực hiện giám sát từ xa, mọi nơi, mọi lúc về tiến độ và kết quả kiểm toán của các KTV.

Công tác tổ chức KSCLKT được thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào việc thực hiện các nội dung trọng yếu của Kế hoạch kiểm toán; tuân thủ quy trình, mẫu biểu kiểm toán; tính đầy đủ, thích hợp của bằng chứng kiểm toán; xem xét cơ sở pháp lý và tính khả thi của những kiến nghị kiểm toán; tập trung vào các đoàn kiểm toán yếu kém, các nội dung có tính nhạy cảm (kiểm toán dự án đầu tư, đối chiếu thuế). Đến nay, việc thực hiện kiểm soát các cuộc kiểm toán đã triển khai đầy đủ theo 5/5 hình thức KSCLKT, từ đó góp phần nâng cao tính tự giác của KTV.

Tăng cường kiểm soátthường kỳ, đột xuất đối với cácđoàn kiểm toán

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Ngô Minh Kiểm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, thời gian qua, Vụ CĐ&KSCLKT đã thực hiện tăng cường kiểm soát thường kỳ, đột xuất đối với các đoàn kiểm toán. Hiện, Vụ đang thực hiện kiểm soát trên nhật ký đối với tất cả các đoàn; kiểm soát đột xuất đối với 3 đoàn... Ngoài ra, công tác KSCLKT nội bộ cũng đang được các đơn vị kiểm toán chú trọng thực hiện.

Qua công tác KSCLKT cho thấy, việc KSCLKT tại các đơn vị đã đi vào nền nếp và ngày càng chất lượng hơn, giá trị pháp lý của BCKT được nâng lên nhờ kết luận và kiến nghị kiểm toán được thẩm định, kiểm soát qua nhiều cấp; chế độ báo cáo định kỳ được duy trì, phản ánh kịp thời kết quả kiểm toán, qua đó, lãnh đạo KTNN, Thủ trưởng đơn vị đã chỉ đạo các đoàn, tổ kiểm toán thực hiện theo đúng mục tiêu, trọng tâm kiểm toán, gắn trách nhiệm của Trưởng đoàn kiểm toán với chất lượng, tiến độ lập và phát hành BCKT. Đáng chú ý, các đơn vị đã cơ bản thực hiện theo đúng kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt; tuân thủ quy trình kiểm toán. Qua kiểm soát trực tiếp đối với các cuộc kiểm toán đã hoàn thành, các BCKT đã được trình bày theo mẫu biểu mới. Trong đó, các đoàn kiểm toán ngân sách vẫn là điểm sáng trong công tác kiểm toán, khi tuân thủ các quy trình kiểm toán, hệ thống mẫu biểu mới...

Cũng theo Vụ trưởng Ngô Minh Kiểm, để nâng cao hiệu quả của công tác KSCLKT, hướng đến việc nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán, KTNN cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế minh bạch kết quả kiểm toán. Theo đó, bên cạnh việc sửa đổi hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp, đơn giản, tiện ích, phù hợp thực tiễn, cần tiếp tục duy trì việc ghi chép nhật ký kiểm toán, kèm theo bằng chứng làm cơ sở cho hoạt động KSCLKT và quản lý hoạt động kiểm toán; các vấn đề xử lý kết quả kiểm toán của từng cấp phải được hồ sơ hóa; kế hoạch kiểm toán chi tiết phải phân công rõ nội dung kiểm toán với thời gian cụ thể...

Tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đơn vị chủ trì kiểm toán cần tích cực và chủ động đẩy nhanh việc thực hiện các cuộc kiểm toán còn lại; nghiên cứu, đổi mới phương pháp kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán; thực hiện các giải pháp, trong đó có việc tuân thủ hướng dẫn, mẫu biểu mới để giảm thời gian kiểm toán, tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán.

Đặc biệt, lưu ý bối cảnh Ngành thực hiện nhiệm vụ kiểm toán khi cả nước đang tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đơn vị siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện nhiệm vụ, tuyệt đối không để xảy ra sai sót đáng tiếc, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Ngành. Trong đó, các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kế hoạch KSCLKT năm 2020 đảm bảo tiến độ và chất lượng; tăng cường các cuộc KSCLKT, thanh tra đột xuất để chấn chỉnh kịp thời những bất cập ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán.
         
Nhờ các giải pháp đồng bộ, được triển khai quyết liệt ở mọi cấp độ, mọi giai đoạn của quá trình kiểm toán, công tác KSCLKT đã từng bước đi vào nền nếp và ngày càng phát huy hiệu quả, kết quả kiểm soát đã góp phần hạn chế sai sót, rủi ro kiểm toán, kiến nghị kiểm toán ngày càng khả thi.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Tăng cường kiểm soát để giảm thiểu rủi rõ, nâng cao chất lượng kiểm toán