Sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước để tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả hơn

(BKTO) - Ngày 23/5, Quốc hội đã nghe tờ trình và thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết cũng như các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung; song bên cạnh đó cũng có đại biểu còn băn khoăn về một số quy định trong Dự thảo Luật. Từ góc độ cơ quan soạn thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Soạn thảo Dự án Luật - đã có nội dung trao đổi phân tích, làm rõ hơn một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.




Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. Ảnh: Ngọc Bích

Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN vừa qua, liên quan đến quy định về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của KTNN, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần cân nhắc quy định này vì có thể dẫn đến trùng lặp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Từ góc độ cơ quan soạn thảo, xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết quan điểm về vấn đề này?

- Theo Luật Phòng, chống tham nhũng, KTNN là một trong những cơ quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng và hiện nay Tổng Kiểm toán Nhà nước là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng T.Ư.

Vì vậy, Dự thảo Luật KTNN quy định nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của KTNN nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của KTNN để Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành quy định, hướng dẫn thi hành những nội dung này trong quy trình nghiệp vụ kiểm toán, trọng tâm kiểm toán nhằm thực hiện một cách chặt chẽ nhất vì đặc thù KTNN là cơ quan hoạt động độc lập. Đồng thời, Luật KTNN không có nghị định hướng dẫn thi hành, trong khi đó Luật Phòng, chống tham nhũng không quy định cụ thể KTNN được ban hành thông tư để cụ thể hóa nhiệm vụ trên.

Liên quan đến quyền xác minh cũng đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng KTNN đề xuất đưa vào Luật KTNN để Tổng Kiểm toán Nhà nước có cơ sở ban hành quy trình xác minh, đảm bảo quản lý, giám sát chặt chẽ kiểm toán viên, tránh trường hợp lợi dụng việc xác minh, tùy tiện gây khó khăn cho các đơn vị, cá nhân liên quan, chống tiêu cực trong công tác xác minh vụ việc.

♦ Một số đại biểu cũng đề nghị Dự thảo Luật cần quy định cụ thể về cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức này cũng như quy trình, thủ tục kiểm tra, đối chiếu của KTNN để đảm bảo sự chặt chẽ. Tổng Kiểm toán Nhà nước có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Điều 68 của Luật KTNN năm 2015 đã đề cập các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhưng không nói rõ là những tổ chức, cá nhân nào? Tổ chức đó liên quan đến việc sử dụng tài chính, tài sản công hay liên quan đến đơn vị được kiểm toán. Điều này gây nên những vướng mắc cho hoạt động kiểm toán khi những tổ chức, cá nhân này không hợp tác để cung cấp tài liệu phục vụ cho việc kiểm tra, đối chiếu. Vì vậy, trong Dự thảo Luật lần này, KTNN đã đề nghị làm rõ, cụ thể nội dung này, như: các DN có liên quan đến vấn đề nộp ngân sách; chủ đầu tư các khu đô thị, các DN đầu tư dự án BOT, BT; các DN khai thác khoáng sản… Đồng thời, Dự thảo Luật cũng bổ sung, làm rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Như vậy, theo đề nghị của KTNN, các tổ chức, đơn vị liên quan được thực hiện kiểm tra, đối chiếu trong hoạt động kiểm toán phải đảm bảo đủ hai điều kiện, đó là các tổ chức, đơn vị có sử dụng tài chính công, tài sản công và có liên quan trực tiếp đến đơn vị được kiểm toán.

Qua kiểm tra, đối chiếu các đơn vị liên quan này (theo phương thức chọn mẫu), KTNN sẽ đánh giá đơn vị được kiểm toán thực hiện nhiệm vụ được giao có đúng pháp luật hay không, trách nhiệm thế nào; đồng thời, sẽ truy thu các khoản phải nộp về NSNN, tránh thất thoát cho NSNN. Nghĩa là khi thực hiện kiểm toán tại một đơn vị (đối tượng kiểm toán), KTNN sẽ chọn một số ít đơn vị, tổ chức có liên quan để kiểm tra, đối chiếu nhằm phát hiện sự vi phạm pháp luật, kiến nghị thu hồi tài sản, kinh phí thu, chi sai quy định.

Trong Dự thảo Luật cũng đề xuất quy định các cá nhân, tổ chức liên quan có quyền kiện KTNN nếu kết quả, kết luận kiểm toán không đúng, xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của họ. Tương tự, các đơn vị được kiểm toán cũng có quyền khiếu kiện nếu kết luận, kiến nghị kiểm toán không chính xác. Quy định như vậy nhằm để đảm bảo sự minh bạch, công bằng. Vì vậy, khi kiểm tra, đối chiếu hồ sơ tài liệu với các đơn vị, tổ chức có liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước phối hợp, giải trình, làm rõ với đoàn kiểm toán những vấn đề KTNN yêu cầu khi phát hiện sai phạm và KTNN sẽ lập biên bản làm việc, sau đó sẽ phát hành báo cáo kiểm toán để đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị thực thi. Vì vậy, kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN bắt buộc các đơn vị được kiểm toán thực hiện.

♦ Một điểm mới trong Dự thảo Luật được nhiều đại biểu quan tâm là quy định KTNN có quyền xử phạt vi phạm hành chính. Có ý kiến băn khoăn, KTNN không phải là cơ quan hành chính, việc KTNN có quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể gây chồng chéo nhiệm vụ với các cơ quan khác. Tổng Kiểm toán Nhà nước có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

- Dự thảo Luật chỉ đề xuất KTNN có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chống đối, cản trở hoạt động kiểm toán và hành vi không cung cấp hồ sơ, tài liệu cho KTNN. Đây là những hành vi vi phạm hoạt động KTNN, do đó cần phải có chế tài xử phạt nhằm thực hiện nghiêm Luật KTNN và các bộ luật liên quan.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Luật KTNN của đa số các nước đều quy định cơ quan KTNN có quyền xử phạt vi phạm hành chính; chẳng hạn như Luật KTNN các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Mỹ... Ở nước ta, Tòa án là cơ quan tư pháp nhưng cũng có quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Tóm lại, với những vấn đề xuất phát từ thực tiễn, từ yêu cầu quản lý, thông lệ quốc tế và yêu cầu của các bộ luật mới ban hành, cần phải sửa Luật KTNN để đảm bảo sát hợp, chặt chẽ, khả thi và hiệu quả hơn.

♦ Trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!

NGUYỄN HỒNG (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 06-6-2019
Cùng chuyên mục
Sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước để tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả hơn