(BKTO) - Sau khi tổng hợp kết quả kiểm toán nợ công năm 2015, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị nổi bật liên quan đến công tác lập Báo cáo giám sát nợ công, quản lý danh mục nợ và công tác quản lý nợ chính quyền địa phương.



KTNN xác nhận nợ côngbằng 61% GDP

Theo Báo cáo của Chính phủ số 464/BC-CP ngày 19/10/2016 về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, nợ công đến 31/12/2015 là 2.608.421 tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Cơ cấu nợ công đến cuối năm 2015 bao gồm nợ Chính phủ chiếm 80,8% dư nợ, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%. Trong cơ cấu nợ Chính phủ, tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015; nợ nước ngoài giảm tương ứng từ 61% xuống còn 43%.
KTNN xác định nợ công đến 31/12/2015 theo Luật Quản lý nợ công là 2.556.039 tỷ đồng, bằng 61% GDP, giảm 52.382 tỷ đồng so với số báo cáo của Chính phủ. Nếu tính đầy đủ các khoản vay thực hiện trong năm 2016 để bù đắp bội chi năm 2014, 2015 số tiền 25.219 tỷ đồng và 8.171 tỷ đồng bù đắp bội chi năm 2015 đến thời điểm kiểm toán Bộ Tài chính chưa vay, thì nợ công 2.589.429 tỷ đồng, bằng 61,8% GDP, nợ Chính phủ 2.098.022 tỷ đồng, bằng 50% GDP.

Qua kiểm toán, KTNN chỉ rõ, Bộ Tài chính đã chưa lập kịp thời Báo cáo giám sát nợ, chưa lập Bản tin nợ công năm 2015 theo quy định của Luật Quản lý nợ công về báo cáo thông tin và công khai thông tin về nợ công; quản lý nợ công còn phân tán, thiếu đối chiếu; theo dõi, thống kê, tổng hợp và báo cáo số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định.

Vì vậy, việc Bộ Tài chính tổng hợp nợ công có thể chưa đầy đủ các khoản nợ Chính phủ, chính quyền địa phương. Hơn nữa, mặc dù nợ DNNN không có bảo lãnh Chính phủ không phải nợ công nhưng nguy cơ tiềm tàng cao ảnh hưởng đến nền kinh tế và uy tín của Chính phủ khi DNNN thua lỗ, không trả được nợ.

Liên quan đến vấn đề quản lý danh mục nợ, KTNN đã phân tích rõ tình trạng vay tồn ngân không được quy định thời hạn trả nợ hoặc quy định thời hạn tạm ứng 12 tháng nhưng phải gia hạn nợ nhiều lần vẫn chậm được khắc phục, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản của hệ thống Kho bạc Nhà nước. Đến 31/12/2015, tổng số dư nợ vay tồn ngân kho bạc 157.162 tỷ đồng; trong đó các khoản ứng vốn có thời hạn trên 3 năm là 60.816 tỷ đồng, trên 1 năm là 61.045 đồng; các khoản vay từ năm 2014 trở về trước đến năm 2017 phải gia hạn năm 2015 là 120.725 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính áp dụng mức phí tạm ứng tồn ngân Kho bạc Nhà nước (0,15%/tháng) đối với các khoản vay tồn ngân để bù đắp bội chi NSNN không đúng đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư số 162/2012/TT-BTC. Trong khi đó, tại Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2014, KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ quy định cụ thể việc vay tồn ngân Kho bạc Nhà nước để bù đắp bội chi, song kiến nghị chưa được thực hiện.

Kiến nghị quản lý chặtcác khoản vay

Bên cạnh đó, KTNN cũng nêu ra tình trạng vay các quỹ ngoài ngân sách không được hạch toán chi tiết theo đối tượng. Nợ nước ngoài của Chính phủ được theo dõi tại Cục Quản lý nợ và Kho bạc Nhà nước nhưng không phù hợp về tiêu thức và số liệu.

Đến 31/12/2015, Bộ Tài chính đã chuyển 4.438 tỷ đồng cho Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) để thanh toán trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đến hạn nhưng chưa được VEC ký nhận nợ, trong đó Bộ Tài chính tính vào nợ của Chính phủ 2.477 tỷ đồng; ghi thu, ghi chi vốn cấp phát đối với vốn vay nước ngoài về cho vay lại của 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC (tổng số tiền đã ghi thu, ghi chi 18.123 tỷ đồng chưa được quyết toán NSNN, trong đó năm 2014 là 10.783 tỷ đồng, năm 2015 là 7.340 tỷ đồng) khi các dự án chưa được chuyển đổi nguồn vốn đầu tư sang cấp phát và bổ sung kế hoạch vốn; chưa ký hợp đồng cho vay lại đối với khoản cho vay được cơ cấu lại từ nguồn trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu nợ vay lại của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế năm 2005 và năm 2010.

Hơn nữa, KTNN còn phát hiện một số chương trình, dự án được Chính phủ cho phép miễn thế chấp tài sản không đúng quy định tại Khoản 1, Điều 13 Nghị định số 15/2011/NĐ-CP. Việc quản lý tài sản đảm bảo đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Khoản 4, Điều 13 Nghị định số 15/2011/NĐ-CP còn chậm trễ, đến thời điểm kiểm toán mới có 8/61 dự án ký hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo.

Nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải cơ cấu lại làm gia tăng nghĩa vụ của Quỹ tích lũy và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ trong những năm tiếp theo.

Cụ thể, đến 31/12/2015, dư nợ của các dự án cho vay lại có nợ quá hạn tương đương 28.034 tỷ đồng (55 dự án 5.641 tỷ đồng và Vinashin 22.393 tỷ đồng), chiếm 9,1% tổng dư nợ, trong đó các khoản nợ quá hạn tương đương 9.730 tỷ đồng và 5 dự án cho vay lại có nợ ứng vốn từ Quỹ tích lũy 1.217,8 tỷ đồng; 10 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với dư nợ 199,02 triệu USD.

Việc hoàn trả NSNN các khoản vay về cho vay lại cũng chưa đầy đủ, kịp thời, chẳng hạn như khoản trả lãi trái phiếu quốc tế 2014 (cho vay lại SBIC) số tiền 24 triệu USD tương đương 515 tỷ đồng, hay khoản trả lãi năm 2015 của Dự án đường cao tốc Bắc Nam 35 tỷ đồng (dự án cho vay lại của VEC).

Trong công tác quản lý nợ chính quyền địa phương, một số địa phương chưa xây dựng hạn mức vay; không lập kế hoạch vay và trả nợ vay; bố trí cho các công trình không đúng mục đích, danh mục đăng ký; chưa lập và gửi báo cáo về nợ chính quyền địa phương theo quy định.

Đáng chú ý, 14/46 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ tại 31/12/2015 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật NSNN.

Một số khoản vay trong năm của địa phương nhưng đến hết năm 2015 không giải ngân hết, cá biệt có địa phương phát hành trái phiếu nhưng phân bổ, sử dụng không kịp thời làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Cụ thể, trái phiếu phát hành đợt 1 năm 2013 là 800 tỷ đồng, đến ngày 01/9/2015 mới phân bổ, sử dụng hết; phát hành đợt 3 ngày 31/12/2015 là 550 tỷ đồng, ngày 03/8/2016 mới phân bổ, sử dụng hết.

HỒNG THOAN
Theo Tuần báo số ra ngày 10.8.2017
Cùng chuyên mục
Siết chặt quản lý để giảm nợ công