Sẽ ban hành hướng dẫn mới liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp

(BKTO) - Thực hiện Quyết định số 344/QĐ- KTNN của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp (BCTCDN)… Tổ soạn thảo đã hoàn thành Dự thảo Hướng dẫn này và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của KTNN để lấy ý kiến của các đơn vị trong ngành từ nay đến trước ngày 15/12/2018.



Bản Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến có kết cấu 5 Chương, 19 Điều. Trong đó, Chương I đề cập đến “Những quy định chung”, Chương II đề cập đến “Chính sách xác định trọng yếu kiểm toán BCTCDN”, các Chương còn lại hướng dẫn cụ thể về quá trình vận dụng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán BCTCDN từ giai đoạn chuẩn bị kiểm toán (Chương III) đến giai đoạn thực hiện kiểm toán (Chương IV) và giai đoạn hình thành ý kiến và lập báo cáo kiểm toán (Chương V).

Đáng chú ý, tại Điều 6 Chương II của Dự thảo có Khung hướng dẫn xác định trọng yếu kiểm toán BCTCDN về định lượng, trong đó hướng dẫn cho Kiểm toán viên nhà nước xác định mức trọng yếu đối với tổng thể BCTCDN.

Bảng:Khung tỷ lệ cho từng tiêu chí để xác định mức trọng yếu tổng thể                                                              
STTMỨC TRỌNG YẾU TỔNG THỂ
13-10% tổng lợi nhuận trước thuế
20,5-3% tổng doanh thu
30,5-3% tổng chi phí
40,5-3% tổng vốn chủ sở hữu
50,5-2% tổng tài sản
Nguồn:Dự thảo Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán BCTCDN

Khung tỷ lệ nêu trên cung cấp định hướng cho Kiểm toán viên nhà nước khi đưa ra các xét đoán trong việc xác định mức trọng yếu đối với tổng thể BCTCDN. Trong một số trường hợp, tỷ lệ % xác định mức trọng yếu có thể vượt khung hướng dẫn nói trên nếu như Kiểm toán viên nhà nước xét đoán rằng mức trọng yếu đó là phù hợp. Tất nhiên, Kiểm toán viên nhà nước cần phải phản ánh trong hồ sơ kiểm toán những diễn giải chi tiết hơn về nguyên nhân xác định mức trọng yếu vượt quá khung và mức trọng yếu vượt khung này phải được sự đồng ý của Lãnh đạo KTNN…

Đồng thời, Khung hướng dẫn xác định trọng yếu kiểm toán BCTCDN còn hướng dẫn cho Kiểm toán viên nhà nước xác định mức trọng yếu đối với các khoản mục, nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh cần lưu ý; xác định mức trọng yếu thực hiện (khoảng từ 50%-75% mức trọng yếu tổng thể); xác định ngưỡng sai sót không đáng kể (từ 0%-3% mức trọng yếu tổng thể). Kèm theo đó là các nguyên tắc xác định trọng yếu về định tính được quy định tại Điều 7.

Theo Dự thảo, Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán BCTCDN được áp dụng với các đơn vị trực thuộc KTNN, các đoàn KTNN, thành viên đoàn KTNN và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kiểm toán BCTCDN của KTNN. Hướng dẫn nhằm giúp Kiểm toán viên nhà nước vận dụng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán một cách phù hợp khi lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán trong kiểm toán BCTCDN.

H.THOAN
Cùng chuyên mục
Sẽ ban hành hướng dẫn mới liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp