Sau giải thể, Đoàn kiểm toán vẫn phải chịu trách nhiệm về hoạt động kiểm toán đã thực hiện

(BKTO) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN (Quy chế) vừa được Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành theo Quyết định số 03/2020/QĐ-KTNN ngày 19/10/2020.



Quy chế này được xây dựng trên quan điểm kế thừa các nội dung của Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định số 01/2016/QĐ-KTNN ngày 20/6/2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Theo đó, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN gồm 36 Điều tại 05 Chương, gồm: Chương I, Quy định chung; Chương II, Tổ chức của Đoàn KTNN; Chương III, Hoạt động của Đoàn kiểm toán; Chương IV, Quan hệ công tác và lề lối làm việc của Đoàn kiểm toán; Chương V, Điều khoản thi hành.

Trong đó, Quy chế xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các Đoàn kiểm toán được thành lập theo quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Cụ thể, Quy chế quy định về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán, mối quan hệ công tác, lề lối làm việc, khen thưởng, kỷ luật đối với Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, các thành viên Đoàn kiểm toán và trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Các quy định của Quy chế chỉ áp dụng từ khi Đoàn kiểm toán được Tổng Kiểm toán Nhà nước ký quyết định thành lập.

Về thời hạn một cuộc kiểm toán được nêu tại Điều 4 của Quy chế là không quá 60 ngày. Trường hợp phức tạp, cần thiết kéo dài thời hạn kiểm toán thì Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định gia hạn một lần, thời gian gia hạn không quá 30 ngày. Đối với cuộc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công có quy mô toàn quốc, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thời hạn cuộc kiểm toán. Đáng chú ý, trong trường hợp sau khi công bố quyết định kiểm toán phát sinh sự kiện bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh….) ảnh hưởng đến cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét quyết định tạm dừng cuộc kiểm toán. Thời hạn tạm dừng không tính vào thời hạn của cuộc kiểm toán. Đây là một trong những điểm mới được bổ sung vào Quy chế.

Đáng chú ý, theo quy định của Quy chế, Đoàn kiểm toán tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán nhưng phải chịu trách nhiệm về những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN.

Nhiều nội dung khác liên quan đến thành phần Đoàn kiểm toán, tiêu chuẩn Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán; nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán, các nội dung của hoạt động kiểm toán... được quy định rõ tại các chương, điều trong Quy chế.

Quyết định ban hành Quy chế có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 01/2016/QĐ-KTNN ngày 20/6/2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động Đoàn KTNN. Theo đó, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN, các Đoàn KTNN, các thành viên của Đoàn KTNN, đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Sau giải thể, Đoàn kiểm toán vẫn phải chịu trách nhiệm về hoạt động kiểm toán đã thực hiện