SAI Thái Lan: Nỗ lực giải quyết thách thức, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

(BKTO) - Hiện nay, bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề cấp bách tại Thái Lan nói riêng và của toàn cầu nói chung. Nhận thức được tầm quan trọng của việc hướng đất nước tới con đường phát triển bền vững, Chính phủ Thái Lan đã có những chính sách và cam kết để giải quyết các vấn đề môi trường bức thiết. Để đạt được mục tiêu này, Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Thái Lan đóng vai trò rất quan trọng và đang ngày càng đề cao trách nhiệm của mình.



Vạch ra biện pháp đối phóvới những thách thức

Việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đóng vai trò rất quan trọng trong kế hoạch phát triển bền vững của quốc gia. Chính phủ Thái Lan đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc hướng đất nước tới con đường phát triển bền vững kể từ khi Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ được đặt ra. Do đó, Chính phủ đã lồng ghép các SDG vào khung quốc gia, các phòng, ban, cơ quan của Chính phủ cũng sớm đưa các SDG vào chiến lược và kế hoạch hành động của mình. Chương trình nghị sự 2030 cũng đã được công nhận như một chương trình nghị sự quốc gia sau khi Thủ tướng Thái Lan tham dự lễ thông qua chương trình này tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc.

Xác định rằng quá trình thực hiện các SDG đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ mọi lĩnh vực, mọi tổ chức và cá nhân, Chính phủ Thái Lan luôn hoan nghênh tất cả các tổ chức cùng chung sức tham gia, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của kiểm toán môi trường và vai trò của SAI Thái Lan.

Hoạt động kiểm toán môi trường tại Thái Lan đã phát triển suốt 10 năm qua. Thái Lan đã thành lập Văn phòng Kiểm toán môi trường, sau đó đổi thành Văn phòng Kiểm toán hiệu suất (PAO). Hiện nay, Thái Lan có 5 PAO, hỗ trợ đắc lực cho công tác kiểm toán hoạt động môi trường của quốc gia. Tuy nhiên, trong tiến trình củng cố, phát triển hoạt động kiểm toán môi trường nhằm phục vụ các SDG, Thái Lan đã và đang gặp phải một số khó khăn, thách thức.

Đề ra các biện pháp khắc phục khó khăn, SAI Thái Lan đã xác định cần lồng ghép chương trình SDG vào các kế hoạch kiểm toán hoạt động môi trường. Động thái tích cực là Văn phòng KTNN đã thực hiện nghiên cứu phục vụ quá trình kiểm toán phát triển SDG và đã có kế hoạch chuyển sang kiểm toán theo định hướng rủi ro, tập trung vào những khu vực có rủi ro cao để tăng cường hiệu quả kiểm toán.

Với những khó khăn trước mắt, SAI Thái Lan cũng đã đưa ra một số chiến lược hoạt động, trong đó xác định cần đưa các chuyên gia đa ngành tham gia vào quá trình kiểm toán hoạt động môi trường. Bởi những mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ số cũng như sự liên kết giữa các mục tiêu SDG rất phức tạp, đòi hỏi cần phải có những kiểm toán viên tài năng với kiến thức đa dạng về các ngành nghề như: kỹ thuật môi trường, luật sư môi trường, nhà sinh học, nhà kinh tế môi trường…

Bên cạnh đó, SAI Thái Lan cũng nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một Chính phủ bền vững, chịu trách nhiệm với các cam kết phát triển bền vững về môi trường.

Cải thiện việc triển khai kiểm toán môi trường của các SDG

Để khắc phục những thách thức trong việc đánh giá sự sẵn sàng trong kiểm toán môi trường và SDG, trong việc thực hiện kiểm toán hoạt động liên quan đến kiểm toán môi trường và SDG, SAI Thái Lan xác định rõ cần đưa ra những biện pháp hỗ trợ các kiểm toán viên hiểu được tầm quan trọng của SDG. Đồng thời cần chuẩn bị kiến thức đầy đủ về việc kiểm toán SDG liên quan đến kiểm toán môi trường. Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình đạt được các SDG về môi trường.

Ngoài các thách thức ở phạm vi quốc gia, SAI Thái Lan cũng nhận thấy thách thức chính trong các vấn đề môi trường xuyên quốc gia là làm thế nào để tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực kiểm toán các vấn đề môi trường có liên quan đến SDG. Mục tiêu của kiểm toán hợp tác là giúp các SAI cải thiện mọi hoạt động và đưa ra những ý kiến đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Theo khuyến nghị của SAI Thái Lan, các SAI cần tích cực thể hiện giá trị của mình trong các SDG về môi trường ở tầm địa phương, quốc gia, khu vực và thế giới. Các SAI cần trả lời mọi thắc mắc của người dân, những mong muốn của các bên liên quan, các rủi ro có thể xảy ra và sự biến đổi của môi trường. Hơn nữa, các SAI còn hiểu rõ sự phát triển của thành phần kinh tế nhà nước và có thể tham gia vào những cuộc đối thoại với các bên liên quan, tạo điều kiện cải thiện các thành phần kinh tế theo hướng tích cực nhất có thể.

SAI Thái Lan cũng khuyến nghị, Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nên tổ chức những hội thảo thường niên để chia sẻ những kinh nghiệm kiểm toán, đặc biệt là những bài học và thách thức của việc kiểm toán SDG. ASOSAI cũng nên liên tục cải thiện kiểm toán SDG thông qua những chương trình hợp tác nghiên cứu liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau.
         
SAI Thái Lan xác định những khía cạnh kiểm toán bao quát đối với lĩnh vực kiểm toán môi trường gồm: kiểm toán tài nguyên thiên nhiên, kiểm toán những công trình có ảnh hưởng đến môi trường và kiểm toán công tác quản lý môi trường. Những hoạt động này nhằm tạo ra giá trị và lợi ích trong việc nâng cao nhận thức về môi trường; cải thiện việc quản lý các dự án; cải thiện việc quản lý và phân công trách nhiệm… Không chỉ vậy, kiểm toán hoạt động môi trường còn có thể khôi phục chất lượng môi trường, giảm thiểu chất thải sản xuất.

THANH XUYÊN
Theo Báo Kiểm toán số 50 ra ngày 13-12-2018
Cùng chuyên mục
SAI Thái Lan: Nỗ lực giải quyết thách thức, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững