SAI Indonesia: Phát huy vai trò trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững

(BKTO) - Trong nhiều năm qua, Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Indonesia luôn chú trọng nghiên cứu, xây dựng những kế hoạch cụ thể, thiết thực, đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của quốc gia. SAI Indonesia cũng đưa ra nhiều khuyến nghị thiết thực giúp Chính phủ phát huy tối đa vai trò của mình trong việc thực hiện các SDG hiệu quả.



Tích cực trong thực hiệnmục tiêu chung

Tháng 9/2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã tổ chức một hội nghị tại trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ) và vạch ra hướng phát triển mới cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) kết thúc vào năm 2015. Trong khi tiếp tục công cuộc thực hiện các MDG, SDG cũng được xây dựng từ tháng 6/2015 tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững Rio+20.

Tiếp đó, Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã chọn các SDG là ưu tiên cắt ngang trong Kế hoạch chiến lược 2017-2020. Là một thành viên của INTOSAI, SAI Indonesia cũng đã nhanh chóng xây dựng các kế hoạch thiết thực nhằm đóng góp vào mục tiêu chung.

Những đóng góp của SAI Indonesia vào mục tiêu thực hiện các SDG được thể hiện thông qua 4 cách tiếp cận: đánh giá sự chuẩn bị của các tổ chức quốc gia để xem xét tiến độ thực hiện các SDG, sau đó, kiểm toán hoạt động của họ và độ tin cậy của dữ liệu họ cung cấp; thực hiện kiểm toán hoạt động, trong đó, kiểm tra tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của các chương trình quan trọng của Chính phủ góp phần vào các SDG; đánh giá và hỗ trợ quá trình thực hiện SDG 16, liên quan đến tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của các tổ chức; luôn hành động với tư cách là một cơ quan minh bạch và trách nhiệm trong mọi hoạt động.

Tháng 4/2017, Cộng đồng chia sẻ kiến thức, Cơ quan Sáng kiến phát triển của INTOSAI và Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (KSC - IDI - ASOSAI) đã công bố việc thực hiện hợp tác kiểm toán hoạt động, chuẩn bị cho việc thực hiện các SDG cho giai đoạn 2017-2019. Trên tinh thần đó, SAI Indonesia cam kết hợp tác kiểm toán bằng cách cử các nhóm kiểm toán tham gia vào các hoạt động theo chương trình hợp tác chung này.

Hỗ trợ nhiệm vụ thực hiện SDG của Chính phủ

Chính phủ Indonesia đã có nhiều nỗ lực trong quá trình chuẩn bị thực hiện các SDG. Việc thiết lập những thể chế hỗ trợ công tác thực hiện các SDG của Chính phủ Indonesia được thực hiện với cam kết chính trị cao nhất. Là một trong những quốc gia cam kết đạt được các SDG, Tổng thống Indonesia đã ban hành Nghị định số 59 năm 2017 về việc thực hiện các SDG. Đây được coi là cơ sở pháp lý cho việc tham gia và chỉ đạo các Bộ cùng tất cả các bên liên quan tham gia vào việc đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự năm 2030.

SAI Indonesia đã thiết lập Khung kiểm toán công tác chuẩn bị thực hiện các SDG để đánh giá các nỗ lực của Chính phủ trong việc áp dụng SDG vào bối cảnh quốc gia; duy trì, đảm bảo các nguồn lực, năng lực cần thiết, thiết lập một cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá và báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình nghị sự trên. Trong quá trình triển khai, SAI Indonesia kết hợp Khung kiểm toán với phương pháp tiếp cận, hợp tác với SAI Hà Lan, Tòa Thẩm kế châu Âu và các SAI đối tác khác để xem xét công tác chuẩn bị thực hiện các SDG quốc gia. Để làm phong phú thêm khuôn khổ này, SAI Indonesia đã thông qua các vấn đề kiểm toán chính từ các hướng dẫn của IDI về hoạt động kiểm toán công tác chuẩn bị các SDG.

Theo SAI Indonesia, những nỗ lực của Chính phủ mang lại hiệu quả cao trong việc chuẩn bị thực hiện các SDG. Chính phủ đã thể hiện khả năng áp dụng các SDG trong kế hoạch quốc gia của mình như: tham gia và kêu gọi các bên liên quan cùng tham gia vào quá trình thực hiện các SDG, ban hành một số quy chế, kế hoạch phát triển bổ trợ; xác định nguồn tài chính cần thiết để thực hiện các SDG; có kế hoạch phân công trách nhiệm giám sát, theo dõi, xem xét và báo cáo tiến độ thực hiện các SDG.

Bên cạnh đó, SAI Indonesia cũng chỉ ra một số hạn chế cần cải thiện như: cơ chế để đảm bảo tính bền vững của các chương trình SDG trong các kế hoạch của Chính phủ chưa được thiết lập; những nỗ lực của Chính phủ để đảm bảo các quỹ giúp thực hiện, giám sát và báo cáo các chương trình SDG chưa đầy đủ; Chính phủ vẫn chưa đưa ra các chương trình, kế hoạch phù hợp với các cấp dưới.

Trước thực trạng đó, SAI Indonesia khuyến nghị Chính phủ cần xây dựng cơ chế kế hoạch dài hạn và trung hạn để đảm bảo tính bền vững của các chương trình chiến lược quốc gia/SDG của Chính phủ; thiết lập nghị định Tổng thống về ngân sách và chi tiêu; cải thiện công tác thống kê các nguồn lực của Indonesia, tăng cường sự phối hợp giữa các nhà thống kê trong việc cung cấp dữ liệu đáng tin cậy và đạt chất lượng cao.

THANH XUYÊN
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15-11-2018
Cùng chuyên mục
SAI Indonesia: Phát huy vai trò trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững