Rà soát, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật

(BKTO)- Phát biểu giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận chiều 15/11 về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), liên quan đến quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN và Thanh tra Nhà nước trong Dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng- Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật khẳng định: Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát và tiếp thu theo hướng đảm bảo đúng Hiến pháp và đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Thanh tra, Luật KTNN.



Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên thảo luận- Ảnh: quochoi.vn
Phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) khép lại với 20 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 3 đại biểu tranh luận và vẫn còn 5 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được phát biểu do hết thời gian. Bên cạnh những vấn đề nóng bỏng của lĩnh vực thuế như tình trạng nợ đọng, thất thu thuế, chuyển giá, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan KTNN và Thanh tra Nhà nước là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Với những phân tích, đánh giá dựa trên căn cứ pháp lý, lập luận xác đáng, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bỏ các quy định bất hợp lý, trái Hiến pháp và gây xung đột pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi)nêu ý kiến: Tại Khoản 3, Điều 119 Dự thảo Luật quy định, trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan KTNN thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế. Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét không đưa quy định này trong Dự thảo Luật. Cần nghiên cứu cho phù hợp để không xung đột hiệu lực giữa kết quả kiểm toán và quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế. Vì KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập và hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán là có tính bắt buộc, phải thực hiện đối với các cơ quan, đơn vị được kiểm toán. Như vậy, quy định như trên sẽ không phù hợp, sẽ dẫn đến xung đột pháp luật.

Cùng đề cập đến khoản 3, Điều 119 của Dự thảo Luật,đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong (Hậu Giang)nêu rõ: KTNN do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chịu sự giám sát của Quốc hội, cũng như chịu trách nhiệm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước Quốc hội. Thanh tra Nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ, chức năng là xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định đối với việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và tổ chức. “Hai cơ quan này có quyền kiểm toán và thanh tra cơ quan quản lý thuế nhưng kiến nghị của hai cơ quan là KTNN cũng như kết luận của thanh tra lại không có giá trị, khi khác với quyết định xử lý thuế của cơ quan quản lý thuế thì phải thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan thuế là điều rất vô lý”- đại biểu Phong nhấn mạnh và đề nghị quy định theo hướng nếu kiến nghị của KTNN hoặc kết luận của Thanh tra Nhà nước khác với quy định của cơ quan quản lý thuế thì phải thực hiện theo kiến nghị, kết luận của KTNN hoặc Thanh tra Nhà nước; nếu không thì phải có một cơ quan phán quyết thứ ba là Tòa án.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng)phát biểu: Khoản 3 Điều 119 quy định “Trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, kết luận của cơ quan Thanh tra Nhà nước thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan Quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Tôi cho rằng quy định như Dự thảo luật là không phù hợp với Luật KTNN cũng như Luật Thanh tra, khi cơ quan Thuế cũng là một trong những đối tượng được kiểm toán, thanh tra. Các nội dung kiến nghị của kiểm toán, kết luận của thanh tra phải có tính pháp lý bắt buộc theo các luật chuyên ngành, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm giải trình trước những kết luận đó.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng phát biểu thảo luận- Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam)đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng cơ quan thuế có trách nhiệm thực hiện, kiến nghị kết luận kiểm toán. Trường hợp cơ quan thuế trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN mà thấy nội dung kết luận, kiến nghị không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc chưa sát với thực tiễn thì có quyền kiến nghị KTNN xem xét, sửa đổi kết luận, kiến nghị hoặc đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét lại kết luận, kiến nghị đó theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế.

Đối với quy định tại Khoản 3, Điều 119, đại biểu Tâm đồng ý với quan điểm của Ủy ban Tài chính- Ngân sách và đề nghị bỏ khoản này để tạo sự thống nhất giữa Luật KTNN, Luật Thanh tra với Dự thảo Luật. “Việc kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ nộp thuế của DN khi thanh tra, kiểm toán cơ quan thuế nhằm làm rõ trách nhiệm bỏ sót nguồn thu, thu sai của cơ quan thuế. Trường hợp nếu đối tượng kiểm toán, thanh tra cho rằng kết luận không đúng thì có quyền khiếu nại cơ quan kiểm toán, thanh tra theo Luật Khiếu nại và có thể khởi kiện ra tòa. Quy định như vậy mới phù hợp với Luật KTNN, Luật Thanh tra và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo”- đại biểu Tâm nói.

Bày tỏ đồng tình với quan điểm của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận,đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh)cũng cho rằng,"quy định xử lý của cơ quan quản lý thuế thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan KTNN, cơ quan Thanh tra Nhà nước thì thực hiện theo quy định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời báo cáo với Bộ Tài chính để báo cáo với Thủ tướng xem xét quyết định"là chưa hợp lý. Đại biểu Lan phân tích rõ:

Thứ nhất,cơ quan thuế và người nộp thuế không thực hiện kết luận của KTNN, Thanh tra Nhà nước, trong trường hợp kết luận đó là đúng và có nội dung rõ ràng cần phải thực hiện là trái với quy định Điều 68 Luật KTNN.

Thứ hai,nếu có kiến nghị cụ thể, đúng của KTNN, Thanh tra Nhà nước mà cũng không có kiến nghị khiếu nại của người nộp thuế về kết luận của kiểm toán, thanh tra Nhà nước thì tại sao cơ quan thuế phải tiến hành thanh tra, như vậy sẽ dẫn đến các cuộc thanh tra, kiểm tra trùng lặp và làm khó cho DN.

Thứ ba,pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm KTNN kiểm toán đối với tài chính, tài sản công và thực tế kết quả kiểm toán thời gian qua đã chỉ rõ nhiều sai phạm, kiến nghị người nộp thuế phải chấp hành nộp thuế, bổ sung, góp phần quan trọng tăng thu NSNN. Quy định người nộp thuế tự kê khai, tự nộp thuế như hiện nay rất cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, hậu kiểm sau DN tự kê khai và tự nộp thuế.

Từ những phân tích trên, đại biểu Lan đề nghị: Bỏ quy định tại Khoản 3 Điều 119 và sửa Khoản 2 Điều 21, Điều 22 theo hướng đối với kiến nghị của cơ quan KTNN, Thanh tra Nhà nước về việc người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, đề nghị cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra hoặc sau kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm toán mà có khiếu nại, kiến nghị của người nộp thuế thì cơ quan thuế mới tiến hành thanh tra.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan phát biểu thảo luận- Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)cũng nhấn mạnh: Chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN quy định tại Điều 118 của Hiến pháp là hoạt động độc lập, chỉ tuân thủ theo pháp luật. Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước là người chịu trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm toán trước Quốc hội. Như vậy, nhiệm vụ của KTNN là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và tuân thủ pháp luật.

Đối với cơ quan quản lý thuế, đây là cơ quan, là đối tượng chịu sự kiểm tra của KTNN, Thanh tra Nhà nước. Như vậy, không thể có sự khác biệt trong kết luận của 3 cơ quan này trong cùng một vụ việc mà thực hiện kết luận của cơ quan thuế hoặc giao cho Thủ tướng để trình quyết định thì sẽ không phù hợp.

Mặt khác, trong thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ giữa 3 cơ quan trên trong thời gian qua chưa phát hiện vấn đề gì vướng mắc. Những phân tích trên đủ để khẳng định quy định tại Khoản 2 Điều 21, Khoản 4 Điều 110 và Khoản 3 Điều 119 là không phù hợp. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị bỏ các quy định này.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đã được phản ánh đầy đủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu và hoàn chỉnh Dự án Luật, sau đó sẽ gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện và trình ra Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 7.

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
Rà soát, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật