Quy trình triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - Đó là chủ đề của Tọa đàm do Chi đoàn Thanh niên Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (ĐT&BDNVKT) tổ chức ngày 14/01, tại Hà Nội.



                
   

Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT Lê Minh Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm

   
Tọa đàm được tổ chức nhằm chia sẻ những kiến thức, kỹ năng đã đúc rút trong hoạt động thực tiễn cũng như tinh thần nghiên cứu khoa học (NCKH) tới đoàn viên thanh niên của KTNN.

Tham dự Tọa đàm có PGS,TS. Lê Huy Trọng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V; TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III; Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT Lê Minh Nam; các Phó Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT: Lăng Trịnh Mai Hương, Nguyễn Huy Hoàng; Phó Bí thư Đoàn Thanh niên KTNN Lê Phương Vân, cùng với hơn 150 đoàn viên thanh niên đến từ một số đơn vị trực thuộc KTNN.

Khai mạc Tọa đàm, Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT Lê Minh Nam cho biết, NCKH là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, hết sức quan trọng, góp phần phát triển KTNN trở thành một cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại. KTNN đã xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện theo kế hoạch. Theo Dự thảo Chiến lược, hoạt động NCKH được coi là một trong những cơ sở, điều kiện để thực hiện các giải pháp chiến lược với mục tiêu hoạt động khoa học đi trước thúc đẩy hoạt động kiểm toán. Để đạt được mục tiêu đó, cần có sự chung tay của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN, đặc biệt là huy động sức trẻ, trí tuệ của đội ngũ đoàn viên thanh niên trong toàn Ngành.
                
   

Quang cảnh Tọa đàm

   
Tại buổi Tọa đàm, các nhà khoa học của KTNN đã chia sẻ cách thức lập đề cương và thuyết minh đề tài, hướng dẫn cách triển khai thực hiện có hiệu quả một đề tài NCKH, từ cách lựa chọn chủ đề, tổ chức thực hiện đề tài, bố cục các chương, mục… để có thể đăng ký và bảo vệ đề tài thành công.
                
   

PGS,TS. Lê Huy Trọng chia sẻ kinh nghiệm lập đề cương và xây dựng
   thuyết minh chi tiết đề tài NCKH cấp Bộ và cấp Cơ sở của KTNN

   
Chia sẻ kinh nghiệm lập đề cương, xây dựng thuyết minh chi tiết đề tài NCKH cấp Bộ và cấp Cơ sở của KTNN, PGS,TS. Lê Huy Trọng cho rằng, khi chọn đề tài nghiên cứu cần đi thẳng vào vấn đề, phải dễ hiểu, ngắn gọn; bước đầu nên chọn tên đề tài theo hướng “mở”, sau đó tham khảo ý kiến của ban thẩm định, chốt phương án chính thức để đăng ký tên đề tài. Mục tiêu nghiên cứu phải xác định rõ đối tượng cần hướng đến; phạm vi nghiên cứu không nên rộng, cần bám sát thời gian thực tế gần nhất, không nên lan man, tránh việc khó nghiên cứu, vượt giới hạn; cách viết phải ngắn gọn, phù hợp với vấn đề cần nghiên cứu…
                
   

TS Lê Đình Thăng chia sẻ kinh nghiệm đăng ký đề tài và triển khai hiệu quả đề tài NCKH

   
Nói về kinh nghiệm đăng ký đề tài và triển khai hiệu quả đề tài NCKH, TS. Lê Đình Thăng chia sẻ, để đăng ký đề tài thành công cần tham khảo các đề tài trước đó đã được nghiên cứu; chọn đề tài phải xuất phát từ ý tưởng xoay quanh đời sống thực tiễn, công việc hàng ngày; đồng thời tham khảo ý kiến các chuyên gia trong và ngoài Ngành để từ đó đưa ra nội dung cần nghiên cứu, sau đó cần bảo vệ được nội dung nghiên cứu…

Cũng tại Tọa đàm, Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường ĐT&BDNVKT) Ngô Thu Thủy cũng giới thiệu về các bước triển khai đề tài NCKH cấp Bộ và cấp Cơ sở của KTNN từ khâu đăng ký, tuyển chọn, thực hiện, nghiệm thu đề tài…

Kết thúc Tọa đàm, các đoàn viên thanh niên đã bày sự cảm ơn đến các nhà khoa học, Ban Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT, Chi Đoàn Thanh niên Trường ĐT&BDNVKT đã tổ chức Tọa đàm có ý nghĩa và thiết thực, giúp đoàn viên thanh niên hiểu sâu sắc, toàn diện hơn về cách thức triển khai đề tài NCKH; cách trình bày ý tưởng một cách logic, khoa học và thuyết phục để đề tài được phê duyệt.

Tin và ảnh: LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Quy trình triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học của Kiểm toán Nhà nước