Quy định về kiểm toán thuế cần sự toàn diện và khách quan

(BKTO) - TS. MAI VINH - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II



Người nộp thuế cũng cần phải được kiểm toán

Ngày 11/10, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 29 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được chỉnh lý với bản Dự thảo lần thứ 6. Tuy nhiên, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN vẫn chưa toàn diện, chưa sát đối tượng kiểm toán.

Thứ nhất, ngoài vấn đề xung đột với Điều 118, Hiến pháp 2013 và Điều 4, Luật KTNN 2015, quy định trên cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế (Tuyên bố Lima năm 1997).

         

   TS. MAI VINH
   
Khoản 4, Điều 14 Luật KTNN 2015 đã quy định: “NSNN là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước…”, mà NSNN là thuộc tài chính công. Vì vậy, kiểm toán thu ngân sách chính là kiểm tra nhiệm vụ thu của cơ quan thuế, bao gồm nghĩa vụ của người nộp thuế.

KTNN kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công có nghĩa là ở đâu có tài chính công, tài sản công, ở đó phải được kiểm toán, không phân biệt đối tượng và hình thức quản lý, sử dụng, bao gồm toàn bộ các hoạt động từ quá trình hình thành nguồn cho đến các hoạt động quản lý, sử dụng. Do thuế là nguồn thu của NSNN nên nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế cũng cần phải được kiểm toán.

Thứ hai, về cơ sở thực tiễn: qua hoạt động kiểm toán ngân sách, KTNN đã đối chiếu thuế trong một số năm vừa qua và đã kiến nghị truy thu NSNN số tiền khá lớn. Năm 2016, qua đối chiếu 1.563 người nộp thuế, KTNN kiến nghị các khoản phải nộp tăng thêm là 2.060,6 tỷ đồng. Năm 2017, đối chiếu 2.497 người nộp thuế, KTNN phát hiện 2.344 trường hợp có sai phạm, tương đương 94% và kiến nghị các khoản phải nộp tăng thêm là 1.351 tỷ đồng. Qua 9 tháng năm 2018, KTNN đã thực hiện đối chiếu 2.605 người nộp thuế và kiến nghị các khoản phải nộp tăng thêm 1.769,4 tỷ đồng.

KTNN cũng đã phát hiện các vụ chuyển giá, trốn thuế ở nhiều DN, kể cả DN nước ngoài như Unilever và DNNN như Sabeco, đồng thời kiến nghị truy thu vào ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Qua cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 cục thuế tỉnh, thành phố, KTNN đã kiến nghị xử lý số liệu liên quan đến việc thực hiện hoàn thuế chưa phù hợp với quy định 1.396,2 tỷ đồng.

Quan điểm của tôi là ai có nghĩa vụ nộp thuế (kể cả tư nhân) cũng đều phải được kiểm toán, để xem những đối tượng này thực hiện quy định về thuế thu nhập cá nhân có đúng không? Hiện nay, KTNN chưa thực hiện nhiệm vụ này bởi đối tượng quá rộng và nhân lực chưa đủ.
Tuyên bố Lima nêu rõ, khi thực hiện việc kiểm toán thuế, cơ quan KTNN có quyền kiểm toán cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế. Do đó theo tôi, cần đưa quy định: “Thực hiện kiểm toán các hoạt động liên quan đến quản lý thuế, nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật về KTNN, quy định pháp luật về thuế, quản lý thuế” vào Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), bởi lẽ Luật này quản lý toàn bộ hoạt động thu thuế liên quan trực tiếp đến cơ quan thuế là Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính, đồng thời liên quan đến một số cơ quan khác trong đó có KTNN.

Không nên để cơ quan thuế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Tại Dự thảo lần thứ 6, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định: đối với kiến nghị của cơ quan KTNN khi kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định. Trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của KTNN, kết luận của cơ quan thanh tra thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hiện nay, khi kiểm toán NSNN, KTNN đang kiểm toán ba cơ quan: một là, cơ quan quản lý thuế và đối chiếu thuế đối với một số đơn vị (đối tượng nộp thuế); hai là, kiểm toán báo cáo tài chính của các DN trong đó có kiểm toán thuế, xác định nghĩa vụ nộp thuế của toàn bộ DNNN; ba là, kiểm toán toàn bộ việc thu phí, lệ phí của các đơn vị sự nghiệp có thu.

Cơ quan thuế thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý thuế theo các luật thuế và Luật Quản lý thuế. Ngành thuế có chức năng thanh tra, kiểm tra thuế nhưng chỉ để phục vụ cho công tác quản lý thuế của ngành thuế và Bộ Tài chính. Còn KTNN là cơ quan kiểm tra độc lập từ bên ngoài, thực hiện kiểm toán cơ quan thuế để xác định sự tuân thủ pháp luật trong việc quản lý đối tượng (người nộp thuế); kiểm toán các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế để xem xét việc chấp hành các quy định của pháp luật về nộp ngân sách, như: có xác định đúng doanh thu, chi phí, đúng số thuế phải nộp không, có thực hiện đúng thời hạn nộp, có để phát sinh nợ đọng hay không…

Dự thảo Luật Quản lý thuế điều chỉnh như vậy cho thấy quy định này mang tính cục bộ, không khách quan, đưa cơ quan thuế vào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Nếu được thông qua thì chức năng, nhiệm vụ của KTNN sẽ bị giảm đi, thậm chí với một số trường hợp, việc kiểm toán của KTNN sẽ không còn ý nghĩa nữa. Tôi đề nghị Dự thảo Luật bỏ quy định này vì nó vừa không phù hợp với quy định của Hiến pháp vừa trái quy định của Luật KTNN.

Điều 55, Luật KTNN 2015 quy định: cơ quan quản lý thuế là đơn vị được kiểm toán; giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán sau khi phát hành và công khai có tính bắt buộc thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Bởi thế, quy định như Dự thảo trên là không phù hợp với vai trò hiến định, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của KTNN, đồng thời cũng trái với quy định về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán đã được KTNN phát hành.

Tôi cho rằng, Luật Quản lý thuế cần quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN như sau: “KTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do KTNN ban hành”. Khi quy định những vấn đề trên, Luật Quản lý thuế cần xem xét mối quan hệ với Luật KTNN hiện hành. Bởi lẽ, cơ quan quản lý thuế và DN có vốn nhà nước là đối tượng được kiểm toán có trách nhiệm bắt buộc thực hiện kiến nghị của KTNN tại báo cáo kiểm toán hoặc khiếu nại trong trường hợp không đồng ý với kiến nghị của KTNN.

Để hợp lý và hợp pháp, Luật Quản lý thuế cần quy định trách nhiệm của KTNN theo hướng sau:

Trong trường hợp đối tượng kiểm toán là DNNN có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ thuế thì DN có trách nhiệm bắt buộc phải thực hiện kiến nghị của KTNN tại báo cáo kiểm toán hoặc khiếu nại trực tiếp lên KTNN nếu không đồng ý với kiến nghị của KTNN. KTNN có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý thuế biết kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế cũng như việc giải quyết khiếu nại của DN để đôn đốc thực hiện.

Trong trường hợp đối tượng kiểm toán là cơ quan quản lý thuế có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ thuế của DN (bên thứ ba) thì cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm đôn đốc DN thực hiện kiến nghị của KTNN tại báo cáo kiểm toán hoặc cơ quan quản lý thuế cũng có thể không đồng ý với kiến nghị của KTNN. Trường hợp KTNN không chấp nhận khiếu nại và DN hoặc cơ quan quản lý thuế khiếu kiện ra tòa thì KTNN phải có trách nhiệm cùng cơ quan quản lý thuế phối hợp thực hiện tố tụng tại tòa, đồng thời cùng thực hiện bản án theo kết luận của tòa án.

THÙY ANH (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 25-10-2018
Cùng chuyên mục
Quy định về kiểm toán thuế cần sự toàn diện và khách quan