Quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp qua lăng kính thanh tra, kiểm toán

(BKTO) - Để chuẩn bị triển khai cuộc kiểm toán Chuyên đề việc quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN giai đoạn 2011-2017 (gọi tắt là Quỹ), KTNN đã tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm toán những năm qua và nêu rõ những sai sót, hạn chế, bất cập trong quản lý và sử dụng Quỹ của các cơ quan, đơn vị có liên quan mà các kiểm toán viên đoàn kiểm toán cần lưu ý.




TCT Dược sử dụng 400 tỷ đồng từ Quỹ để hợp tác ngắn hạn với các công ty thành viên - Ảnh tư liệu
Thanh tra ra sai phạmtrong hoạt động thu, chi Quỹ

Liên quan đến hoạt động thu, chi và quản lý Quỹ, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện thanh tra Quỹ tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từ ngày 10/11/2014 đến 25/4/2015 và có kết luận thanh tra ngày 15/8/2016. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã 2 lần thực hiện thanh tra Quỹ tại SCIC và có các kết luận thanh tra ngày 09/9/2011 và ngày 13/3/2014. Đồng thời, năm 2014, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện thanh tra Quỹ tại 24 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) cho giai đoạn từ năm 2011 đến 30/6/2014.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Tài chính tại SCIC và tại các TĐ, TCT đã nêu ra một số sai sót, bất cập trong công tác quản lý Quỹ. Cụ thể, Thanh tra Bộ Tài chính kết luận, tại SCIC hạch toán thiếu số thu; một số DN chậm nộp tiền thu về cổ phần hóa DNNN trong thời gian dài; chưa tính lãi chậm nộp tiền thu về cổ phần hóa DN; chậm thu hồi về Quỹ đã cấp nhưng không chi hết; số liệu nợ phải thu chưa thống nhất giữa TCT và khách nợ. Còn Thanh tra Chính phủ kết luận, nhiều tỉnh, thành phố cuối năm chưa có báo cáo, quyết toán và chuyển số tiền còn lại của Quỹ tại địa phương về Quỹ tại SCIC theo quy định; SCIC thực hiện chế độ báo cáo chưa đúng định kỳ quy định. Tại các TĐ, TCT, kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, TCT Hàng hải đã sử dụng Quỹ cho vay không đúng quy định; TCT Dược sử dụng Quỹ để góp vốn không đúng quy định. Nhiều DN như: TCT Sông Đà, TCT Vật liệu xây dựng số 1, TCT Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, Công ty Dệt may Gia Định, TCT Phát triển công nghiệp Tân Thuận đã sử dụng Quỹ vào hoạt động sản xuất kinh doanh không đúng quy định…

Kiểm toán phát hiện sai sót hàng nghìn tỷ đồng

Theo kết quả kiểm toán năm 2013 của KTNN, một số TCT quản lý và sử dụng Quỹ chưa chặt chẽ. Đơn cử, TCT Dược Việt Nam sử dụng 400 tỷ đồng từ Quỹ để hợp tác kinh doanh ngắn hạn với các công ty thành viên, trong khi chưa tăng Quỹ khoản lãi tiền gửi và hợp tác kinh doanh 32,27 tỷ đồng, chưa theo dõi riêng các nghiệp vụ thu, chi Quỹ. Hay tại TCT Vật liệu xây dựng số 1 chưa theo dõi riêng các nghiệp vụ thu, chi Quỹ, chưa nộp tiền vào tài khoản Quỹ đã được mở tại ngân hàng, quản lý số tiền phải thu từ cổ phần hóa chưa nộp 64,5 tỷ đồng dưới đồng hình thức cho vay với lãi suất bình quân 0,2%/tháng, chưa hạch toán lãi cho vay phát sinh 7 tỷ đồng.

Qua kết quả kiểm toán năm 2014, KTNN cũng phát hiện một số đơn vị có vốn chủ sở hữu đầu tư tại DN lớn hơn vốn điều lệ nhưng chủ sở hữu chưa kịp thời phối hợp với Bộ Tài chính có phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển phần lợi nhuận được chia theo vốn về Quỹ T.Ư theo quy định tại Thông tư số 138/TT-BTC ngày 17/9/2010 của Bộ Tài chính, như 23/23 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su có vốn chủ sở hữu vượt vốn điều lệ 2.364,3 tỷ đồng; Công ty mẹ Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) vượt 7.279,4 tỷ đồng và một số công ty con vượt từ 1,5 tỷ đồng đến 107,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có những DN chưa góp đủ vốn điều lệ theo quy định, như: Tổng công ty Dầu Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí thiếu 1.820 tỷ đồng; Tổng công ty Điện lực thuộc TKV thiếu 1.539 tỷ đồng; TCT IDICO thiếu 559,3 tỷ đồng; Công ty Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất thuộc TCT Cảng hàng không thiếu 90,1 tỷ đồng.

Còn qua kết quả kiểm toán năm 2015, KTNN phát hiện nhiều địa phương chưa nộp số dư 96,7 tỷ đồng từ Quỹ tại địa phương về Quỹ T.Ư (trong đó, tỉnh Ninh Thuận chưa nộp 36,5 tỷ đồng; Lâm Đồng 29,9 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu 12,5 tỷ đồng; Thái Nguyên 12,5 tỷ đồng; Hưng Yên 3,4 tỷ đồng…). Hơn nữa, có địa phương còn sử dụng số dư Quỹ tại địa phương không đúng mục đích, như tỉnh Lâm Đồng sử dụng sai mục đích 28 tỷ đồng.

Trong kết quả kiểm toán năm 2016, KTNN tiếp tục chỉ ra một số địa phương chưa nộp các khoản thu về cổ tức, tiền bán cổ phần về Quỹ (tỉnh Long An chưa nộp 1 tỷ đồng) hoặc sử dụng số thu của Quỹ không đúng mục đích (tỉnh Quảng Nam sử dụng sai mục đích 15 tỷ đồng)…

Nhiều vấn đề cần lưu ý

Tổng hợp kết quả kiểm toán những năm qua, KTNN đã chỉ ra những vấn đề mà các kiểm toán viên cần lưu ý. Cụ thể, thông qua cuộc kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ tại SCIC, Quỹ tại các TĐ, TCT nhà nước, công ty mẹ năm 2011, KTNN đã chỉ rõ, trong công tác quản lý thu Quỹ, việc phản ánh các nguồn thu hình thành nên Quỹ chưa đầy đủ và chính xác. Nhiều địa phương và DN chậm nộp quyết toán và chuyển tiền nộp về Quỹ. Quỹ do TĐ, TCT quản lý chậm nộp tiền cổ phần hóa nhưng không tính lãi chậm nộp.

Còn về quản lý chi Quỹ, theo KTNN, SCIC chưa đôn đốc kịp thời dẫn đến các DN chậm nộp báo cáo quyết toán về việc chi hỗ trợ giải quyết lao động dôi dư. Quản lý chi Quỹ tại các TĐ, TCT còn tình trạng chi trùng, hạch toán trùng về chi hỗ trợ lao động dôi dư; không có kế hoạch chi tăng vốn điều lệ, góp vốn cổ phần cho các công ty con, không báo cáo việc sử dụng Quỹ để tăng vốn, chi bổ sung vốn điều lệ chưa chặt chẽ, chưa có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc hạch toán khoản chi bổ sung vốn điều lệ còn sai sót. Bên cạnh đó, còn có trường hợp chi không đúng quy định đối với các khoản chi khác.

Từ kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của SCIC trong nhiều năm (2013, 2015, 2017), KTNN cũng đã chỉ ra không ít vấn đề. Chẳng hạn, trong công tác thu về Quỹ, đối với các DN chưa bàn giao, SCIC không nắm được danh sách các công ty đã cổ phần hóa thuộc đối tượng phải nộp về Quỹ nhưng chưa nộp về Quỹ. Trong công tác quản lý thu và xử lý các khoản nợ tồn đọng tại thời điểm bàn giao, còn một số khoản tồn đọng phát sinh từ nhiều năm trước, hiện chưa được xử lý dứt điểm, ảnh hưởng đến nguồn thu của Quỹ. Đối với các khoản thu sau cổ phần hóa tại các DN chưa thực hiện chuyển giao quyền chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC, SCIC chưa thực hiện đôn đốc, xác nhận đầy đủ, kịp thời nợ về cổ tức được chia; chưa hạch toán tăng Quỹ tiền thu cổ tức. Cũng liên quan đến công tác thu về Quỹ, KTNN phát hiện một số địa phương chưa nghiêm túc thực hiện quyết toán Quỹ tại địa phương và chuyển số dư về Quỹ T.Ư.

Đối với công tác theo dõi và thu lãi chậm nộp, SCIC chưa hạch toán tăng Quỹ lãi chậm nộp phải thu đối với các DN chậm nộp các khoản thu về Quỹ theo quy định; chưa đôn đốc và xác nhận nợ lãi chậm nộp tiền thu cổ phần hóa và tiền thu cổ tức của một số DN. Trong công tác quản lý chi Quỹ, SCIC đã sử dụng trên 55% nguồn quỹ để cho NSNN vay và mua trái phiếu là chưa phù hợp với những nội dung chính về việc quản lý và sử dụng Quỹ. Cùng với đó, SCIC còn có khoản đầu tư không hiệu quả như đầu tư vào Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam…

H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 01 ra ngày 03-01-2019
Cùng chuyên mục
Quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp qua lăng kính thanh tra, kiểm toán