Phát huy trí tuệ tập thể, đổi mới toàn diện để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Trong nhiệm kỳ qua (2015-2020), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy KTNN, toàn Ngành đã phát huy trí tuệ tập thể, thực hiện thành công việc đổi mới toàn diện các khâu trong công tác chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN.



Triển khai nhiều giải phápcó tính đột phá

         
   
Đồng chí Trần Khánh Hòa
   
Thực hiện Đề án “Lãnh đạo đổi mới nội dung, phương pháp xây dựng kế hoạch kiểm toán”, Đảng ủy KTNN chỉ đạo triển khai Đề án đến từng cấp ủy, đảng viên thuộc Đảng bộ, góp phần tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức của công chức KTNN mà nòng cốt là lực lượng đảng viên. Qua đó, một số giải pháp mới có tính đột phá trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm, KHKT tổng quát được mạnh dạn thí điểm, tổ chức triển khai đồng bộ như: xây dựng hệ thống văn bản quy định trình tự, hồ sơ mẫu biểu xây dựng KHKT năm, KHKT tổng quát của cuộc kiểm toán phù hợp với từng giai đoạn phát triển; xây dựng danh mục các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán chi tiết và được ban hành cùng với KHKT năm (từ năm 2017); thí điểm hoán đổi đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán (năm 2019); áp dụng phương pháp dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong khảo sát, xây dựng KHKT tổng quát của từng cuộc kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế (năm 2020)...

Cùng với đó, Đảng ủy KTNN đã chỉ đạo quyết liệt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán. Nhiệm kỳ qua, KTNN đã triển khai, ứng dụng nhiều phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán như: Phần mềm Hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; Phần mềm IDEA sử dụng trong kiểm toán báo cáo tài chính DN và ngân hàng; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tổng hợp kết quả kiểm toán, kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán, theo dõi tiến độ kiểm toán, công tác nhân sự và hành chính... góp phần hiện đại hóa hoạt động kiểm toán.

Đảng ủy KTNN luôn quán triệt, phổ biến đến từng đảng viên các văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán thông qua các chỉ thị, công điện và các công văn chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc tổ chức thực hiện KHKT. Đặc biệt, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành quy định về tiêu chí, thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại chất lượng thành viên đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và đoàn KTNN làm căn cứ bình xét, đánh giá công chức hằng năm, quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương... Đồng thời, Đảng ủy cũng đã chỉ đạo toàn Ngành thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán và thanh tra hoạt động công vụ nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm, nêu cao tinh thần gương mẫu, tiên phong của người đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Nhờ đó, hoạt động kiểm toán đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, giai đoạn 2015-2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 323.557 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị tăng thu NSNN 67.050 tỷ đồng; giảm chi NSNN 82.788 tỷ đồng), tăng trên 3 lần so với nhiệm kỳ trước; chuyển 16 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra, làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cung cấp 376 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng đã chỉ ra hàng loạt lỗ hổng cơ chế, chính sách đối với nhiều lĩnh vực được kiểm toán như: đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao); quản lý đất đai, đô thị, tài nguyên khoáng sản; cổ phần hóa DNNN; quản lý tiền lương, biên chế; quản lý, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA; cơ chế tự chủ tài chính đối với các trường đại học, bệnh viện công lập... Qua đó, KTNN kiến nghị hủy bỏ, thay thế, sửa đổi bổ sung hàng trăm văn bản không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc thực tiễn. Kết quả kiểm toán được dư luận đặc biệt quan tâm và là thông tin quan trọng giúp Quốc hội, Chính phủ điều hành, quyết định các chính sách và các vấn đề quan trọng của quốc gia.

KTNN đã thực hiện thành công việc đổi mới toàn diện các khâu trong công tác chuyên môn. Ảnh: H.Thành

Ngoài ra, công tác theo dõi tiến độ, tổng hợp và công khai kết quả kiểm toán, kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán, trả lời các kiến nghị của đơn vị được kiểm toán luôn được Đảng ủy KTNN, lãnh đạo KTNN quan tâm, chỉ đạo sát sao, thực hiện thường xuyên, dần đi vào nền nếp; hoạt động kiểm toán ngày càng công khai, minh bạch. Hằng năm, KTNN đều tổ chức họp báo công khai kết quả kiểm toán và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của KTNN, đồng thời đẩy mạnh việc công khai kết quả của một số cuộc kiểm toán có quy mô lớn, được xã hội quan tâm, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tiếp tục đổi mới toàn diệnhoạt động kiểm toán

Thành công trên là kết quả của việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt, đồng bộ từ Đảng ủy KTNN đến các cấp ủy đảng cơ sở. Tuy nhiên, tình hình kinh tế, chính trị của các quốc gia và khu vực trên thế giới đang có những biến động nhanh chóng. Cùng với đó, khoa học công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản chi tiêu công, nguồn lực công của Nhà nước cũng đặt ra những yêu cầu và thách thức mới. Trước bối cảnh đó, để tiếp tục phát huy thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ KTNN sẽ tiếp tục đổi mới một cách toàn diện hoạt động kiểm toán theo hướng kỷ cương, chuyên nghiệp và hội nhập, thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ HĐND, UBND trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của địa phương, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Do đó, Đảng bộ KTNN cần tiếp tục đẩy mạnh một số giải pháp sau:

Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng của đảng viên, công chức và người lao động; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, đảng viên và thủ trưởng đơn vị trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là việc thực hiện Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên, Quy chế làm việc của KTNN và thực hiện các quy định đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh việc rà soát, kiến nghị xử lý, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu đối với các sai phạm phát hiện qua kiểm toán; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, thanh tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đảng bộ và cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đặc biệt là sinh hoạt chi bộ tạm thời; gắn giữa sinh hoạt đảng với triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà trọng tâm là nhiệm vụ kiểm toán.

Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; từng bước hoàn thiện môi trường làm việc điện tử của KTNN theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, tinh giản các quy trình hoạt động nội bộ; xây dựng hạ tầng dữ liệu, hệ thống quản trị dữ liệu lớn tập trung, kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan để thu thập, ứng dụng các công cụ phân tích, dự báo, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển hoạt động kiểm toán trong môi trường số.

Lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán; tiếp tục đổi mới phương pháp lập KHKT và thực hiện kiểm toán theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là phát triển phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và trọng yếu nhằm xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi cuộc kiểm toán phù hợp, giảm thời gian và nhân lực kiểm toán tại đơn vị; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các loại hình kiểm toán mới, nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực kiểm toán đặc thù như: kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán hoạt động.

TRẦN KHÁNH HÒA
Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp
Cùng chuyên mục
Phát huy trí tuệ tập thể, đổi mới toàn diện để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán