PGS,TS. Lê Huy Trọng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V: Nên lựa chọn kiểm toán chuyên đề theo từng giai đoạn

(BKTO) - Kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) của KTNN là hoạt động kiểm toán chuyên sâu về một lĩnh vực, chủ đề có sử dụng nguồn lực tài chính công, tài sản công. Lĩnh vực được KTNN lựa chọn KTCĐ thường là những vấn đề kinh tế - xã hội đang được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý và dư luận xã hội quan tâm. KTCĐ thường được kết hợp cả 3 loại hình/nội dung kiểm toán (kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động).



Kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) của KTNN là hoạt động kiểm toán chuyên sâu về một lĩnh vực, chủ đề có sử dụng nguồn lực tài chính công, tài sản công. Lĩnh vực được KTNN lựa chọn KTCĐ thường là những vấn đề kinh tế - xã hội đang được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý và dư luận xã hội quan tâm. KTCĐ thường được kết hợp cả 3 loại hình/nội dung kiểm toán (kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động).

         

   PGS,TS. Lê Huy Trọng
Đối với các cuộc KTCĐ thường có hai phương thức tổ chức là tổ chức Đoàn kiểm toán độc lập và kiểm toán lồng ghép trong cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách. Nhìn chung, mỗi cách thức tổ chức thực hiện đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, phần lớn các cuộc KTCĐ rộng trên phạm vi toàn quốc được tiến hành độc lập có kết quả và chất lượng cao hơn so với các cuộc KTCĐ được thực hiện lồng ghép. Bởi KTCĐ độc lập được tổ chức thực hiện theo phương án chỉ thành lập một Đoàn kiểm toán, dưới sự chỉ đạo tập trung của một đơn vị của KTNN về chuyên môn, nghiệp vụ. Với mô hình này, công tác chỉ đạo đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt trong quá trình kiểm toán, theo đó, các báo cáo kiểm toán đảm bảo chất lượng hơn.

Năm 2019, KTNN chuyên ngành V đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao chủ trì cuộc KTCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, thực hiện kiểm toán kinh phí thực hiện giai đoạn 2016-2018. Đây là chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, số lượng các đơn vị được kiểm toán nhiều và đa dạng. Qua kiểm toán cho thấy, KTNN đã đánh giá được phần nào kết quả của Chương trình trong giai đoạn 2016-2018; đánh giá được tính hiệu lực, hiệu quả và tính kinh tế trong việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Theo đó, về hiệu quả xã hội, Chương trình đã tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho người dân; về hiệu quả kinh tế đã góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển, còn về hiệu lực thì Chương trình cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Về một số hạn chế phổ biến của các đơn vị thụ hưởng kinh phí của Chương trình được lưu ý: sử dụng kinh phí sai nội dung Chương trình; các dự án, công trình đầu tư nghiệm thu sai khối lượng, sai đơn giá; một số UBND xã làm chủ đầu tư thực hiện các dự án công trình xây dựng đường giao thông nông thôn năng lực chuyên môn chưa phù hợp với quy định; một số địa phương không giảm trừ giá trị một số hạng mục do nhân dân đóng góp ngày công làm tăng dự toán gói thầu; sử dụng vật liệu thi công không đúng theo dự toán được duyệt; chứng từ thanh, quyết toán chưa đảm bảo tính hợp lệ theo quy định như: không có hóa đơn tài chính; thanh toán vượt định mức...

Bài học kinh nghiệm thực tiễn đáng lưu ý mà chúng tôi rút ra sau khi thực hiện các cuộc KTCĐ là khi lựa chọn, xây dựng nội dung của một cuộc KTCĐ nên lựa chọn một vấn đề chuyên sâu và để đảm bảo tính khách quan thì nên kiểm toán cả một giai đoạn nhất định, không nên chỉ kiểm toán theo niên độ một năm. Khi kiểm toán cả một giai đoạn thì kết quả đánh giá sẽ tổng thể, toàn diện và chính xác hơn rất nhiều, từ đó những kiến nghị chính sách được đưa ra cũng phù hợp hơn.

Năm 2020, KTNN chuyên ngành V được lãnh đạo KTNN giao thực hiện 3 cuộc KTCĐ, trong đó có 2 cuộc đơn vị đã làm những năm trước và năm 2020 tiếp tục làm gồm: Chương trình Phát triển đô thị quốc gia dựa trên kết quả cho khu vực miền núi phía Bắc (WB) năm 2019 và Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2019; Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” năm 2019 và thêm 1 cuộc KTCĐ Dự án Sửa chữa và nâng cấp an toàn đập (WB8) và Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL)-WB9. Với những kinh nghiệm sẵn có và quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thực hiện khoa học, chặt chẽ, chúng tôi tin tưởng rằng nhiệm vụ mà lãnh đạo KTNN giao sẽ được hoàn thành tốt.

H.THOAN - L.HÒA (ghi)
Cùng chuyên mục
PGS,TS. Lê Huy Trọng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V: Nên lựa chọn kiểm toán chuyên đề theo từng giai đoạn