Những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm toán thuế.

(BKTO) - Tại “Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm kiểm toán thuế” do KTNN tổ chức sáng 28/02, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong công tác kiểm toán thuế.



                
   

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: N.LỘC

   
Phóng viên Báo Kiểm toán xin lược trích một số ý kiến tham luận tiêu biểu tại Tọa đàm.

Ông Đặng Văn Thế - KTNN khu vực I:

Hiện nay, trong lĩnh vực kiểm toán thuế, chúng tôi đang chú trọng, tập trung vào kiểm toán tổng hợp và tăng cường kiểm toán đối chiếu thuế theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo KTNN.

Kiểm toán tổng hợp là cơ sở hỗ trợ cung cấp thông tin, là sự tác động có hiệu quả trong việc phối hợp tổ chức thực hiện kiểm toán chi tiết. Trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên (KTV) phải năng động, linh hoạt để xử lý các tình huống khác mà trong quá trình khảo sát lập kế hoạch chọn mẫu chưa đề cập đến. Chẳng hạn như, có nội dung mang tính chất lặp lại sai sót nhiều lần trên phạm vi rộng để mở rộng, chuyển hướng kiểm toán cho phù hợp, hiệu quả… Hoặc KTV được phân công nhiệm vụ kiểm toán gặp nội dung không phù hợp sở trường phải báo cáo Tổ trưởng để kịp thời xử lý.
                
   

Ông Đặng Văn Thế - KTNN Khu vực I. Ảnh: N.LỘC

   
Phân công nhiện vụ kiểm toán cho KTV là công việc khó, có tính nhạy cảm của Tổ trưởng tổ kiểm toán sao cho sự phân công nhiệm vụ cho KTV phải đáp ứng được mức độ đòi hỏi hợp lý, phù hợp, công minh, tạo sự đồng thuận, đoàn kết nhất trí cao trên cơ sở năng lực, sở trường, sở đoản và yếu tố tâm lý của KTV. Đây là yếu tố rất quan trọng quyết định đến hiệu quả của việc tổ chức thực hiện thành công kế hoạch kiểm toán.

Ông Đặng Văn Công - KTNN khu vực IV:

Từ thực tế kiểm toán cho thấy, công tác quản lý và triển khai pháp luật đất đai những năm qua đã đạt một số kết quả quan trọng, đất đai đã trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng đem lại nguồn thu lớn cho NSNN. Trong đó, một trong các biện pháp quan trọng mà Nhà nước sử dụng để quản lý việc sử dụng đất là thông qua tiền thuê đất, tiền sử dụng đất người sử dụng đất phải nộp khi được giao, thuê đất. Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng đất nói chung và công tác quản lý và thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, phương pháp xác định giá đất còn nhiều tồn tại, hạn chế, quy định pháp luật còn bất cập, cần điều chỉnh, hoàn thiện…
                
   

Ông Đặng Văn Công – KTNN Khu vực IV. Ảnh: N.LỘC

   
Để nâng cao chất lượng kiểm toán các khoản thu NSNN từ sử dụng đất, trong thời gian tới, cần tiếp tục mở rộng hơn các đối tượng được kiểm toán, đồng thời mở rộng hơn địa bàn kiểm toán, tập trung kiểm toán nguồn thu NSNN từ đất đai ở các địa bàn có mức độ đô thị hoá cao, đặc biệt các địa phương đang trong quá trình đô thị hoá nhanh, có nhiều biến động về đất đai. Về phía KTNN, cần xây dựng đội ngũ KTV có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất, thường xuyên tạo điều kiện cho KTV học tập cập nhật các chính sách pháp luật mới về quản lý đất đai, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác kiểm toán và phát huy hơn vai trò của KTNN trong kiểm toán nguồn thu NSNN từ đất đai, góp phần tăng cường quản lý sử dụng hiệu quả đất đai.

Ông Mai Anh Tuấn - KTNN chuyên ngành II:

Qua kiểm toán, KTNN chuyên ngành II đã phát hiện nhiều bất cập, sai sót trong công tác quản lý, hoàn Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đối với cơ quan quản lý thuế và đối tượng được hoàn thuế.

Cụ thể, KTNN chuyên ngành II phát hiện, việc hoàn thuế GTGT cho một số trường hợp không đúng đối tượng, không đáp ứng đủ điều kiện, hoàn cho những hóa đơn, chứng từ không hợp lệ, hoàn cho chi phí vượt định mức theo quy định hoặc không phục vụ cho dự án đầu tư hoặc cho hoạt động sản xuất kinh doanh; hoàn cho một số hồ sơ đề nghị hoàn đối với dự án đầu tư khi chưa đủ cơ sở để xác nhận điều kiện hoàn thuế; hoàn cho dự án BT không hình thành tài sản của nhà đầu tư... với tổng số tiền 1.396 tỷ đồng.
                
   

Ông Mai Anh Tuấn - KTNN chuyên ngành II

   
Chúng tôi cũng nhận thấy, một số văn bản trả lời của ngành thuế chưa cụ thể, chủ yếu là trích lại các nội dung của Nghị định, Thông tư đã ban hành nên đã gây khó khăn không nhỏ cho các Cục Thuế cũng như người nộp thuế trong thực hiện hoàn Thuế GTGT. Mặt khác, việc trả lời của Bộ Tài chính và ngành thuế còn chưa có sự thống nhất; nhiều cơ chế, chính sách hoàn Thuế GTGT còn tồn tại, bất cập cần xem xét, chỉnh sửa nhằm tạo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện cũng như tạo sự bình đẳng, công bằng đối với người nộp thuế, như Nghị định số 100/2016/NĐ-CP, Thông tư số 130/2016/TT-BTC, Thông tư số 99/2016/TT-BTC; Luật số 106/2016/QH13, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP… Ngoài ra, một số văn bản hướng dẫn thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật về hoàn Thuế GTGT (Thông báo số 6294/TB-TCT của Tổng cục Thuế và Công văn số 10492/BTC-TCT của Bộ Tài chính)...

Ông Cù Huy Đức - KTNN khu vực VII:

Kiểm toán công tác thanh tra, kiểm tra thuế là nội dung kiểm toán trong kiểm toán ngân sách địa phương được thực hiện tại cơ quan thuế. Cụ thể, nội dung kiểm toán công tác kiểm tra được thực hiện kiểm toán tại các Chi cục thuế và Cục thuế, còn đối với nội dung kiểm toán công tác thanh tra chỉ thực hiện tại các Cục thuế do phân cấp của ngành thuế hiện nay công tác thanh tra chỉ thực hiện tại cấp Cục thuế. Đây là nội dung quan trọng khi kiểm toán công tác quản lý thu của cơ quan thuế. Mặc dù phát hiện kiểm toán từ nội dung này không nhiều nhưng qua hoạt động kiểm toán của KTNN đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc thanh tra, kiểm tra, công minh trong việc xử lý các vi phạm về thuế đối với người nộp thuế.
                
   

Ông Cù Huy Đức – KTNN khu vực VII. Ảnh: N.LỘC

   
Có thể nói, đây là nội dung kiểm toán khó trong trong các nội dung kiểm toán tại cơ quan thuế. Qua kiểm toán thu ngân sách tại các địa phương do KTNN khu vực VII thực hiện cho thấy, nếu tính số thu bình quân từ truy thu thuế qua các cuộc thanh, kiểm tra thường thấp hơn rất nhiều so với kết quả mà kiểm toán chúng ta thực hiện kiểm tra, đối chiếu. Điều này cho thấy dấu hiệu một phần nguyên nhân chủ quan là công tác thanh, kiểm tra xử lý của cơ quan thuế còn chưa quyết liệt. Do đó, yêu cầu đặt ra là KTNN phải có đánh giá đầy đủ, làm rõ việc cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra có đảm bảo đúng quy định hay không.

Ông Đào Trọng Khánh - KTNN khu vực XI:

Công tác kiểm tra đối chiếu thuế trong những năm qua đã đạt được những kết quả rất lớn, kiến nghị xử lý tăng thu đáng kể cho NSNN. Đối với KTNN khu vực XI, hoạt động đối chiếu thuế được lãnh đạo đơn vị đặc biệt quan tâm; kết quả đạt được tăng đều qua các năm và được lãnh đạo KTNN ghi nhận.
                
   

Ông Đào Trọng Khánh- KTNN khu vực XI. Ảnh: N.LỘC

   
Cụ thể qua các năm: Năm 2012 đối chiếu 21 DN truy thu 10.095 triệu đồng; năm 2013 đối chiếu 75 DN truy thu 26.372 triệu đồng; năm 2014 đối chiếu 94 DN truy thu 39.177 triệu đồng; năm 2015 đối chiếu 98 DN truy thu 30.192 triệu đồng, năm 2016 đối chiếu 199 người nộp thuế truy thu 76.625 triệu đồng, năm 2017 đối chiếu 223 người nộp thuế truy thu 158.665 triệu đồng, năm 2018 đối chiếu 238 người nộp thuế truy thu 122.636 triệu đồng. Ngoài kết quả về xử lý tài chính, rất nhiều vấn đề liên quan các nội dung kiểm toán tổng hợp cũng được phát hiện qua công tác đối chiếu thuế như: việc miễn, giảm thuế sai đối tượng, sai số tiền; việc hoàn thuế không đủ điều kiện; xác định số tiền thuê đất không chính xác… xuất phát từ việc thanh tra, kiểm tra, quản lý người nộp thuế của cơ quan thuế còn chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh các bài tham luận, tại Tọa đàm, các đại biểu còn trao đổi, thảo luận sâu về những sai sót thường gặp trong công tác hoàn thuế GTGT và kinh nghiệm kiểm toán đối với trường hợp đơn vị sử dụng hóa đơn của DN bỏ trốn, mất tích…; kinh nghiệm kiểm toán thuế lĩnh vực bất động sản.
                
   

Đại biểu thảo luận tại Tọa đàm. Ảnh: N.LỘC

   
Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các văn bản thuế trong quá trình kiểm toán; những khó khăn, bất cập trong đối chiếu thuế và kinh nghiệm lựa chọn DN để thực hiện đối chiếu thuế; vấn đề cung cấp tài liệu, các phần mềm điện tử của cơ quan thuế trong quá trình kiểm toán…

Kết luận Tọa đàm, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Nguyễn Đình Sơn đánh giá cao tinh thần phối hợp của các đơn vị trong toàn ngành đã tham gia viết bài tham luận, cử cán bộ tham gia và trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn, các tham luận đã nêu lên thực trạng trong kiểm toán thuế, những thuận lợi, khó khăn, tồn tại trong kiểm toán thuế; đặc biệt, bằng những kinh nghiệm trong tổ chức kiểm toán tại các đơn vị, đã đưa ra giải pháp để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả trong kiểm toán thuế hiện nay.

Bên cạnh đó, các ý kiến thảo luận trực tiếp tại Tọa đàm đã đi sâu phân tích, bàn luận sôi nổi, đầy trách nhiệm và có hiệu quả, từ đó bổ sung thêm nhiều nội dung bổ ích có thể vận dụng vào hoạt động kiểm toán của chính đơn vị mình trong thời gian tới, nhằm đem lại hiệu quả, chất lượng trong công tác kiểm toán thuế.
                
   

Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I kết luận Tọa đàm. Ảnh: N.LỘC

   
Thay mặtBan chủ trì Tọa đàm, ông Nguyễn Đình Sơn khẳng định, kết quả của buổi Tọa đàm sẽ được Ban tổ chức tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Tổng Kiểm toán Nhà nước để có sự chỉ đạo, điều hành thống nhất trong toàn ngành khi thực hiện kiểm toán thuế.

HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
Những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm toán thuế.