Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán ngân sách địa phương

(BKTO) - Một nhiệm vụ trọng tâm mà các đơn vị KTNN khu vực triển khai thực hiện trong những năm qua là kiểm toán xác nhận quyết toán ngân sách của các cấp chính quyền địa phương. Bởi số liệu quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) là căn cứ để đánh giá việc điều hành, quản lý ngân sách của địa phương và là cơ sở quan trọng phục vụ quyết toán NSNN cũng như hoạch định chính sách tài khóa trong những năm tiếp theo.



Kiểm toán NSĐP còn bất cập

Theo các chuyên gia của KTNN, kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách tại các cấp chính quyền địa phương đã góp phần chấn chỉnh các bất cập trong công tác quản lý điều hành ngân sách tại các địa phương. Đồng thời, giúp địa phương tăng thu và giảm chi ngân sách thông qua các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN. Thông qua các đánh giá, kiến nghị, KTNN góp phần giúp Chính phủ và Quốc hội kịp thời ban hành các quy định, chính sách phù hợp để chấn chỉnh công tác quản lý ngân sách tại các địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách an sinh xã hội tại các địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, tại Tọa đàm “Kiểm toán xác nhận quyết toán ngân sách của các cấp chính quyền địa phương - Thực trạng và giải pháp” do Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán (KTNN) tổ chức mới đây, các đại biểu đều nêu rõ thực trạng: Các cuộc kiểm toán NSĐP những năm qua được thực hiện qua kiểm toán quyết toán NSĐP nhưng trên thực tế có sự lồng ghép giữa kiểm toán Báo cáo tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp, kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế và kiểm toán dự án đầu tư. Quyết toán NSĐP chưa được kiểm toán với tư cách là Báo cáo tài chính độc lập.

Cần sớm thay đổi cách thức kiểm toán NSĐP. Ảnh: Minh họa

PGS.TS. Đinh Trọng Hanh - nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X cũng chia sẻ, kế hoạch của các cuộc kiểm toán NSĐP mà KTNN đang tiến hành thường gồm 3 nội dung phù hợp với Luật KTNN, song trên thực tế, hầu hết các cuộc kiểm toán chỉ thực hiện nội dung kiểm toán tài chính trong cuộc kiểm toán NSĐP, bao hàm cả nội dung kiểm toán tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, gần như chưa thực hiện nội dung kiểm toán hoạt động. Nội dung kiểm toán tài chính đối với NSĐP thường lấy mục tiêu chủ yếu là xác nhận Báo cáo quyết toán NSĐP. “Đây là một vấn đề cần được xem xét, đánh giá về sự phù hợp so với yêu cầu kiểm toán tài chính trong kiểm toán NSĐP” - PGS.TS. Đinh Trọng Hanh nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm của KTNN đã chỉ ra những rủi ro có thể xảy ra khi các KTNN khu vực chỉ chọn mẫu kiểm toán chi tiết tại một số huyện thị trực thuộc tỉnh, không kiểm toán chi tiết ngân sách xã; tổng hợp số liệu quyết toán thu, chi ngân sách theo số liệu do Kho bạc Nhà nước địa phương cung cấp… Trên thực tế, các KTNN khu vực thực hiện kiểm toán đợt 1 thường gặp khó khăn vì ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện chưa hoàn thành việc lập Báo cáo quyết toán ngân sách.

Đề xuất thay đổi cách thức kiểm toán NSĐP

Nhiều ý kiến tại Tọa đàm đã đề xuất cần phải thay đổi cách tiếp cận với nội dung kiểm toán NSĐP. Chẳng hạn, đối tượng của các cuộc kiểm toán NSĐP mà KTNN đang tiến hành đều được xác định là hoạt động quản lý và sử dụng NSĐP mà nhiệm vụ kiểm toán tài chính là nhằm đánh giá tính đúng đắn, trung thực của thông tin NSĐP của tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được kiểm toán. Như vậy, việc xác định đối tượng kiểm toán là hoạt động quản lý và sử dụng NSĐP nói chung là một trong những vấn đề cần được xem xét để phù hợp với Luật KTNN năm 2015 - PGS.TS. Đinh Trọng Hanh kiến nghị.

TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - bày tỏ sự đồng tình với các đại biểu đã nêu phương án nên thực hiện các chuyên đề kiểm toán quyết toán ngân sách theo từng cấp riêng. Cụ thể, các KTNN khu vực nên thực hiện các chuyên đề kiểm toán ngân sách cấp xã trước tháng 4 hằng năm; từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm sẽ thực hiện kiểm toán chuyên đề ngân sách cấp huyện và từ tháng 10 đến tháng 11 sẽ thực hiện kiểm toán ngân sách cấp tỉnh/thành phố.

Để khắc phục tình trạng kiểm toán nhưng địa phương chưa có Báo cáo quyết toán ngân sách, TS. Lê Đình Thăng đã chia sẻ kinh nghiệm của KTNN khu vực IX với cách thức thực hiện kiểm toán 2 giai đoạn: triển khai kiểm toán các nội dung khác trước và khi địa phương có Báo cáo quyết toán ngân sách sẽ đến xác nhận sau.

Xuất phát từ thực tiễn, đại diện KTNN khu vực XII nhấn mạnh, cần có những định hướng cơ bản trong việc kiểm toán xác nhận quyết toán ngân sách các cấp chính quyền địa phương. Theo đó, cần chú trọng đến việc ban hành các chế độ, chính sách trái hoặc cao hơn so với quy định của Nhà nước, làm giảm nguồn thu hoặc không có nguồn đảm bảo chi; tập trung kiểm toán công tác quản lý thu NSNN đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, không bỏ sót nguồn thu; chú trọng kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn vượt thu, tiền sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết, vay bù đắp bội chi NSĐP…; tập trung kiểm toán công tác phân bổ vốn đầu tư phát triển, vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế, môi trường…

Để nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động kiểm toán NSĐP, có ý kiến cho rằng, cần chú trọng thường xuyên luân phiên bố trí công tác kiểm toán đối với các Kiểm toán viên tại các đơn vị được kiểm toán, tránh tạo ra sự thân quen làm rủi ro cho hoạt động kiểm toán. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán nên giao cho KTNN khu vực, còn các Vụ chức năng chủ yếu làm công tác thẩm định để nâng cao chất lượng kiểm toán.

Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh, cần chú trọng tổ chức các buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động kiểm toán quyết toán NSĐP nhằm góp phần đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn của các Kiểm toán viên.

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 05-4-2018
Cùng chuyên mục
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán ngân sách địa phương