Nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tiễn hoạt động kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tiễn hoạt động kiểm toán của Ngành để đạt được các mục tiêu, giá trị cốt lõi đề ra tại Chiến lược phát triển KTNN. Đây là một trong những yêu cầu của Hướng dẫn xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp năm 2021 vừa được KTNN ban hành.



                
   

Một buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ tại KTNN

   

Theo Hướng dẫn, nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tiễn hoạt động của Ngành để dự báo những vấn đề phát sinh. Kết quả nghiên cứu phải được ứng dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán nhằm đánh giá những bất cập của chính sách, chế độ, kiến nghị giải pháp hoàn thiện. Đây còn là cơ sở để xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (sau khi được thông qua) phù hợp với bối cảnh, tình hình của Việt Nam và xu thế phát triển của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu đề ra, các nghiên cứu cần tập trung vào 4 nhóm nội dung chính sau:

Nhóm nghiên cứu về hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của KTNN gắn với quá trình hiện đại hóa ngành kiểm toán và chuyển đổi số ở Việt Nam. Trong đó, cụ thể hóa các quy định theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; nghiên cứu những vấn đề lý luận, làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa KTNN và các cơ quan liên quan trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao vị trí, vai trò của KTNN trong phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN; làm rõ những nội dung liên quan đến kiểm soát quyền lực và vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực; nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Nhóm nghiên cứu về đổi mới, sáng tạo hoặc nghiên cứu mới về phương thức tổ chức các loại hình, hoạt động kiểm toán của KTNN nhằm hoàn thiện các quy trình, thủ tục và nâng cao chất lượng kiểm toán, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính phủ và xã hội gồm: đổi mới về phương thức hoạt động kiểm toán tập trung vào các nội dung, chương trình ưu tiên của Quốc hội và nền kinh tế; kiểm soát, nâng cao chất lượng kiểm toán và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động kiểm toán; phương thức tổ chức loại hình kiểm toán; xây dựng hạ tầng dữ liệu thông qua việc số hóa, xây dựng kho dữ liệu tập trung, đồng bộ, thống nhất, chia sẻ, liên thông dữ liệu với các lĩnh vực liên quan, các đơn vị được kiểm toán và tổ chức liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Nhóm nghiên cứu về nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn của đội ngũ kiểm toán viên gồm: xây dựng tài liệu đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán chuyên nghiệp gắn với sự phát triển công nghệ thông tin và vận dụng chuẩn mực kiểm toán quốc tế, Chuẩn mực KTNN hoặc các yêu cầu của quốc tế; đổi mới phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm toán viên; phát triển phần mềm phục vụ hoạt động của KTNN...

Nhóm nghiên cứu về gia tăng giá trị và hiệu lực, hiệu quả của kết quả KTNN gồm: việc vận dụng các kết quả kiểm toán của KTNN để làm cơ sở hoàn thiện thể chế, nâng cao chính sách xây dựng pháp luật; đánh giá hiệu lực của các chính sách tài khóa, tiền tệ của Nhà nước; chính sách quản lý tài chính công, tài sản công và vai trò của KTNN...

Tin và ảnh: HỒNG NHUNG

Cùng chuyên mục
Nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tiễn hoạt động kiểm toán nhà nước