Nâng cao hiệu quả thu thập thông tin phục vụ hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Trong hoạt động kiểm toán, yếu tố thông tin đóng vai trò rất quan trọng, là điều kiện tiên quyết để thực hiện kiểm toán, từ khâu lựa chọn chủ đề, lập kế hoạch kiểm toán cho đến triển khai kiểm toán. Nhận thức rõ điều này, KTNN đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả của công tác thu thập thông tin, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.




Công tác thu thập thông tin, dữ liệu đóng vai trò quan trọng đến thành công của cuộc kiểm toán

Không ngừng đổi mới cách thức thu thập, khai thác thông tin, dữ liệu

Thời gian qua, KTNN không ngừng hoàn thiện các quy định và giải pháp trong thực hiện hoạt động kiểm toán, trong đó có hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ công tác kiểm toán… Việc hoàn thiện các quy định, chính sách đã mang lại những hiệu quả nhất định khi chất lượng thông tin, dữ liệu thu thập ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh việc tuân thủ những hướng dẫn chung về công tác thu thập thông tin, dữ liệu theo hệ thống mẫu biểu, chuẩn mực và quy trình thực hiện kiểm toán, trong quá trình triển khai các loại hình kiểm toán, các kiểm toán viên (KTV) cũng chú trọng đổi mới cách tiếp cận thông tin từ nhiều chiều, kết hợp với thông tin từ báo cáo và nắm bắt dư luận qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó góp phần quan trọng vào thành công của cuộc kiểm toán. Điều đó được thể hiện rõ trong từng giai đoạn của quy trình kiểm toán. Trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, các nguồn thông tin tiếp cận được đã giúp hình thành nên chủ đề kiểm toán, kế hoạch kiểm toán có tính thời sự, được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Trong giai đoạn triển khai kiểm toán, việc thu thập thông tin qua trao đổi với đơn vị được kiểm toán, qua tài liệu... tiếp tục được chú trọng, từ đó phát hiện, củng cố bằng chứng kiểm toán, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tiếp cận khai thác thông tin phục vụ hoạt động kiểm toán thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, khiến cho chất lượng, hiệu quả kiểm toán chưa được như kỳ vọng. Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Khánh Hòa, hiện nay, các KTV chưa có thông tin chính xác về việc triển khai thực hiện chương trình, dự án, việc thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán chủ yếu phải dựa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chính vì vậy, khi thực hiện kiểm toán, các KTV cũng không có cơ sở đánh giá kết quả đầu ra như dự kiến ban đầu. Nguyên nhân là do các đơn vị được kiểm toán chưa tích cực phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu để phục vụ hoạt động kiểm toán; cá biệt có đơn vị còn cố tình chây ỳ, gây khó khăn cho đoàn kiểm toán, KTV.

Dẫn ví dụ từ các cuộc kiểm toán chuyên đề, TS. Mai Vinh - nguyên Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - cho biết, đặc trưng của kiểm toán chuyên đề là có phạm vi rộng, quy mô lớn và phức tạp, niên độ kiểm toán thường kéo dài từ 3 - 5 năm, nhiều cơ chế, chính sách thay đổi dẫn đến gây khó khăn cho KTV trong việc thu thập thông tin để xác định trọng yếu, phương pháp kiểm toán phù hợp. Trong khi đó, số lượng và chất lượng đội ngũ KTV tham gia kiểm toán còn hạn chế; cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cuộc kiểm toán chưa đầy đủ, nhất là hệ thống thông tin của đối tượng kiểm toán.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của yếu tố thông tin, nhiều đơn vị kiểm toán cho rằng, trong bối cảnh mới, khi quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành tài chính công, tài sản công có nhiều sự thay đổi, việc đổi mới cách thức tiếp cận hệ thống thông tin, dữ liệu cần được đẩy mạnh và thống nhất triển khai trong toàn Ngành.

Trước hết, các đơn vị kiểm toán cần chú trọng công tác thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán, trong đó cần tăng cường việc thu thập thông tin trực tiếp (thông qua văn bản khảo sát, thu thập thông tin và thực hiện khảo sát trực tiếp tại các đơn vị, đầu mối dự kiến được kiểm toán) để đảm bảo chủ đề được lựa chọn có tính khả thi cao, các bằng chứng trong quá trình triển khai kiểm toán được xác thực, chặt chẽ. Theo đại diện Vụ Tổng hợp, các đơn vị kiểm toán cần chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của KTV thông qua việc tổ chức phổ biến, hướng dẫn chuẩn mực KTNN, hồ sơ mẫu biểu; tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo, hội thảo, tọa đàm chuyên môn để nâng cao khả năng phân tích, xử lý thông tin. Đặc biệt, cần ưu tiên bố trí các KTV có năng lực, kinh nghiệm tham gia ngay từ khi thu thập thông tin lựa chọn chủ đề kiểm toán; khảo sát, thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch kiểm toán…

Trước tình trạng đoàn kiểm toán, KTV gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, nhất là hệ thống thông tin về các đầu mối thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN để thực hiện kiểm toán theo đúng quy định, do các đơn vị kiểm toán không hợp tác cung cấp hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, KTNN cũng đang khẩn trương hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm trong hoạt động kiểm toán, trong đó có chế tài xử lý đối với các hành vi không phối hợp cung cấp thông tin cho đoàn kiểm toán, KTV thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, xuất phát từ yêu cầu số hóa thông tin, dữ liệu, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã quy định KTNN được quyền truy cập hệ thống thông tin, dữ liệu của các Bộ, ngành để phục vụ hoạt động kiểm toán. Theo ông Nguyễn Hữu Thọ - Giám đốc Ban Quản lý Công nghệ thông tin (CNTT) của KTNN - cho biết, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký quy chế phối hợp công tác và cung cấp thông tin với KTNN. Nhiều Bộ, ngành khác cũng đang trong quá trình phối hợp triển khai để sớm thống nhất về công tác này theo luật định.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp được các đơn vị đề cập, đó là cần tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán, từ đó có thể thiết lập những thông tin, dữ liệu chính xác, kịp thời hơn để phục vụ cho hoạt động kiểm toán. Đây cũng là vấn đề được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh và quán triệt đến các đơn vị kiểm toán. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong bối cảnh CNTT phát triển, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán mang lại lợi ích toàn diện, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán. Điển hình như công nghệ viễn thám, siêu âm bê tông... mà Ngành đang áp dụng đã mang lại hiệu quả rất lớn.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả thu thập thông tin phục vụ hoạt động kiểm toán