Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn Chương trình 135

(BKTO) - Sau những đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135) sẽ tiếp tục được triển khai giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí dự kiến lên tới hơn 94.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, để Chương trình thực sự tạo đột phá trong giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, các cơ quan chức năng cần chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn của Chương trình, cũng như nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của KTNN.




Đoàn kiểm toán kiểm tra thực địa tại Dự án Đường giao thông Nặm Thuổng - Uổng Luộc, xã Sỹ Hai, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằn. Ảnh: Hoàng Long

Từng bước tạo diện mạo mới cho các xã đặc biệt khó khăn

Hiện nay, cả nước có 2.139 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu (gọi chung là xã đặc biệt khó khăn - ĐBKK) vào diện đầu tư của Chương trình 135.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 135, trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng miền núi, dân tộc ĐBKK; đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện; tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng ĐBKK giảm từ 35,45% (năm 2016) xuống còn 25,54% (năm 2018). Tỷ lệ xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định đạt 93%. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 86,6%. Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm đạt 77%. Tỷ lệ thôn, bản thoát khỏi tình trạng ĐBKK đạt 32,37%…

Đáng chú ý, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình, nhiều mô hình sản xuất do người dân vùng ĐBKK làm chủ đã hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống cho chính người dân và lan tỏa giá trị trong cộng đồng. Điển hình như tại tỉnh Bình Định, mô hình xây dựng xã kiểu mẫu vùng đồng bào dân tộc đáp ứng các yêu cầu cơ bản về cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn. Ngoài ra, chủ trương xây dựng mỗi làng một sản phẩm; vận động 2 DN hỗ trợ cho một làng… đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Còn tại Lào Cai, từ năm 2018, tỉnh chính thức triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Hiện, trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình kinh tế do đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng; thậm chí có những mô hình kinh tế cho thu nhập tiền tỷ. Điển hình như huyện vùng cao Bát Xát có mô hình liên kết sản xuất gạo Séng Cù giữa nông dân xã Mường Vi với Hợp tác xã Tiên Phong. Qua 4 năm thực hiện liên kết, bình quân mỗi năm, xã Mường Vi cung cấp ra thị trường khoảng 1.600 tấn thóc Séng Cù với giá bán cao gấp đôi các loại thóc thường, mang lại giá trị thu nhập hàng chục tỷ đồng. Tương tự, mô hình liên kết sản xuất miến đao của Hợp tác xã Thành Sơn, xã Bản Xèo cũng rất thành công. Mô hình hiện thu hút sự tham gia của trên 400 hộ dân, tập trung 3 xã: Bản Xèo, Pa Cheo và Dần Thàng. Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã Thành Sơn sản xuất được 35 tấn miến đao, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 26 lao động với thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Lồng ghép vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư

Bên cạnh những kết quả tích cực mà Chương trình 135 đã đạt được, câu chuyện về nguồn vốn của Chương trình vẫn luôn là vấn đề đáng bàn. Làm thế nào để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cũng như phát huy hiệu quả các nguồn lực? Những vấn đề này cũng đang được Ủy ban Dân tộc - cơ quan thường trực Chương trình - và các cơ quan liên quan đặt ra trong quá trình đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, đề ra định hướng giai đoạn 2021-2025.

Theo Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 Võ Văn Bảy, một trong những giải pháp chủ yếu được đặt ra ngay khi Chương trình 135 được phê duyệt là: bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động, nhất là các nguồn đóng góp, tài trợ của DN, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trên thực tế, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đang gặp nhiều khó khăn. Lý do được ông Bảy đưa ra là trong vài năm gần đây, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN không thực sự khả quan; cơ chế thu hút tổ chức, DN tham gia vào Chương trình chưa tốt - trong khi đây là các chủ thể chính đóng góp nguồn lực ngoài ngân sách cho Chương trình.

Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả nguồn lực đầu tư, Chương trình đã đặt ra yêu cầu về việc lồng ghép vốn với các nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, công tác lập kế hoạch đầu tư ở một số nơi chưa sát với thực tế, việc lồng ghép Chương trình 135 với chương trình khác còn gặp khó khăn…

Đây cũng là thực trạng được KTNN chỉ ra trong quá trình kiểm toán Chương trình 135 thời gian vừa qua. Cụ thể, qua thực tế kiểm toán một số dự án thuộc Chương trình 135 do Chính phủ Ailen tài trợ năm 2017, KTNN đã có kiến nghị về việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ cho Chương trình. Theo đó, các cơ quan chức năng cần thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn; tăng cường công tác quản lý, kịp thời điều chỉnh nguồn vốn giữa các địa phương hoặc trong địa bàn của từng địa phương; nghiên cứu thực hiện xã hội hóa hoạt động đầu tư, trong đó thí điểm giao cho tổ chức xã hội tham gia thực hiện Chương trình... Đặc biệt, cần đẩy mạnh thực hiện lồng ghép nguồn vốn của Chương trình với các chương trình khác của địa phương, đảm bảo cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả của các nguồn lực vào công tác giảm nghèo.
PHỐ HIẾN
Cùng chuyên mục
  • Một số giải pháp nâng cao chất lượng  kiểm toán dự án đầu tư
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Giai đoạn gần đây, KTNN chuyên ngành IV thực hiện nhiều cuộc kiểm toán dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) bằng nguồn vốn NSNN, qua đó, đã phát hiện không ít sai phạm trong quá trình quản lý dự án và đã kiến nghị xử lý tài chính, kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, hầu hết kết quả kiểm toán mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện sai phạm trong công tác dự toán, quản lý chi phí và những sai phạm nhỏ lẻ.
  • Khó khăn lớn nhất khi kiểm toán dự án ODA là sự khác biệt về cơ chế, chính sách
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Những năm qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm A trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông vận tải (sân bay, cảng biển, đường cao tốc, cầu lớn...) được đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều bất cập và hạn chế trong quá trình thực hiện dự án và một trong những bất cập quan trọng nhất chính là sự khác biệt giữa cơ chế, chính sách của Nhà nước Việt Nam và các quy định mang tính quốc tế của nhà tài trợ. Điều này đã khiến cho công tác kiểm toán của kiểm toán viên gặp không ít khó khăn.
  • Cần làm gì để nâng cao chất lượng kiểm toán dự án đầu tư?
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) thường chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi NSNN. Tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) chiếm khoảng 9,6 - 36% tổng chi. Qua kiểm toán ngân sách và một số dự án đầu tư tại 5 địa phương trên, KTNN khu vực I đã phát hiện không ít hạn chế trong lĩnh vực này.
  • Kiểm toán phương án kinh tế - tài chính tại các dự án đầu tư xây dựng
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Hằng năm, Chính phủ phải chi khoảng hơn 20% dự toán ngân sách quốc gia cho hoạt động đầu tư xây dựng (ĐTXD). Trong đó, phương án kinh tế - tài chính dự án là một thông tin quan trọng đối với việc quyết định chủ trương đầu tư.
  • Khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh đối tượng 4
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sáng 02/12, tại Hà Nội, KTNN đã phối hợp với Ban chỉ huy quân sự quận Cầu Giấy tổ chức khai giảng lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh đối tượng 4 cho hơn 50 cán bộ, kiểm toán viên thuộc các đơn vị trực thuộc KTNN.
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn Chương trình 135