Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán

(BKTO) - Năm 2018, Việt Nam tiếp tục thực hiện mở cửa thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán theo các cam kết về hội nhập quốc tế. TS. Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN) - đã có những chia sẻ với Báo Kiểm toán xung quanh vấn đề chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán và triển vọng của thị trường dịch vụ này.



Thưa ông, ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn khi chúng ta thực hiện các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán?

- Trước hết, thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán Việt Nam mới được hình thành, còn non trẻ và đầy tiềm năng. Điều này đồng nghĩa với việc phạm vi hoạt động của thị trường còn hẹp, các yếu tố của thị trường chưa được hình thành đầy đủ, hành lang pháp lý cho loại hình dịch vụ này còn thiếu và chưa thực sự được xã hội quan tâm đúng mức.

Thứ hai, số lượng Kế toán viên, Kiểm toán viên hiện nay tương đối lớn là một lợi thế, song lại hạn chế về chất lượng với chỉ khoảng 1.000 người có chứng chỉ quốc tế. Đây chính là thách thức lớn đối với thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam khi hội nhập. Nguyên nhân là bởi các trường đại học, học viện đang đào tạo quá nhiều lý thuyết trong khi sinh viên cần hơn một nền tảng kế toán, tài chính vững chắc và những kỹ năng thực hành hiệu quả. Do đó, nhiều người ra trường chưa thể nắm bắt được công việc kế toán, kiểm toán khi được giao mà phải mất thời gian đào tạo lại.

         

   TS. Lê Đình Thăng. Ảnh: Khánh Hòa
   
Thứ ba, việc mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập, là thách thức khi chúng ta phải cạnh tranh trong một thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán đòi hỏi sự chuẩn hóa về quy trình cung cấp dịch vụ, sự minh bạch và tin cậy. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là một cơ hội để thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán trong nước phát triển bởi việc mở cửa sẽ tạo áp lực cho nguồn nhân lực này phải đổi mới để hội nhập. Do đó, không nên đưa ra hàng rào kỹ thuật đối với thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán.

Vậy ông nhận định ra sao về triển vọng việc làm đối với lao động ngành nghề kế toán, kiểm toán trong tương lai khi mở cửa thị trường này?

- Cùng với quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán có chất lượng tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Đặc biệt là khi các hiệp định tự do hóa thương mại với dịch chuyển lao động đang trở thành hiện thực.
Thực tế hiện nay, lao động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đang phải cạnh tranh để có được một vị trí việc làm phù hợp. Thậm chí, nhiều lao động trong lĩnh vực này chưa thể phát huy thế mạnh, trong khi số lượng cử nhân kế toán, kiểm toán được đào tạo hằng năm vẫn tương đối lớn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng không vì thế mà hạn chế đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán bởi thị trường việc làm dành cho nghề kế toán, kiểm toán rất phong phú, đa dạng mà chúng ta vẫn chưa khai thác hết. Theo đó, ngoài 2 nghề nghiệp chính trên, người học có thể làm tư vấn tài chính, thuế…

Đây là những loại hình dịch vụ rất phổ biến trên thế giới, song còn mới mẻ ở Việt Nam. Đặc biệt là khi nền kinh tế khởi sắc, các DN phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ thu hút nguồn nhân lực này nhiều hơn. Chưa kể, đào tạo một Kiểm toán viên đảm đương được nghề tốn rất nhiều thời gian, do đó, chúng ta cần tính toán thật kỹ, tránh thiếu hụt trong tương lai.

Ngoài ra, người học, xã hội cũng phải chấp nhận một thực tế là không phải cứ đào tạo kế toán, kiểm toán ra phải làm nghề này, tất cả phải tuân theo nhu cầu thị trường. Ngành giáo dục sẽ phải dần tiến đến tôn trọng thị trường, đơn cử như việc xác định chỉ tiêu đào tạo cần căn cứ vào số lượng giảng viên, chứ không phải theo kiểu bao cấp, xác định chỉ tiêu chung chung. Đào tạo cần gắn với chất lượng và phải bám sát thực tiễn, dự báo được tương lai để tránh lãng phí.

KTNN đóng vai trò như thế nào trong việc tham gia hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực ngành kế toán, kiểm toán hiện nay, thưa ông?

- Trước hết, cần khẳng định KTNN không tham gia trực tiếp cũng như điều chỉnh thị trường kế toán, kiểm toán nói chung. Tuy nhiên, vai trò của KTNN trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của thị trường này cũng như góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán lại thể hiện rất rõ.

Thứ nhất, KTNN là nơi thu hút nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán, dù số lượng này không quá lớn. Đồng thời, một lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN cũng tham gia vào thị trường này thông qua hoạt động chuyển ngành từ KTNN sang các ngành khác.

Thứ hai, vai trò của KTNN trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực này còn đến từ chính hoạt động kiểm toán. Bởi hoạt động kiểm toán sẽ có tác động nâng cao chất lượng nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của quốc gia; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan được kiểm toán, từ đó giúp cho nguồn nhân lực này cải thiện năng lực nghề nghiệp, để họ có thể đủ khả năng và tự tin chuyển đổi nghề nghiệp trong tương lai.

Thứ ba, KTNN tạo thêm những giá trị gia tăng từ hoạt động kiểm toán. Cụ thể, khi kiểm toán tại các đơn vị, ngoài việc kiểm tra, xác nhận để lấy thông tin, một hoạt động rất lớn khác, đó là KTNN tư vấn nghề nghiệp cho đội ngũ kế toán, kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán, qua đó góp phần nâng cao chất lượng quản lý tài chính, chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán.

Thứ tư, KTNN cung cấp các chuyên gia cho thị trường này. Hiện nay, nhiều Kiểm toán viên tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, học viện. Chưa kể hằng năm, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán còn được giao tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ chủ tài khoản cho khoảng 3.000 lượt người trên cả nước. Đây chính là những hoạt động thiết thực của KTNN trong việc góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN LỘC (Thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 08-3-2018
Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán