Nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án đường sắt

(BKTO) - Kiểm toán các dự án công trình đường sắt là lĩnh vực còn khá mới đối với KTNN. Do đó, bên cạnh những ưu điểm trong việc lựa chọn phương pháp, định hướng chuyên môn, công tác chuyên môn vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán các dự án này.




Cần nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán các dự án đường sắt. Ảnh: Xuân Trường

Đa dạng hóa các phương pháp, định hướng kịp thời về chuyên môn

Từ năm 2008 đến nay, KTNN mới thực kiểm toán 5 dự án công trình đường sắt. Để xây dựng được kế hoạch kiểm toán cho cuộc kiểm toán này, các đoàn kiểm toán đã sử dụng phương pháp thu thập thông tin đảm bảo việc tuân thủ quy trình, chuẩn mực liên quan. Loại hình kiểm toán được xác định là kiểm toán tổng hợp, do đó, tiêu chí kiểm toán bao gồm cả 3 loại hình: kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

Từ những đặc trưng của dự án đường sắt, qua phân tích đánh giá rủi ro kiểm toán, các cuộc kiểm toán tập trung kiểm toán các nội dung: nguồn vốn đầu tư của dự án, trong đó chú trọng đánh giá việc tuân thủ kế hoạch vốn, công tác bố trí vốn, công tác quản lý và sử dụng vốn, thủ tục, điều kiện, quy trình giải ngân vốn; công tác tuân thủ trong khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu; chi phí đầu tư thực hiện; tiến độ thực hiện dự án.

Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên (KTV) áp dụng những phương pháp, thủ tục kiểm toán khác nhau phù hợp với mỗi tiêu chí kiểm toán. Ngoài các phương pháp và thủ tục kiểm toán cơ bản như: kiểm tra phân tích, thực nghiệm kiểm soát, các đoàn kiểm toán đã thực hiện một số phương pháp kiểm toán mới mang lại hiệu quả cao như: đối chiếu, kiểm định, kiểm tra hiện trường. Tại những nội dung kiểm toán khó liên quan đến nguồn vốn, chi phí thiết bị, vật tư nhập khẩu, tồn kho..., trưởng đoàn kiểm toán và kiểm toán trưởng đã có những định hướng kịp thời về chuyên môn cho mỗi KTV trong các phần hành được giao.

Tuy vậy, do đây là lĩnh vực kiểm toán mới nên công tác kiểm toán vẫn còn những hạn chế: Các đoàn kiểm toán chưa thu thập đầy đủ thông tin về cơ chế quản lý của Nhà nước đối với các dự án đường sắt, hệ thống kiểm soát nội bộ của chủ đầu tư, các ban quản lý dự án cũng như chưa đi sâu tìm hiểu về trình độ, kinh nghiệm và năng lực của các bộ phận quản lý trong hệ thống kiểm soát nội bộ…

Đối với công tác lập kế hoạch kiểm toán, việc phân tích thông tin, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kế hoạch kiểm toán còn mang tính chất định tính, chưa đo lường được mức độ cụ thể và phụ thuộc vào kinh nghiệm của các thành viên tổ khảo sát. Trong triển khai kiểm toán, đoàn kiểm toán chỉ mới dừng ở việc đánh giá tính hợp lý của một số hạng mục công trình, chưa đi sâu đánh giá tính tuân thủ, tính kinh tế trong giải pháp thiết kế, phương án thiết kế và mua sắm thiết bị.

Chú trọng thu thập thông tin, xác định tiêu chí và trọng yếu kiểm toán

Để nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án đường sắt, đoàn kiểm toán cần lưu ý một số giải pháp:
Chú trọng thu thập thông tin và đánh giá đầy đủ về thực trạng cơ chế quản lý của Nhà nước đối với dự án đầu tư công trình đường sắt. Trong đó, các nguồn thông tin có thể thu thập từ: các chủ đầu tư, các cơ quan tham gia quản lý dự án hoặc cơ quan cấp trên của đơn vị được kiểm toán; báo chí, các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác; kết quả kiểm toán của các đoàn kiểm toán dự án đầu tư công trình đường sắt của KTNN trước đó.

Giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, căn cứ nhân sự và thời gian để xác định tiêu chí kiểm toán phù hợp; phân tích thông tin, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ cần cụ thể, phản ánh được đúng tình hình thực tế hệ thống quản lý của đơn vị. Việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kế hoạch kiểm toán cần chính xác và phù hợp với nội dung đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ.

Giai đoạn triển khai kiểm toán, các tổ kiểm toán bám sát kế hoạch chi tiết, tập trung xác định trọng yếu kiểm toán; thường xuyên trao đổi thông tin trong nội bộ tổ, đoàn để có cách tiếp cận, tìm kiếm bằng chứng kiểm toán thích hợp; chú trọng trao đổi, thảo luận, phản biện chuyên môn cả về vấn đề tiếp cận tìm kiếm bằng chứng kiểm toán, phân tích bằng chứng kiểm toán trước khi gửi yêu cầu đơn vị giải trình...

Để thực hiện tốt các giải pháp này trong thực tế, KTNN xem xét thay đổi quy định thời gian kiểm toán tối đa đối với dự án đường sắt; hoàn thiện hệ thống phần mềm lưu trữ về đối tượng kiểm toán; ban hành các hướng dẫn cụ thể về tiêu chí cũng như quy định về bằng chứng trong đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán...

Các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và đoàn kiểm toán chủ động lập đề cương kiểm toán từ khảo sát thu thập thông tin, triển khai kiểm toán chi tiết cho tới phát hành báo cáo. Trong đó, đề cương cần xây dựng phù hợp với đặc trưng của từng dự án ngay từ khi xác định tiêu chí, nội dung, từng bước triển khai kiểm toán dựa trên phân tích rủi ro và xác định trọng yếu...

KTV nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động tích lũy, trau dồi và chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán đối với các phần hành kiểm toán cũng như các phương pháp, thủ tục kiểm toán mới có thể được áp dụng đối với các dự án đường sắt.

KS. NGUYỄN ĐÌNH CƯƠNG và ThS. ĐOÀN THỊ NGUYỆT MINH
KTNN chuyên ngành IV
Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án đường sắt