Một số điều lưu ý khi kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau cổ phần hóa

(BKTO) - Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hoá (CPH) DNNN là vấn đề đặt ra từ nhiều năm nay. Dù hành lang pháp lý đã có quy định nhưng trong thực tế việc quản lý lĩnh vực trên vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước tình hình đó, KTNN được Quốc hội giao nhiệm vụ kiểm toán việc sử dụng nguồn thu từ đất của các DNNN đã CPH. Bài viết xin đóng góp một số ý kiến liên quan đến những điểm cần lưu ý khi kiểm toán những nội dung này.




Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất trong quá trình CPH. Ảnh: Bích Ngọc

Những sai phạm thường gặp liên quan đến đất đai trước và sau cổ phần hóa

Điều 43, Luật Đất đai 2013 đã quy định về việc sử dụng đất đối với trường hợp mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần trong DN; CPH DNNN. Tiếp đó, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Điều 43 của Luật Đất đai cũng quy định rõ việc quản lý, sử dụng đất khi CPH DN.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất trong và sau CPH, cụ thể như: Thông tư số 127/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển đổi DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ ngày 20/10/2014 và thay thế Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về việc chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Thông tư hướng dẫn cụ thể các quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, trong đó liên quan đến vấn đề quyền sử dụng đất được hướng dẫn tại khoản 9, Điều 18 của Thông tư...

Như vậy, rõ ràng chúng ta không thiếu các quy định pháp luật liên quan đến CPH DNNN, đặc biệt là về đất đai, thế nhưng sai phạm vẫn hiện hữu và gây bức xúc. Cụ thể như: xác định giá trị DN trước khi CPH không phù hợp dẫn tới tình trạng thất thoát tài sản nhà nước; không tính giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm vào giá trị DN; không tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê trả tiền hằng năm vào giá trị DN; không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị DN để CPH.

Ngoài ra, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của DN sau CPH đối với những vị trí đắc địa, có giá trị thị trường cao còn bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân có liên quan trục lợi, gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Kiểm toán viên cần lưu ý những gì?

Đối với kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau CPH, KTNN cần thực hiện lồng ghép giữa kiểm toán tuân thủ (đánh giá tính hiệu lực và tuân thủ các quy định nhà nước trong và sau CPH về đất đai) và kiểm toán hoạt động (đánh giá hiệu quả của việc quản lý, sử dụng đất trong và sau CPH DNNN).

KTNN cần tập trung vào quá trình CPH và xác định những trọng tâm liên quan tới việc quản lý và sử dụng đất đai:
Một là, việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN CPH khi xác định giá trị DN (mục đích sử dụng đất phù hợp với sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo quy định); Hai là, việc quản lý, sử dụng đất theo phương án đã được phê duyệt của DN sau khi CPH (thực hiện phương án sử dụng đất, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngoài phương án được duyệt, thu hồi đất vi phạm, đất không sử dụng...); Ba là, việc xác định giá đất và thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Đối với loại hình kiểm toán tuân thủ, các kiểm toán viên cần nắm chắc các quy định và văn bản pháp lý có liên quan tới kiểm toán đất đai trong và sau CPH; tới việc xác định giá trị DN có liên quan đến quyền sử dụng đất; giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào giá trị DN một cách khách quan, có cơ sở, không nên xét đoán theo cảm quan của UBND các tỉnh, thành phố.

Đối với kiểm toán hoạt động, kiểm toán viên nhà nước cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phù hợp để đánh giá hiệu lực và hiệu quả của quá trình quản lý đất đai trong CPH. Bộ tiêu chí này cần tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, các DNNN có xây dựng phương án sử dụng đất khi xác định giá trị DN phục vụ cho CPH hay không. Trong đó, KTNN cần xác định rõ ràng về các chức năng sẽ được thực hiện bởi các DNNN khi thực hiện CPH; các chức năng phù hợp với nguyên tắc cơ bản trong CPH; phân tích các nguồn lực hiện có trong giai đoạn xét duyệt phương án CPH; đánh giá rõ ràng các nguồn lực cần thiết để đáp ứng các hoạt động và mục tiêu trong tương lai của DNNN sau CPH.

Thứ hai, DNNN đã thực hiện xác định giá đất và nộp vào ngân sách với khoản chuyển đổi mục đích sử dụng hay chưa? Với nội dung này, KTNN cần xác định DNNN có thực hiện nộp vào NSNN phần giá trị tương ứng với phần đất chuyển đổi mục đích sử dụng khi CPH hay không; DNNN khi CPH đã giải quyết rõ ràng câu hỏi về các nhu cầu như: nhân sự, hướng dẫn và đào tạo, công nghệ thông tin…; DNNN gặp khó khăn gì khi giải quyết nhu cầu và các vấn đề phát sinh?

Thứ ba, KTNN cần xác nhận DN có thực hiện CPH sau khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và giám sát. Lúc này, Ủy ban Quản lý của Nhà nước về các DNNN có đảm bảo rằng các nhu cầu tiếp tục được giải quyết sau khi phân cấp? Ủy ban Quản lý của Nhà nước về quá trình CPH có đảm bảo rằng nguyên tắc cơ bản được tôn trọng trong CPH không?

Thứ tư, các DNNN đã giám sát đúng cách quá trình CPH tại các công ty con, hoặc các công ty bên dưới của tập đoàn (hội sở)? Ủy ban Quản lý của Nhà nước về quá trình CPH có đảm bảo rằng các nhu cầu của tập đoàn tiếp tục được giải quyết tại các công ty con/chi nhánh?

Thứ năm, KTNN cần đánh giá việc quản lý và sử dụng đất đai của DNNN có hiệu quả hay không, thông qua các tiêu chí như: các công cụ quản lý dự án được sử dụng để quản lý đất đai CPH có thích hợp và hiệu quả? Các bài học rút ra từ đợt CPH thứ nhất có được áp dụng cho đợt thứ hai và thứ ba? DN có ước tính rõ ràng và chính xác về chi phí CPH đất đai không?

ThS. TRẦN PHƯƠNG THÙY
Học viện Ngân hàng
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 15-8-2019
Cùng chuyên mục
Một số điều lưu ý khi kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau cổ phần hóa