Lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán - doanh nghiệp cần cân nhắc nhiều yếu tố

(BKTO) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, giao dịch ngoại thương diễn ra ngày càng phổ biến. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng sôi nổi, đặt ra nhiều vấn đề về kế toán đối với các giao dịch bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau.



                
   

Bà Hoàng Lan Hương - Phó Tổng Giám đốc dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo, Deloitte Việt Nam. Nguồn: Deloitte

   

Luật Kế toán và Chuẩn mực kế toán Việt Nam đã có các quy định cụ thể để hỗ trợ và tạo điều kiện cho công tác kế toán được thuận lợi và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc xác định đồng tiền chức năng của DN và lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán không phải lúc nào cũng là một vấn đề đơn giản. Trong một số trường hợp, DN sẽ phải cân nhắc nhiều yếu tố khi đưa ra quyết định.

Đồng tiền chức năng và đơn vị tiền tệ trong kế toán

Theo quy định tại Chuẩn mực Kế toán quốc tế số 21 (IAS 21), đồng tiền chức năng là đơn vị tiền tệ của môi trường kinh tế chủ yếu mà DN hoạt động. IAS 21 cũng quy định DN sẽ phải quy đổi các giao dịch và số dư ngoại tệ về đồng tiền chức năng của DN, cũng như phản ánh ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá trên báo cáo tài chính.

Tại Việt Nam, việc lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán được quy định khá rõ ràng. Luật Kế toán số 88/2015/QH13 quy định: “Đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng một loại ngoại tệ thì được tự lựa chọn loại ngoại tệ đó làm đơn vị tiền tệ để kế toán, chịu trách nhiệm trước pháp luật và thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Khi lập báo cáo tài chính sử dụng tại Việt Nam, đơn vị kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Đồng thời, Thông tư số 200/2014/TT-BTC - Hướng dẫn chế độ kế toán DN (Thông tư 200) cũng có hướng dẫn chi tiết hơn về việc lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán trong trường hợp DN mong muốn lựa chọn đơn vị tiền tệ khác ngoài Đồng Việt Nam làm đơn vị tiền tệ trong kế toán.

Lựa chọn đơn vị tiền tệ đối với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam

Hội nhập kinh tế quốc tế và phát sinh nhiều giao dịch bằng đồng tiền không phải Đồng Việt Nam đặt ra nhiều khó khăn cho DN trong việc xác định tỷ giá quy đổi cho từng giao dịch chi tiết và ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá của tất cả các giao dịch lên báo cáo tài chính. Do vậy, Luật Kế toán cho phép trong trường hợp DN chủ yếu thu, chi bằng một loại ngoại tệ thì được tự lựa chọn loại ngoại tệ đó làm đơn vị tiền tệ để kế toán. Việc lựa chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán cần được xem xét cẩn trọng và có báo cáo tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Nếu DN đánh giá ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá tới hoạt động và quá trình ghi sổ kế toán là không đáng kể thì việc lựa chọn Đồng Việt Nam làm đơn vị tiền tệ trong kế toán sẽ phù hợp và tiết kiệm chi phí cho DN. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, DN phát sinh chủ yếu giao dịch thu chi bằng một loại ngoại tệ không phải Đồng Việt Nam.

Ví dụ, các công ty con tại Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia mua nguyên vật liệu của các công ty ở nước ngoài để sản xuất sản phẩm tại Việt Nam rồi bán lại cho công ty khác ở nước ngoài, toàn bộ các giao dịch mua hàng, bán hàng và thu tiền, chi tiền đều được giao kết và thực hiện bằng đồng ngoại tệ (thường là USD hoặc theo đồng tiền nước sở tại của công ty mẹ). Trong trường hợp này, nếu DN lựa chọn Đồng Việt Nam là đơn vị tiền tệ trong kế toán thì việc phải thực hiện quy đổi tỷ giá cho tất cả các giao dịch phát sinh trong năm về Đồng Việt Nam tốn nhiều thời gian và công sức. Do vậy, việc DN cân nhắc lựa chọn đồng tiền ngoại tệ làm đơn vị kế toán sẽ phù hợp hơn.

Ngoài ra, đối với các DN có kế hoạch áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) trong thời gian tới đây theo lộ trình quy định tại Quyết định số 345/QĐ-BTC hoặc các DN đang thực hiện việc báo cáo định kỳ cho công ty mẹ/tập đoàn theo IFRS, việc lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán phù hợp và nhất quán với đồng tiền chức năng của DN là rất quan trọng.

Theo quy định tại IAS 21, đồng tiền chức năng của DN phản ánh các giao dịch và sự kiện chủ yếu liên quan đến DN và khi đã được xác định thì không thay đổi trừ trường hợp có sự thay đổi trong việc sử dụng đồng tiền ở các giao dịch và sự kiện chủ yếu liên quan đến DN đó. Như vậy, mỗi DN cần phải xác định đúng đồng tiền chức năng của mình ngay từ đầu để tránh những điều chỉnh không đáng có ảnh hưởng đến hoạt động và quá trình lập báo cáo tài chính.

Sự khác biệt khi quy đổi ngoại tệ trong trường hợp đơn vị tiền tệ là Đồng Việt Nam hoặc là ngoại tệ khác

Việc xác định tỷ giá để hạch toán và quy đổi trong các giao dịch có ngoại tệ được quy định tại khoản 3, điều 1, Thông tư số 53/2016/TT-BTC (Thông tư 53). Cụ thể như sau: “Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ được xác định theo nguyên tắc chung như sau: Tỷ giá sử dụng ghi nhận các khoản tài sản và vốn góp là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại, tỷ giá sử dụng để ghi nhận các khoản nợ phải trả là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại.”

Tỷ giá giao dịch thực tế dùng để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính được xác định theo nguyên tắc: Tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại được sử dụng để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ là tài sản, tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại được sử dụng để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ là nợ phải trả.

Việc xác định tỷ giá mua ngoại tệ và tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại cũng có sự khác biệt trong trường hợp các DN sử dụng đơn vị tiền tệ khác nhau. Cụ thể, đối với các DN sử dụng đơn vị tiền tệ không phải là Đồng Việt Nam, ví dụ là đồng USD, đồng tiền báo cáo là đồng USD và Đồng Việt Nam sẽ được coi là ngoại tệ. Do vậy, tỷ giá mua ngoại tệ và tỷ giá bán ngoại tệ trong trường hợp này sẽ được xác định ngược với tỷ giá mua và bán các đồng tiền không phải Đồng Việt Nam do ngân hàng thương mại công bố. Khi DN sử dụng đơn vị tiền tệ là đồng USD thực hiện đánh giá lại khoản mục phải trả người bán có số dư gốc là Đồng Việt Nam thì sẽ sử dụng tỷ giá bán ngoại tệ (Đồng Việt Nam) để đánh giá lại, tương ứng là tỷ giá mua USD do ngân hàng thương mại công bố.

Trên thực tế, việc sử dụng tỷ giá thực tế để ghi nhận từng giao dịch phát sinh trong kỳ mất nhiều thời gian và dễ phát sinh sai sót. Do đó, Thông tư 53 cũng cho phép DN sử dụng “tỷ giá xấp xỉ” để hạch toán các giao dịch phát sinh trong kỳ với điều kiện tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo chênh lệch không vượt quá +/-1% so với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình, đồng thời việc sử dụng tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo không làm ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kỳ kế toán.

Các DN có phát sinh giao dịch bằng các đồng tiền có biên độ biến động tỷ giá mạnh (ví dụ đồng Yên Nhật), việc lựa chọn đồng tiền không phải Đồng Việt Nam làm đơn vị tiền tệ cũng cần được xem xét cẩn trọng, do biên độ dao động mạnh của tỷ giá có thể vượt ngưỡng cho phép +/-1% so với tỷ giá mua bán chuyển Khoản trung bình được quy định tại Thông tư 53, trong khi đó, việc sử dụng tỷ giá mua, bán của ngân hàng thương mại cho các giao dịch phát sinh hằng ngày sẽ không hiệu quả về mặt thời gian.

Như vậy, việc lựa chọn đơn vị tiền tệ là Đồng Việt Nam hay đồng tiền khác sẽ phụ thuộc vào quy định hiện hành cũng như đánh giá của DN. Việc DN lựa chọn đồng tiền nào là đơn vị tiền tệ cần xem xét trên cơ sở các giao dịch chủ yếu, cũng như cân nhắc các ảnh hưởng đến việc hạch toán kế toán thông qua việc xác định tỷ giá hạch toán các giao dịch phát sinh trong kỳ và đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ.

HOÀNG LAN HƯƠNG - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo, Deloitte Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán - doanh nghiệp cần cân nhắc nhiều yếu tố