Linh hoạt trong xây dựng, điều chỉnh kế hoạch kiểm toán phù hợp với tình hình dịch bệnh

(BKTO) - Thực hiện kiểm toán trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, KTNN đồng thời ưu tiên nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh cùng cả nước. Song nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, linh hoạt, với kế hoạch kiểm toán (KHKT) được xây dựng thận trọng, khả thi và được điều chỉnh kịp thời theo tình hình, kết quả kiểm toán của KTNN trong 6 tháng đầu năm nhờ đó cơ bản hoàn thành và được đánh giá cao.



Ưu tiên chống dịch, hoạt động kiểm toán vẫn đạt được kết quả cao

Tại Hội nghị sơ kết trực tuyến công tác 6 tháng của toàn Ngành diễn ra vừa qua, lãnh đạo Văn phòng KTNN cho biết,trong những tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động kiểm toán của KTNN. Toàn ngành đã nỗ lực tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực đổi mới với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, trên quan điểm ưu tiên tối đa cho công tác phòng dịch Covid-19 và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của 6 tháng đầu năm 2021, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác, trong đó nổi bật là hoạt động kiểm toán.
                
   

Ưu tiên chống dịch, hoạt động kiểm toán vẫn đạt được kết quả cao.
   Ảnh: N.LỘC

   

Thông tin cụ thể về kết quả này, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết, đến 30/6/2021, toàn ngành đã xét duyệt 143 KHKT, triển khai 120/216 đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 76 cuộc, lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 76 Báo cáo kiểm toán, phát hành 33 Báo cáo kiểm toán. Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra. Kết quả kiểm toán có nhiều phát hiện và kiến nghị nổi bật, góp phần quan trọng giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

         
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến 30/6/2021, kiến nghị xử lý tài chính 23.449 tỷ đồng, trong đó một số đoàn kiểm toán có kết quả nổi bật về xử lý tài chính hoặc phát hiện kiểm toán quan trọng như: Kiểm toán việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020; việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững… Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành nghiên cứu, sửa đổi, hủy bỏ nhiều văn bản; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể, cá nhân. Bên cạnh đó, năm 2021, KTNN tiếp tục chủ động tham gia và gửi ý kiến về dự toán NSNN năm 2022 và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022.
Theo Vụ trưởng Vũ Ngọc Tuấn, những kết quả đạt được, một phần quan trọng là nhờ KTNN đã chủ động, sát sao đánh giá tình hình để xây dựng KHKT sát thực, khả thi, ít biến động nhất, dù phải trải qua tình hình dịch bệnh khó lường vừa qua.

Theo đó, bám sát định hướng của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các lĩnh vực có rủi ro, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, quá trình xây dựng KHKT năm 2021 được thực hiện chủ động, có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan và đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai. Lãnh đạo KTNN đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát tình hình dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh KHKT. Tính đến 30/6, toàn Ngành đã bổ sung tăng 12 cuộc kiểm toán, giảm 03 cuộc kiểm toán do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; KHKT tập trung kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, thực hiện điều chỉnh theo hướng cắt giảm thời gian và quy mô, tạo mọi điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh, các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách cũng thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các đơn vị kiểm toán tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng lập KHKT các cuộc kiểm toán thông qua việc tăng thời gian, nhân lực và mở rộng phạm vi khảo sát, thu thập thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu. Do đó, hầu hết các KHKT đã thu thập đầy đủ thông tin, phân tích, đánh rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán phù hợp, đồng thời tập trung kiểm toán tổng hợp đánh giá trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công nên đã rút ngắn được thời gian kiểm toán tại đơn vị.

Luôn chú trọng xây dựng kế hoạch kiểm toán

Xác định KHKT đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình, hoạt động kiểm toán, hằng năm, lãnh đạo KTNN đều yêu cầu các đơn vị chủ động thu thập thông tin, xây dựng KHKT cho năm tiếp theo từ rất sớm.

Theo đó, song song với việc triển khai KHKT năm 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Công văn số 611/KTNN-TH về KTNN hướng dẫn xây dựng KHKT trung hạn 2022-2024 và KHKT năm 2022. Theo Vụ trưởng Vũ Ngọc Tuấn,KHKT trung hạn 2022-2024 và KHKT năm 2022 sẽ được xây dựng gắn với lộ trình thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; định hướng kiểm toán các chủ đề lớn gắn với quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước; phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hạn chế sự chồng chéo giữa các đơn vị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.
                
   

Việc chú trọng xây dựng KHKTđảm bảo công khai, chặt chẽ góp phần quan trọng vào thành công của kết quả kiểm toán. Ảnh: N.LỘC

   

Ông Vũ Ngọc Tuấn cũng cho biết, theo quy trình, Dự thảo KHKT sẽ được KTNN xây dựng, gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành chức năng. KTNN cũng sẽ gửi xin ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Thời gian để xây dựng KHKT thường bắt đầu từ đầu tháng 6 cho đến khi được công bố chính thức (khoảng tháng 11)...

Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác kiểm toán là sự tổng hợp của nhiều giải pháp, với sự nỗ lực của các cấp, các khâu trong công tác kiểm toán. Trong đó, khâu đầu tiên và đóng vai trò định hướng rất quan trọng, đó là xây dựng KHKT đã được KTNN rất chú trọng thực hiện thông qua nhiều quy trình công khai, chặt chẽ. Chính sự chuẩn bị chu đáo này đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho quá trình thực hiện kiểm toán của kiểm toán viên, mà những kết quả kiểm toán vừa qua chính là minh chứng.
NGUYỄN LỘC
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Cùng chuyên mục
Linh hoạt trong xây dựng, điều chỉnh kế hoạch kiểm toán phù hợp với tình hình dịch bệnh