Linh hoạt lựa chọn phương thức tổ chức kiểm toán chuyên đề

(BKTO) - Những năm qua, các đơn vị kiểm toán, đặc biệt là các KTNN chuyên ngành, đã chủ trì, phối hợp thực hiện thành công nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) quy mô lớn theo mô hình đoàn kiểm toán độc lập hoặc theo đoàn kiểm toán lồng ghép. Trước yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kiểm toán, việc áp dụng linh hoạt phương thức tổ chức kiểm toán nêu trên nhằm đổi mới hoạt động KTCĐ cần phải được tăng cường, chú trọng hơn nữa.




Việc áp dụng linh hoạt phương thức KTCĐ cần phải được chú trọng hơn nữa. Ảnh tư liệu

Phương thức đúng đắn giúp gia tănghiệu quả kiểm toán

Trong 26 năm hoạt động, KTNN đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực KTCĐ với nhiều cuộc kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi kiểm toán rộng, tập trung vào các đối tượng sử dụng nhiều nguồn lực, có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước như các chuyên đề: phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ; việc quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng; quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn ODA; mua sắm trang thiết bị y tế; đánh giá hiệu quả chính sách đầu tư tại các khu kinh tế... với nhiều phương án tổ chức kiểm toán khác nhau. Kết quả kiểm toán đã góp phần phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành NSNN, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, đồng thời đáp ứng kịp thời chức năng giải trình của Chính phủ trước đại biểu Quốc hội và cử tri, cung cấp kịp thời thông tin cho các phiên họp của Quốc hội.

Để có được những kết quả nêu trên, bên cạnh việc đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu kiểm toán, từ việc lựa chọn chủ đề kiểm toán, khảo sát lập kế hoạch kiểm toán, xác định mục tiêu, trọng tâm kiểm toán..., việc lựa chọn phương thức kiểm toán phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng. Thực tế, những năm gần đây, KTNN đã thử nghiệm nhiều cách thức tổ chức KTCĐ tùy thuộc vào chủ đề kiểm toán cũng như các nguồn lực liên quan. Trong đó, hai phương thức tổ chức kiểm toán được sử dụng phổ biến gồm: mô hình đoàn kiểm toán lồng ghép và mô hình đoàn kiểm toán độc lập, tập trung.

Tuy nhiên, theo TS. Mai Vinh - nguyên Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, mô hình tổ chức các đoàn kiểm toán khoảng 5 năm trở về trước còn chưa hiệu quả, chủ yếu thực hiện theo mô hình tổ chức lồng ghép với các cuộc kiểm toán khác hoặc do đơn vị kiểm toán thực hiện riêng lẻ, không tập trung... gây khó khăn cho công tác tổng hợp kết quả kiểm toán chung của toàn Ngành. Chỉ đến vài năm gần đây, phương thức tổ chức KTCĐ mới được chuyển hướng theo mô hình đoàn kiểm toán tập trung.

Đảm bảo tính thống nhấttrong thực hiện kiểm toán

Hiện nay, phương thức KTCĐ theo mô hình tập trung ngày càng được các đơn vị lựa chọn áp dụng. Theo đại diện Vụ Tổng hợp, mô hình đoàn kiểm toán tập trung thường áp dụng đối với những cuộc kiểm toán quy mô lớn, phức tạp, mang tính chất toàn Ngành, tổ chức thực hiện theo phương án chỉ thành lập một đoàn kiểm toán, dưới sự chỉ đạo tập trung của một đơn vị KTNN. Với mô hình này, công tác chỉ đạo thực hiện đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt quá trình kiểm toán. Kết quả và chất lượng kiểm toán thường cao hơn so với các đoàn kiểm toán tổ chức lồng ghép.

Dù có nhiều ưu điểm song phương thức kiểm toán theo mô hình tập trung cũng tồn tại những hạn chế nhất định như: dễ xảy ra tình trạng trùng lặp đầu mối kiểm toán, khối lượng công việc nhiều nên công tác tổng hợp báo cáo kiểm toán tốn nhiều thời gian... Do đó, đại diện nhiều đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, việc chỉ áp dụng duy nhất một phương thức kiểm toán sẽ không thể mang lại hiệu quả cao. Thay vào đó, cần linh hoạt áp dụng phương thức kiểm toán, kết hợp mô hình đoàn kiểm toán lồng ghép với mô hình đoàn kiểm toán tập trung trong một cuộc KTCĐ.

Vài năm gần đây, việc linh hoạt áp dụng phương thức kiểm toán cũng đã được nhiều đơn vị kiểm toán lựa chọn áp dụng và mang lại những kết quả tích cực. Điển hình như cuộc kiểm toán chuyên đề Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập giai đoạn 2016-2018 vừa qua. Tại cuộc kiểm toán này, KTNN chuyên ngành III là đơn vị chủ trì, tổng hợp kết quả kiểm toán chuyên đề của toàn Ngành, đồng thời tổ chức 1 Đoàn độc lập, kiểm toán tổng hợp tại Bộ Y tế và kiểm toán chi tiết tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Còn các đơn vị KTNN chuyên ngành thực hiện kiểm toán chuyên đề tại các Bộ, ngành có các bệnh viện công lập trực thuộc, thuộc phạm vi được Tổng Kiểm toán Nhà nước phân công kiểm toán, tổ chức lồng ghép nội dung kiểm toán này. Các KTNN khu vực thực hiện kiểm toán chuyên đề tại các địa phương có các bệnh viện công lập trực thuộc, tổ chức lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương. Kết quả của cuộc KTCĐ này đã mang lại những tác động xã hội mạnh mẽ, được dư luận xã hội cả nước đánh giá cao.

Từ kinh nghiệm thực tiễn công tác lãnh đạo triển khai nhiều cuộc KTCĐ, TS. Mai Vinh cho rằng, để các cuộc KTCĐ đạt hiệu quả cao dù áp dụng phương thức nào, đơn vị được giao chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán luôn đóng vai trò quan trọng, là đầu mối lan tỏa và tập hợp kết quả kiểm toán. Do đó, đơn vị chủ trì phải đề cao uy tín, trách nhiệm trong xây dựng đề cương hướng dẫn kiểm toán, đảm bảo rõ ràng, chi tiết và phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, các cuộc KTCĐ thường do nhiều đơn vị trong Ngành cùng tham gia kiểm toán nên ngoài việc tự kiểm soát theo nhiệm vụ của đơn vị kiểm toán và đơn vị chủ trì, cần thiết phải có sự thanh tra, kiểm soát của Thanh tra KTNN, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán chi tiết đến khâu tổ chức thực hiện, đảm bảo tính thống nhất trong xác định trọng yếu kiểm toán, thực hiện các mục tiêu, nội dung kiểm toán.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Linh hoạt lựa chọn phương thức tổ chức kiểm toán chuyên đề