Lập Kế hoạch kiểm toán hoạt động: Kinh nghiệm của Canada và bài học cho Việt Nam

(BKTO) - Kiểm toán hoạt động (KTHĐ) là lĩnh vực mới được nhiều cơ quan kiểm toán tối cao chú trọng phát triển, trong đó có Văn phòng Kiểm toán Canada. Cơ quan này đã xây dựng được Sổ tay kiểm toán để cụ thể hóa yêu cầu, mục tiêu, phạm vi, kỹ năng chọn vấn đề và phương pháp kiểm toán, đặc biệt là đã hướng dẫn 4 bước quan trọng trong quy trình lập kế hoạch kiểm toán đối với cuộc KTHĐ. Đây là những kinh nghiệm quý mà KTNN có thể học hỏi để áp dụng phù hợp với điều kiện và thực tế của Việt Nam.




KTNN có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm KTHĐ của Canada để áp dụng phù hợp với điều kiện và thực tế của Việt Nam. Ảnh minh họa

Bốn bước trong quy trình lậpkế hoạch kiểm toánhoạt động

Văn phòng Kiểm toán Canada là văn phòng kiểm toán trực thuộc và chịu sự quản lý giám sát đặc biệt của Quốc hội nước này. Các cuộc KTHĐ được Văn phòng thực hiện nhằm đưa ra những khuyến nghị để hỗ trợ Quốc hội và các ủy ban, nhất là Ủy ban Tài khoản công cộng trong việc giám sát hoạt động quản lý các nguồn lực và các chương trình của Chính phủ.

Theo Sổ tay kiểm toán của Văn phòng Kiểm toán Canada, quy trình lập kế hoạch KTHĐ gồm 4 bước. Trước hết, công tác lập kế hoạch kiểm toán đòi hỏi kiểm toán viên (KTV) phải hiểu được thực thể và chủ thể. Theo đó, nhóm KTV cần tiến hành nghiên cứu và phỏng vấn để nắm bắt được nhiệm vụ và mục tiêu của đơn vị, cơ cấu tổ chức, hồ sơ rủi ro, môi trường và kết quả hoạt động cũng như các rủi ro liên quan đến vấn đề được kiểm toán. Để bắt đầu cuộc kiểm toán, Văn phòng Kiểm toán sẽ gửi thư thông báo đến đơn vị được kiểm toán nhằm thiết lập các mối quan hệ làm việc. Bên cạnh đó, các cuộc họp tư vấn với chuyên gia nội bộ của Văn phòng về kỹ thuật, đạo đức hoặc vấn đề khác cũng diễn ra liên tục trong suốt quá trình kiểm toán.

Bước hai là lập kế hoạch dựa trên rủi ro. Với phương pháp tiếp cận này, thay vì chỉ tập trung vào các lĩnh vực nghi ngờ điểm yếu, KTV sẽ dựa trên sự hiểu biết về đơn vị được kiểm toán để: xác định những rủi ro liên quan đến hoạt động ​​của tổ chức; đánh giá, xác định từng rủi ro kiểm toán (các nội dung có nguy cơ khiến cho KTV quan sát, rút ra kết luận sai và đưa ra khuyến nghị không phù hợp); sử dụng thủ tục kiểm toán thích hợp và các chiến lược khác nhằm giảm thiểu rủi ro.

Bước ba là xây dựng mục tiêu, phạm vi và tiêu chí kiểm toán. Các mục tiêu kiểm toán thường được thể hiện bằng những câu hỏi mà cuộc kiểm toán dự kiến ​​sẽ trả lời. Phạm vi kiểm toán xác định các vấn đề cụ thể cần được kiểm tra và đặt ra ranh giới của kiểm toán, bao gồm cả khoảng thời gian được kiểm toán.

Việc lựa chọn các tiêu chí thích hợp là rất quan trọng bởi điều này thúc đẩy công tác kiểm toán. Nhóm kiểm toán đưa ra các mục tiêu, phạm vi và tiêu chuẩn trong một tài liệu kế hoạch chính được gọi là ma trận logic kiểm toán. Vào cuối giai đoạn lập kế hoạch, nhóm sẽ soạn thảo tóm lược kế hoạch kiểm toán (APS) bao gồm: mục tiêu, phạm vi, các tiêu chuẩn của cuộc kiểm toán, mốc thời gian quan trọng… và gửi tới đơn vị được kiểm toán. Các đơn vị này bắt buộc phải có văn bản trả lời xác nhận trách nhiệm của mình đối với cuộc kiểm toán.

Cuối cùng, nhóm kiểm toán sẽ lên kế hoạch, chương trình kiểm toán chi tiết, trong đó nêu rõ cách tiếp cận kiểm toán và công việc cần thiết để đánh giá các mục tiêu đạt được. Các chương trình kiểm toán bao gồm câu hỏi chính cho từng tiêu chí, danh sách các nguồn thông tin cần thiết cho việc thu thập bằng chứng, các phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu. Chương trình kiểm toán cũng là một công cụ để ghi lại các công việc đã hoàn thành.

Bài học kinh nghiệmcho Kiểm toán Nhà nướcViệt Nam

Từ thực tiễn triển khai KTHĐ của Văn phòng Kiểm toán Canada, KTNN Việt Nam có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Trước tiên, KTNN cần xác định chiến lược, sứ mệnh và các chương trình KTHĐ đối với từng nhóm ngành cụ thể, đồng thời có sự phân công nhân sự theo từng mục tiêu: đánh giá hiệu lực quản trị nội bộ, hiệu năng quản lý, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, đơn vị, cá nhân sử dụng vốn, ngân sách và tài sản công. Trong chiến lược phát triển, bộ phận KTHĐ cần hướng tới quan điểm là đưa ra giải pháp hữu ích, phòng ngừa và khắc phục điểm yếu của tổ chức để ngân sách được sử dụng hiệu quả, không nên tập trung vào một mục tiêu là tìm kiếm sai phạm.

Vì vậy, mục tiêu của KTHĐ cần được mở rộng, có thể bao gồm các đánh giá về: tính kinh tế hoặc hiệu quả của việc thực hiện chính sách; tuân thủ chính sách; sự phù hợp của việc phân tích dựa trên một chính sách hay chương trình; bảo trì tài khoản hoặc hồ sơ; ngân sách đã được sử dụng cho các mục đích cụ thể như thế nào; các thủ tục để đo lường và báo cáo hiệu quả của các chương trình; xem xét các tác động môi trường của chi tiêu trong bối cảnh phát triển bền vững…

Bên cạnh đó, KTNN cần tập trung nhiều thời gian cho việc lập kế hoạch kiểm toán. Phương pháp kiểm toán theo định hướng rủi ro cần được áp dụng triệt để nhưng theo xu hướng tiếp cận nhằm tìm kiếm giải pháp phòng ngừa và hạn chế rủi ro chứ không phải để nghi ngờ điểm yếu. KTNN cần dành nhiều thời gian đánh giá rủi ro tiềm tàng trong hoạt động kinh doanh của đơn vị được kiểm toán bởi những rủi ro này chi phối mạnh tới cả việc kiểm soát trong đơn vị được kiểm toán cũng như rủi ro của KTV trong quá trình kiểm toán.

Nội dung quan trọng nữa là KTNN phải xây dựng bộ tiêu chí/tiêu chuẩn trong đánh giá khi tiến hành KTHĐ. Để cuộc KTHĐ thành công, cần đặt ra những câu hỏi lớn theo mục tiêu của cuộc kiểm toán, từ đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, kết hợp với đặc trưng của từng nhóm ngành nghề nhằm xây dựng bộ tiêu chí chung. Với các bộ tiêu chí này, KTV sẽ có một khung logic nhất để tiếp cận và xây dựng tiêu chí đánh giá cho từng cuộc kiểm toán. Đồng thời, hệ thống tiêu chí đánh giá này cũng phải được gửi tới đơn vị được kiểm toán trước khi tiến hành kiểm toán để cùng thống nhất về cách thức đánh giá cho phù hợp, đảm bảo tính khách quan và hiệu quả của cuộc kiểm toán...

ThS. TRẦN PHƯƠNG THÙY
Khoa Kế toán, Kiểm toán, Học viện Ngân hàng
Cùng chuyên mục
Lập Kế hoạch kiểm toán hoạt động: Kinh nghiệm của Canada và bài học cho Việt Nam