Lãnh đạo thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030

(BKTO) - Đảng ủy KTNN vừa ban hành Nghị quyết số 88-NQ/ĐU ngày 19/02/2021 về “Lãnh đạo thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030”.




Theo đó, Nghị quyết được ban hành nhằm: Phát triển KTNN là công cụ trọng yếu hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan thụ hưởng sử dụng NSNN, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ HĐND, UBND địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của địa phương.

Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Chiến lược tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn Ngành, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người lao động về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTNN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

         
   
Một số mục tiêu cụ thể, quan trọng của KTNN trong giai đoạn tới:
   
Xây dựng đội ngũ công chức KTNN tinh gọn, đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và cơ cấu hợp lý; phấn đấu đến năm 2030 đạt 2.700 người theo Chiến lược đề ra.
   
Phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm đối với quyết toán NSNN các Bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường đạt tỷ lệ 30 - 40% số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm.
   Hoàn thiện môi trường làm việc điện tử của KTNN và hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng đáp ứng hoạt động kiểm toán trong môi trường số.
   
Trên cơ sở các mục tiêu chung đó, Nghị quyết đã xác định các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, lãnh đạo việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN tương xứng với vị trí vai trò của KTNN là cơ quan kiểm toán tài chính. tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Hai là, lãnh đạo việc thực hiện chiến lược phát triển hệ thống tổ chức bộ máy theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả theo chủ trương chung của hệ thống chính trị.

Ba là, lãnh đạo việc thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý; tập trung kiện toàn sắp xếp đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ đặt ra.

Bốn là, lãnh đạo việc thực hiện Chiến lược nâng cao chất lượng kiểm toán thông qua việc tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán; nâng cao năng lực kiểm toán đối với quyết toán NSNN các Bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường và các nội dung lĩnh vực kiểm toán mới...

Năm là, lãnh đạo việc thực hiện Chiến lược hội nhập và hợp tác quốc tế, trong đó tiếp tục duy trì và tối ưu hóa lợi ích các mối quan hệ hợp tác song phương hiện có, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác song phương mới; tiếp tục là thành viên có trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện các cam kết thỏa thuận đa phương; tăng cường thực hiện các cuộc kiểm toán phối hợp với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới

Sáu là, lãnh đạo việc thực hiện Chiến lược phát triển cơ sở vật chất thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học, trong đó tập trung đầu tư cải tạo trụ sở làm việc đáp ứng được nhu cầu hạ tầng trong tương lai để tăng dần số lượng các cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN, giảm dần thời gian kiểm toán tại đơn vị; tăng cường đầu tư trang thiết bị làm việc hiện đại, phù hợp với phương pháp thu thập bằng chứng mới, phương pháp kiểm toán mới, đảm bảo đồng bộ, tương thích với Chiến lược phát triển KTNN.

Bảy là, lãnh đạo việc thực hiện Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao, tập trung xây dựng hạ tầng số của KTNN và ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo dựa trên nền tảng hạ tầng số để hỗ trợ các hoạt động của KTNN; xây dựng kho dữ liệu tập trung, đồng bộ, thống nhất, chia sẻ, liên thông dữ liệu với các lĩnh vực liên quan và các đơn vị được kiểm toán, các tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
         
Để thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra, Nghị quyết số 88-NQ/ĐU xác định 5 giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 để tham mưu, giúp việc Tổng Kiểm toán Nhà nước trong tổ chức triển khai, chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Lãnh đạo thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030