Làm chủ công nghệ là nhiệm vụ quan trọng với kiểm toán viên

(BKTO) - Ngày nay, việc áp dụng công nghệ mới nổi (CNMN), đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT), kỹ thuật số và dữ liệu lớn đã mang lại những lợi ích thiết thực và tiềm năng to lớn đối với DN hành nghề kiểm toán cũng như đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, để phát huy những tiềm năng nói trên, DN kiểm toán và đơn vị được kiểm toán cần có sự chuẩn bị, đầu tư tương ứng về con người và công nghệ. Đặc biệt với kiểm toán viên (KTV), làm chủ công nghệ là nhiệm vụ quan trọng.



Công nghệ mới nổi giúp nâng cao hiệu quả và giá trị dịch vụ kiểm toán

         
   
   
Phó Tổng Giám đốc Phạm Thái Hùng
   
Hiện nay, nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng trong hoạt động tài chính của DN. Từ việc ứng dụng này, người làm tài chính và kiểm toán có thể tiếp cận, khai thác các thông tin tài chính và phi tài chính, các phân tích, tổng hợp hữu ích và kịp thời, từ đó đưa ra những đánh giá và quyết định tốt hơn. Việc áp dụng các CNMN như: kỹ thuật số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, công nghệ drone… đã mang lại cho ngành kiểm toán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng những lợi ích thiết thực trong hoạt động nghiệp vụ.

Công nghệ giúp mở rộng phạm vi và khả năng kiểm toán. Các công cụ tự động hóa việc phân tích và khai thác dữ liệu cho phép một nhóm nhỏ KTV làm việc với những dữ liệu tài chính lên tới hàng triệu giao dịch trong thời gian rất ngắn, nhờ đó, số lượng bút toán và tài khoản được kiểm tra tăng lên rất nhiều so với trước đây. Ở những cuộc kiểm toán phức tạp, các công cụ với thuật toán cao cấp có khả năng phân tích cơ sở dữ liệu khổng lồ để xác định những giao dịch thông thường và bất thường.

Ứng dụng công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá và quản lý rủi ro. Trước khi đưa ra ý kiến, người làm kiểm toán phải đánh giá các rủi ro liên quan đến DN được kiểm toán và ảnh hưởng của chúng lên báo cáo tài chính hoặc thông tin cần kiểm toán. Dựa vào đó, KTV thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán và kết hợp đánh giá để đưa ra ý kiến cuối cùng. Để giảm thiểu sai sót trong toàn bộ quá trình này, nhiều phần mềm đã được phát triển, cho phép KTV xây dựng kế hoạch chi tiết và phù hợp với từng cuộc kiểm toán. Các phần mềm này đồng thời giúp lưu trữ, khai thác kết quả kiểm tra, các thông tin tài chính và phi tài chính từ các cuộc kiểm toán trước đây cũng như những cập nhật về khách hàng và tình hình kinh tế, thị trường.

Xét cho cùng, mục tiêu tối quan trọng của việc đưa công nghệ vào nghiệp vụ kiểm toán là để nâng cao hiệu quả công việc và giá trị của dịch vụ kiểm toán. Những nghiệp vụ khá thủ công trước đây như đối chiếu chứng từ, sổ sách… đang dần được thay thế bằng tự động hóa dựa vào CNTT và kỹ thuật số. Với những chứng từ và sổ sách đã được số hóa, các công cụ kiểm toán hoàn toàn có thể xử lý việc đối chiếu một cách hiệu quả và nhanh gọn. Nếu trước đây, KTV phải sử dụng các phương pháp toán học xác suất để chọn mẫu kiểm tra thì ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ số, họ có thể kiểm tra gần như toàn bộ các bút toán hoặc tài khoản cần kiểm tra.

Đại dịch Covid-19 trong năm 2020 vừa qua đã thêm một lần nữa cho chúng ta thấy lợi ích to lớn của việc áp dụng công nghệ. Trong thời điểm “giãn cách xã hội”, việc ứng dụng công nghệ drone đã hỗ trợ KTV chứng kiến các cuộc kiểm kê hàng hóa cuối năm. Có thể thấy, những DN kiểm toán có sự chuẩn bị trước đó về công nghệ kỹ thuật số, thực tế ảo… đã gặp ít khó khăn hơn trong việc cung cấp dịch vụ so với những DN phụ thuộc vào cách làm truyền thống.

Đầu tư vào công nghệ là yêu cầucấp thiết

Lợi ích của việc áp dụng CNMN vào công tác kế toán và kiểm toán là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế, KTV không thể áp dụng những công nghệ tiên tiến đó với tất cả khách hàng. Lý do phổ biến là hệ thống CNTT cũng như cơ sở dữ liệu của khách hàng còn sơ khai và thiếu tương thích. Sự thiếu đồng bộ về trình độ phát triển và áp dụng công nghệ giữa các DN hoặc giữa khách hàng và công ty kiểm toán đang là rào cản lớn nhất cho việc phát huy những lợi ích và tiềm năng đã đề cập.

Đối với các DN kiểm toán, việc có quan điểm và chiến lược rõ ràng về áp dụng công nghệ và đầu tư về con người là rất cần thiết. Giá trị của KTV tương lai chính là khả năng tận dụng công nghệ kết hợp sử dụng kinh nghiệm và xét đoán chuyên môn để đưa ra kết luận, khuyến nghị hữu ích, tạo giá trị cho khách hàng. Điều này đòi hỏi DN kiểm toán có kế hoạch đào tạo hợp lý, tạo điều kiện cho KTV tiếp cận và làm chủ công nghệ. Đây chính là phương thức tốt nhất để tạo ra giá trị và xây dựng thương hiệu cho DN kiểm toán.

Về phía DN được kiểm toán, áp dụng công nghệ là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của DN. Lợi ích nhãn tiền là công nghệ sẽ giúp DN nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, sản xuất và kinh doanh, bên cạnh khả năng lưu trữ, tổ chức và khai thác thông tin một cách hiệu quả, từ đó các quyết định đưa ra sẽ chuẩn xác và giá trị hơn. Nhìn xa hơn, Việt Nam sẽ triển khai áp dụng các Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong thời gian tới. Các chuẩn mực có tính phức tạp cao như: IFRS 15 - Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng và IFRS 9 - Công cụ tài chính đòi hỏi DN phải có dữ liệu tài chính và phi tài chính đầy đủ hơn, nhiều thông tin hơn cũng như các mô hình dự tính về dự phòng nợ xấu dự kiến, giá trị hợp lý… Theo đó, việc nâng cấp hệ thống CNTT của DN là một yêu cầu tất yếu và không thể trì hoãn. Việc này cũng sẽ tạo điều kiện để KTV có thể áp dụng CNMN để nâng cao hiệu quả và giá trị của cuộc kiểm toán cũng như giảm chi phí và tiết kiệm thời gian cho DN.

Khi những nghiệp vụ thủ công, tốn thời gian dần được thay thế bởi các công nghệ và phương pháp tiến bộ hơn, các DN kiểm toán không còn sự lựa chọn nào khác là đầu tư vào công nghệ và con người để tạo ra giá trị riêng biệt cho khách hàng. Trong điều kiện mới, phương thức phục vụ khách hàng cũng cần biến đổi và sáng tạo. Với những người làm kiểm toán, việc làm chủ công nghệ là nhiệm vụ quan trọng. Đây cũng là cơ hội đầy tiềm năng để nâng cao và mang đến những giá trị vượt trội trước nhịp độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế nói chung và ngành kiểm toán nói riêng.

PHẠM THÁI HÙNG
Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam
Cùng chuyên mục
Làm chủ công nghệ là nhiệm vụ quan trọng với kiểm toán viên