Kỹ năng xây dựng hệ thống câu hỏi trong kiểm toán hoạt động

(BKTO) - Để có thể xây dựng một kế hoạch kiểm toán hiệu quả trong kiểm toán hoạt động (KTHĐ), các kiểm toán viên (KTV) thường phải sử dụng phương pháp phân tích vấn đề để định hướng kiểm toán, trên cơ sở đó thiết lập hệ thống bảng câu hỏi. Trong bài viết này, tác giả xin bàn luận và trao đổi một số kỹ năng liên quan đến việc xây dựng hệ thống câu hỏi này.



Nguyên tắc xây dựngcâu hỏi trong kiểm toánhoạt động

Khi xác định các câu hỏi kiểm toán, kiểm toán viên cần tập trung vào một chủ đề, dựa trên kết quả của vấn đề có trong các báo cáo tổng hợp. Việc xây dựng câu hỏi phải được phân tích cụ thể từng từ ngữ quan trọng, phải dựa trên sự cân nhắc hợp lý và khách quan. Quá trình thiết kế các câu hỏi cần đảm bảo thu được bằng chứng kiểm toán đáng tin cậy để đảm bảo rằng các mục tiêu kiểm toán có liên quan theo chủ đề. Các câu hỏi cần có trọng tâm, tránh việc mâu thuẫn nhau.

Câu hỏi kiểm toán có thể được trình bày dưới dạng kim tự tháp hoặc sơ đồ cây với một câu hỏi kiểm toán chung và một số câu hỏi phụ, tập trung vào một chủ đề và xác định rõ ràng việc kiểm toán. Trong việc xác định các câu hỏi kiểm toán, cần xem xét các vấn đề sau: Chủ đề có trọng yếu không? Những tác động tiềm tàng của việc kiểm toán là trọng yếu không? Có quan trọng đối với các bên liên quan? Có rủi ro trong quản lý tài chính hay không?

Khi kiểm toán, cần đánh giá khả năng kiểm tra đối với các câu hỏi: Có thể trả lời tất cả các câu hỏi không? Có thể tiến hành một cuộc kiểm toán và đưa ra những giải pháp tốt, có giá trị từ nguồn lực sẵn có của thông tin cần thiết, phương pháp kiểm toán, kỹ năng kiểm toán không? Các điều kiện có thích hợp về thời gian không?

Những câu hỏi đặt ra được tập trung vào kiểm soát nội bộ hoặc kiểm tra trực tiếp hiệu suất, hoặc sự kết hợp của chúng.

Xây dựng nội dung hệ thống câu hỏi

Các mục tiêu kiểm soát được xây dựng ra sao, có phù hợp và ý nghĩa với thực tế hay không;
Các chỉ số được sử dụng để xác định xem tổ chức có đo lường hiệu quả đúng và phù hợp hay không; những cải cách hay giải pháp để đạt được các mục tiêu đó là gì;

Xác định hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ quản lý các chương trình, dự án,… có cung cấp thông tin thực tế không và có đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm soát hay không;
Các dữ liệu và thông tin có được sử dụng đúng cách để từ đó xác định độ tin cậy, các tiêu chí lựa chọn dự án sử dụng cho phân bổ nguồn lực…

Việc kiểm tra trực tiếp các hoạt động tập trung vào kết quả của các mục tiêu đưa ra từ người được kiểm toán. Phát hiện mục tiêu được hình thành đúng cách là cơ sở để đánh giá việc thực hiện của kiểm toán viên. Tương tự, các chỉ số, nếu được hình thành, có thể được sử dụng để đánh giá sự tiến bộ.

Các câu hỏi kiểm toáncần phát triển như thế nào?

Thứ nhất, từ câu hỏi chung kiểm toán, các câu hỏi kiểm toán sau đó có thể được chia thành các câu hỏi phụ, rồi lần lượt chia nhỏ thành các tiểu phụ câu hỏi. Thông thường, có bốn mức như vậy: Từ câu hỏi kiểm toán chính (Mức 1) đến các câu hỏi chi tiết, được trả lời bằng cách thực hiện các thủ tục kiểm toán cụ thể (Mức 4).

Thứ hai, hình thành cơ sở cho các nguồn chứng cứ. Các câu hỏi phụ ở mỗi cấp phải khác nhau không lặp lại, nhưng đều bao gồm các khía cạnh chính của câu hỏi (tổng hợp), việc chia nhỏ mỗi câu hỏi kiểm toán sẽ tạo thành một kim tự tháp. Điều này giúp việc xây dựng câu hỏi trở nên logic.

Một số kỹ năng trong việcxây dựng câu hỏi

Từ ngữ của các câu hỏi là quyết định cho kết quả của cuộc kiểm toán - đó là những điều cơ bản. Các câu hỏi nghiên cứu xây dựng để kiểm toán viên tìm kiếm câu trả lời. Do đó, những câu hỏi mơ hồ hoặc không rõ ràng là cần phải tránh.

Các câu hỏi kiểm toán sau đó sẽ được chuyển thành cấp thấp hơn. Câu hỏi ở mức thấp nhất có thể được trả lời bằng cách thực hiện các thủ tục kiểm toán. Tất cả các câu hỏi phụ trong hệ thống phân cấp phải thống nhất để có thể trả lời câu hỏi cấp cao hơn ngay trước đó.

Tất cả các câu hỏi trong hệ thống cần phân cấp phải chứa đựng khả năng có/không có câu trả lời để việc kiểm toán tập trung vào một sản phẩm cuối cùng cụ thể. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa câu hỏi như vậy chỉ có một câu trả lời duy nhất. Câu trả lời chắc chắn sẽ phát triển hơn nhiều. Cách tiếp cận này là một công cụ để giúp tăng cường phương pháp tiếp cận có kỷ luật, logic trong các câu hỏi kiểm toán. Các câu hỏi kiểm toán không nên được xây dựng một cách dứt khoát, chẳng hạn như "đánh giá mức độ ...". Bởi lẽ, điều này có thể đưa đến kết quả của công việc kiểm toán mà không có một phạm vi xác định rõ ràng, nó trở nên quá rộng và tốn nhiều thời gian.

Để tạo thuận lợi cho sự phát triển một hệ thống câu hỏi kiểm toán, các nhóm kiểm toán nên thực hiện một bài tập phân tích vấn đề trước khi viết kế hoạch kiểm toán.

ThS. TRẦN PHƯƠNG THÙY
Khoa Kế toán, Kiểm toán (Học viện Ngân hàng)
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 11-4-2019
Cùng chuyên mục
Kỹ năng xây dựng hệ thống câu hỏi trong kiểm toán hoạt động