KTNN Indonesia: Đóng góp tích cực cho hoạt động kiểm toán môi trường của khu vực và quốc tế

(BKTO) - Những năm qua, Nhóm công tác về kiểm toán môi trường (KTMT) của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI WGEA) đã gặt hái được nhiều thành công nhất định trong lĩnh vực KTMT, góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia trong khu vực. Thành công ấy có sự đóng góp đáng kể của KTNN Indonesia (BPK) - thành viên tích cực của ASOSAI WGEA.



BPK - 71 năm thành lậpvà phát triển

BPK được thành lập vào ngày 01/01/1947, có trụ sở tại Thủ đô Jarkata, hoạt động theo mô hình Uỷ ban. Cơ quan cao nhất của BPK là Hội đồng Kiểm toán gồm 9 thành viên (1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch và 7 uỷ viên khác). Các uỷ viên Hội đồng này do Quốc hội lựa chọn và tiến cử để Tổng thống bổ nhiệm. Giúp việc cho Hội đồng là Tổ chuyên gia tư vấn, Ban Thư ký, Ban Thanh tra, Vụ Phát triển pháp luật, Vụ Kế hoạch, đánh giá, nghiên cứu, phát triển và đào tạo và 7 Vụ Kiểm toán.

Tính đến tháng 7/2017, tổng số kiểm toán viên và cán bộ thuộc BPK là 6.300 người. BPK đang nỗ lực tăng thêm số cán bộ, kiểm toán viên và nâng cao chất lượng đội ngũ này thông qua quy định về đào tạo chuyên môn trong nước và ngoài nước.

BPK có nhiệm vụ kiểm toán để đánh giá tính chính xác, hợp lý, tin cậy của các thông tin về quản lý tài chính nhà nước và trách nhiệm giải trình một cách độc lập, khách quan, chuyên nghiệp dựa trên các chuẩn mực kiểm toán; báo cáo các phát hiện kiểm toán với Quốc hội, Hội đồng Đại biểu cấp vùng, Hội đồng Lập pháp địa phương và trình báo cáo kiểm toán lên Tổng thống, người đứng đầu các tỉnh/quận/thành phố tùy từng trường hợp.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của BPK vừa qua, KTNN Việt Nam đánh giá cao kinh nghiệm KTMT của các chuyên gia BPK - Ảnh: N.Quỳnh

Phạm vi kiểm toán của BPK bao gồm công tác quản lý và trách nhiệm đối với: các khoản thu, chi của Chính phủ T.Ư, chính quyền địa phương, các DNNN, các DN thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương và những đơn vị, tổ chức sử dụng vốn, tài sản của quốc gia; toàn bộ tài sản của Nhà nước (tiền, thiết bị, các khoản phải thu và các quyền của Nhà nước); tất cả các chính sách về tài chính, ngân sách, tiền tệ và những ảnh hưởng của chúng đối với nền kinh tế; các loại hình tài chính khác do Chính phủ, chính quyền địa phương và những đơn vị, tổ chức khác có nhiệm vụ quản lý tài sản, nguồn vốn nhà nước.

BPK thực hiện 3 loại hình kiểm toán: kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán theo mục đích đặc biệt. Với lịch sử 71 năm thành lập và phát triển, BPK đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm kiểm toán các lĩnh vực. Đặc biệt, hiện nay, KTMT được các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới đánh giá là thế mạnh của BPK.

Phát huy thế mạnh về kiểm toán môi trường

Sớm nhận thức được tầm quan trọng của KTMT, năm 1992, BPK là một trong những thành viên tham gia sáng lập Nhóm công tác về KTMT thuộc Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI WGEA) nhằm hỗ trợ các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong việc thực hiện các cuộc kiểm toán liên quan đến môi trường; hỗ trợ việc trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán, xây dựng các hướng dẫn, cẩm nang sử dụng trong KTMT và thực hiện kiểm toán các vấn đề môi trường có tính chất khu vực và toàn cầu. BPK giữ vai trò Chủ tịch INTOSAI WGEA từ năm 2014 đến nay, đây cũng là cơ quan kiểm toán tối cao thuộc khu vực châu Á đầu tiên đảm nhận vai trò này.

Trong khuôn khổ hoạt động của ASOSAI WGEA, thể hiện vai trò thành viên tích cực, BPK đã chủ động giới thiệu và thúc đẩy việc chia sẻ, áp dụng kiến thức, hướng dẫn, chuẩn mực KTMT của INTOSAI vào hoạt động KTMT trong cộng đồng ASOSAI.

Để tăng cường năng lực cho các SAI thành viên INTOSAI và ASOSAI, ngoài việc xây dựng các tài liệu tham khảo mang tính định hướng (Hướng dẫn Kiểm toán rừng), chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn áp dụng vào hoạt động kiểm toán thông qua các hội nghị, hội thảo và các khóa đào tạo (Khoá đào tạo về kiểm toán rừng tổ chức hằng năm cho tất cả các SAI thành viên INTOSAI), BPK còn gửi các chuyên gia có kinh nghiệm đến đào tạo tại các SAI có nhu cầu. Chẳng hạn, các chuyên gia của BPK đã tham gia giảng dạy tại Khoá đào tạo về KTMT cho KTNN Việt Nam năm 2016 và 2017.

Năm 2017, BPK đã mời 2 kiểm toán viên của KTNN Việt Nam tham gia trực tiếp vào giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán đối với cuộc kiểm toán hoạt động liên quan đến vấn đề môi trường (Cuộc kiểm toán về Quản lý thuốc) nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hướng dẫn các kiểm toán viên của KTNN thực hiện kiểm toán hoạt động đối với một cuộc kiểm toán cụ thể. Theo đó, các kiểm toán viên đã được làm việc trực tiếp với các tài liệu thực tế của giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán như: chương trình kiểm toán, ma trận logic kiểm toán, xác định trọng tâm kiểm toán... Qua đó, các kiểm toán viên của KTNN Việt Nam có cơ hội hiểu rõ hơn về thực tiễn áp dụng lý thuyết và phương pháp kiểm toán hoạt động đối với một cuộc kiểm toán hoạt động liên quan đến lĩnh vực môi trường tại BPK.

Bên cạnh đó, BPK còn đẩy mạnh các hình thức hợp tác theo chiều sâu như: triển khai các cuộc kiểm toán hợp tác với các SAI khác nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn và đào tạo chuyên sâu về KTMT cho các SAI (cuộc kiểm toán song song về quản lý chất thải y tế, cuộc kiểm toán về quản lý thiên tai, quản lý chất thải với Pakistan...).

Với vai trò là Chủ tịch INTOSAI WGEA và thế mạnh về KTMT, BPK luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc hỗ trợ tăng cường năng lực về KTMT cho các SAI để có thể sẵn sàng thực hiện các cuộc KTMT đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đã đưa ra.
NGUYỄN THỊ NGUYỆT ANH - Vụ Hợp tác quốc tế, KTNN
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 16-8-2018
Cùng chuyên mục
KTNN Indonesia: Đóng góp tích cực cho hoạt động kiểm toán môi trường của khu vực và quốc tế