Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán ngân sách địa phương

(BKTO) - Trên cơ sở đánh giá rõ thực trạng, những thuận lợi, khó khăn trong công tác kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP), tại Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán và các phát hiện kiểm toán trong kiểm toán thu, chi NSNN đối với kiểm toán ngân sách địa phương” diễn ra mới đây, các ý kiến thống nhất cho rằng, việc đổi mới và nâng cao chất lượng tất cả các khâu trong quy trình kiểm toán NSĐP đang là yêu cầu cấp thiết.




Đổi mới và nâng cao chất lượng kiểm toán NSĐP đang là yêu cầu cấp thiết. Ảnh: M.Thúy

Đổi mới từ công táclập kế hoạch kiểm toán

NSĐP là nội dung quan trọng trong kế hoạch kiểm toán (KHKT) hằng năm của KTNN. Kết quả kiểm toán NSĐP có tác động tích cực đến việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại các địa phương, phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành NSNN, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Kết quả kiểm toán NSĐP góp phần quan trọng trong báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN, kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN, nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính, ngân sách, kiến nghi ̣với các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài chính, ngân sách.

Từ những kết quả đạt được cũng như những vướng mắc qua thực tế kiểm toán, tại Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán NSĐP. Theo đó, phải đổi mới và nâng cao chất lượng tất cả các khâu trong quy trình kiểm toán, đặc biệt là khâu KHKT năm và xác định danh mục đầu mối kiểm toán năm. Trong đó, phải đổi mới từ khâu khảo sát thu thập thông tin, phân tích thông tin để lập kế hoạch, sớm xác định đầu mối kiểm toán cụ thể; thiết lập cơ sở dữ liệu các đầu mối và đơn vị kiểm toán phục vụ công tác lập KHKT.

         
Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Huỳnh Hữu Thọ: Để đạt được sự thống nhất trong việc đưa ra kiến nghị xử lý tài chính giữa các đơn vị kiểm toán, Vụ Tổng hợp cần nghiên cứu những văn bản mới để có thông báo và hướng dẫn cho các đơn vị trong Ngành. Trước mắt, sau mỗi đợt thẩm định các báo cáo kiểm toán, thông qua những ý kiến về kiến nghị của các đoàn kiểm toán, cần đúc kết những vấn đề quan trọng và trình lãnh đạo KTNN có thông báo cụ thể đến các đơn vị liên quan trong Ngành. Đối với việc xây dựng KHKT năm dựa trên phương pháp kiểm toán tiếp cận trọng yếu rủi ro, các Vụ tham mưu cần phối hợp nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo KTNN để có hướng dẫn cụ thể hơn.
Chỉ ra những bất cập trong công tác lập KHKT, ông Phạm Hồng Thái - Phó Trưởng phòng NSĐP, Vụ Tổng hợp - cho rằng, các đơn vị cần dành thời gian thỏa đáng cho công tác xây dựng KHKT, trong đó tăng thời gian khảo sát, thu thập thông tin; phân tích, đánh giá lựa chọn vấn đề; xác định trọng yếu, rủi ro kiểm toán; xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán. Trên cơ sở đó, các đơn vị cần chú trọng phân tích thông tin để xác định những nội dung, khoản mục trọng yếu cần kiểm tra, đối chiếu và sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp với nội dung, khoản mục trọng yếu đã xác định. “Thực tế cho thấy, một số đoàn kiểm toán sau khi xây dựng, hoàn thiện xong KHKT tổng quát thì đã định hình được một số kết quả kiểm toán chủ yếu. Từ đó, công tác triển khai kiểm toán chỉ là bước để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán, tình hình thực tế của đơn vị để có đánh giá nhận xét trung thực, khách quan” - ông Thái chia sẻ.

Theo Phó Trưởng phòng Kiểm toán đầu tư dự án, KTNN khu vực VII Hoàng Liên Sơn, cùng với việc bố trí nhân sự khảo sát, lập KHKT là những người có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn sâu, quá trình khảo sát lập KHKT để lựa chọn đầu mối kiểm toán và danh mục kiểm toán NSĐP hằng năm cần áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Sau mỗi cuộc kiểm toán cần có đánh giá để so sánh phương pháp này ở ba thời điểm (khảo sát lập KHKT năm, khảo sát lập KHKT của cuộc kiểm toán, Báo cáo kiểm toán phát hành) để đánh giá cụ thể việc áp dụng phương pháp đã đánh giá được đúng, trúng vào các nội dung trọng yếu, rủi ro giữa các lần khảo sát so với thực tế kết quả kiểm toán phát hành. Đồng thời, qua mỗi cuộc khảo sát, kiểm toán cần tổng hợp, rút kinh nghiệm và phổ biến kiến thức, hoặc những phát kiến mới về nội dung này cho kiểm toán viên…

Vận dụng sáng tạocác phương pháp kiểm toán

Cùng với việc chủ động và đổi mới trong khâu xây dựng KHKT, các ý kiến tại Tọa đàm cho rằng, để nâng cao chất lượng kiểm toán, cần đổi mới và vận dụng sáng tạo các phương pháp kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán. Trong đó, cần tăng cường kiểm toán tổng hợp và kết hợp một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt giữa kiểm toán tổng hợp và kiểm toán chi tiết.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, Phó Trưởng phòng Kiểm toán doanh nghiệp, KTNN khu vực I Đỗ Tiến Dũng cho biết, trong quá trình kiểm toán tổng hợp, cần có sự kết hợp hài hòa giữa kiểm toán chi tiết, kiểm tra đối chiếu và kiểm toán tổng hợp; từ phát hiện qua kiểm toán chi tiết có thể tiến hành mở rộng mẫu và kiểm toán tổng hợp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong quá trình kiểm toán, không nên dành nhiều thời gian cho công tác kiểm tra đối chiếu mà cần chú trọng kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá công tác quản lý điều hành ngân sách của đơn vị, địa phương.

Đề cập đến vấn đề thu thập bằng chứng trong kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản tại cuộc kiểm toán NSĐP, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán Vũ Duy Bắc chia sẻ, việc đánh giá tính thích hợp, đầy đủ của bằng chứng kiểm toán cần được quan tâm thực hiện triệt để, nhất là đối với những nội dung đơn vị được kiểm toán chưa thống nhất kết quả kiểm toán. Đối với những nội dung này, kiểm toán viên cần tiến hành các thủ tục kiểm toán bổ sung nhằm thu thập thêm những bằng chứng đáng tin cậy tránh trường hợp khi phát hành Báo cáo kiểm toán mới nhận được thêm hồ sơ, tài liệu và phải điều chỉnh kết quả kiểm toán hoặc trả lời kiến nghị, khiếu nại của đơn vị được kiểm toán.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh việc kiểm toán viên cần nắm chắc, nắm vững các văn bản pháp luật để áp dụng cho đúng, khả thi nhằm đảm bảo tính pháp lý của các bằng chứng kiểm toán để tránh rủi ro. Theo ông Dương Minh Tuấn - Trưởng phòng Thẩm định 1, Vụ Pháp chế, các đơn vị cần hệ thống hóa được các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, văn bản quản lý điều hành liên quan đến lĩnh vực thu ngân sách. Đồng thời, cập nhật hệ thống các văn bản theo lĩnh vực kiểm toán thu, các quy trình quản lý thuế, công tác quản lý thu phí, lệ phí, công tác thu liên quan đến đất đai cũng như các khoản thu khác…Đối với những vấn đề chưa thống nhất cần được đưa ra thảo luận và xử lý triệt để, hạn chế tâm lý bảo thủ, thực hiện theo ý kiến chủ quan của kiểm toán viên khi đưa ra các nhận xét, kiến nghị.
         
Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực III Lê Văn Tám: Để có bằng chứng kiểm toán đảm bảo tính pháp lý, tránh xảy ra vướng mắc, khiếu kiện của đơn vị được kiểm toán thì trách nhiệm của trưởng đoàn và tổ trưởng tổ kiểm toán là rất lớn. Vì vậy, trước khi thông báo kết quả kiểm toán với đơn vị được kiểm toán, trưởng đoàn phải đề nghị tổ kiểm toán cung cấp đầy đủ các bằng chứng kiểm toán. Những nội dung kiến nghị nào mà kiểm toán viên chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể, đầy đủ thì trưởng đoàn kiểm toán cần kiên quyết không đưa vào kết luận kiểm toán.
HỒNG - HÒA
Cùng chuyên mục
Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán ngân sách địa phương