Kiến nghị kiểm toán phải dựa trên bằng chứng và căn cứ pháp lý đầy đủ

(BKTO) - Đây là chia sẻ của Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia Đào Văn Dũng xung quanh vấn đề thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Kiểm toán nhân dịp đầu Xuân mới 2021.




KTNN chuyên ngành Ia là đơn vị tiêu biểu trong toàn Ngành về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.Ảnh: H.Thành

♦Thưa ông, năm 2020, KTNN chuyên ngành Ia được Tổng Kiểm toán Nhà nước đánh giá là đơn vị tiêu biểu trong toàn Ngành về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về kết quả này?

- Những năm gần đây, KTNN chuyên ngành Ia có kiến nghị xử lý tài chính lớn và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán khá cao so với các đơn vị trong Ngành. Số kiến nghị xử lý tài chính đối với các đơn vị đã thực hiện kiểm toán từ năm 2015-2020 đạt 91%, trong đó, năm 2019 (đối với kết quả kiểm toán năm 2018) đạt 96,52% và năm 2020 (đối với kết quả kiểm toán năm 2019) đạt 94,82%. Đây là một trong những thành tích nổi bật của KTNN chuyên ngành Ia qua các năm.

Để đạt được thành tích nổi bật trên, những năm gần đây, KTNN chuyên ngành Ia đã triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán trên cơ sở áp dụng các chuẩn mực kiểm toán, các văn bản chỉ đạo điều hành của Tổng Kiểm toán Nhà nước và lãnh đạo đơn vị. KTNN chuyên ngành Ia xác định rõ, đào tạo bồi dưỡng công chức là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả mọi hoạt động của đơn vị, đặc biệt là hoạt động kiểm toán. Bởi vậy, chúng tôi đã thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho toàn thể công chức, kiểm toán viên (KTV) trong đơn vị.

Cùng với đó, KTNN chuyên ngành Ia luôn đảm bảo sự chỉ đạo thường xuyên, xuyên suốt của người đứng đầu đơn vị đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Trong đó, lãnh đạo đơn vị quán triệt việc nêu cao vai trò, trách nhiệm của trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán và từng thành viên đoàn kiểm toán trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong quá trình thực hiện kiểm toán, lập báo cáo kiểm toán (BCKT) và tổ chức theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán thông qua công tác kiểm soát chất lượng trực tiếp của tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán, lãnh đạo đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, đảm bảo kết luận, kiến nghị kiểm toán đầy đủ cơ sở, bằng chứng và phù hợp với thực tiễn, đạt được sự thống nhất cao từ các đơn vị được kiểm toán.

Thêm vào đó, KTNN chuyên ngành Ia cũng luôn lắng nghe và nghiên cứu thấu đáo ý kiến phản hồi của các đơn vị được kiểm toán, các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành của Tổng Kiểm toán Nhà nước và ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán để có kết luận, kiến nghị phù hợp, đúng quy định. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng để đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị được kiểm toán tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán.

♦Thời gian tới, đơn vị sẽ có phương hướng, giải pháp như thế nào để việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đạt kết quả tốt hơn, thưa ông?

- Thời gian tới, KTNN chuyên ngành Ia sẽ tiếp tục duy trì và giữ vững những thành tích, ưu điểm đã đạt được trên cơ sở:
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán đến lập, phát hành BCKT và tổ chức theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, KTV và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển đơn vị. Trong đó, thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin, nhất là những vấn đề liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán cho công chức, KTV trong đơn vị; triển khai, ứng dụng thành thạo các phần mềm đã được Ngành trang bị.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán; nâng cao trách nhiệm của trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán và các thành viên tổ kiểm toán trong thực thi nhiệm vụ. Duy trì và xây dựng mối quan hệ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng ngày càng chặt chẽ, linh hoạt để đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị được kiểm toán tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

♦Từ kinh nghiệm thực tiễn của KTNN chuyên ngành Ia, ông có thể chia sẻ một số bài học về vấn đề này để các đơn vị khác trong Ngành có thể học hỏi và áp dụng?

- Những kết quả đạt được của đơn vị trong thời gian qua cho thấy, trước hết, cần củng cố bằng chứng kiểm toán, căn cứ pháp lý của các nội dung kết luận, kiến nghị kiểm toán ngay từ tổ, đoàn kiểm toán để đảm bảo các nội dung kết luận, kiến nghị kiểm toán của đoàn kiểm toán khi đã được phản ánh trong BCKT cơ bản đầy đủ bằng chứng kiểm toán, phù hợp quy định của pháp luật và được sự đồng thuận cao của đơn vị được kiểm toán.

Song song với đó, xử lý các tình huống phát sinh qua kết quả kiểm toán theo hướng: Những nội dung kết luận kiểm toán có đầy đủ bằng chứng kiểm toán, căn cứ pháp lý mới đưa vào kiến nghị xử lý tài chính; những nội dung kiểm toán còn vướng mắc về cơ chế, thực tiễn thì cần nghiên cứu, trao đổi sâu rộng trong tập thể đoàn kiểm toán, lãnh đạo đơn vị, tham khảo ý kiến của các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành của Tổng Kiểm toán Nhà nước, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước để đưa ra kiến nghị phù hợp, hạn chế rủi ro cho KTV, đoàn kiểm toán nhưng vẫn đảm bảo tính khả thi và sự đồng thuận của đơn vị được kiểm toán đối với kiến nghị của đoàn kiểm toán.

♦Xin trân trọng cảm ơn ông!
HỒNG NHUNG (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Kiến nghị kiểm toán phải dựa trên bằng chứng và căn cứ pháp lý đầy đủ