Kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Kỳ cuối Kiến nghị hoàn thiện chính sách, xử lý dứt điểm những vấn đề còn bất cập

(BKTO) - Qua kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), KTNN đã kiến nghị Tập đoàn báo cáo Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét sửa đổi các quy định để khắc phục một số bất cập liên quan đến thị trường phát điện cạnh tranh, biểu giá bán điện; kiến nghị EVN báo cáo Bộ Tài chính để có những hướng dẫn cụ thể đối với EVN nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý tài chính, kế toán.




KTNN kiểm toán một đơn vị trực thuộc EVN. Ảnh: Ngọc Bích

Điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế

Về thị trường phát điện cạnh tranh, qua kiểm toán cho thấy giá hợp đồng của một số nhà máy thủy điện cũ đã hết “đời sống kinh tế”. Đó là các nhà máy thủy điện được cổ phần hóa nhiều năm trước (Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Thác Mơ, Vĩnh Sơn - Sông Hinh) giá hợp đồng ở mức thấp so với mặt bằng thị trường hiện nay nên khi áp dụng cơ chế thanh toán theo giá thị trường của hợp đồng sai khác, các nhà máy này được hưởng lợi hơn các nhà máy có giá hợp đồng cao hơn giá thị trường.

KTNN cũng chỉ ra sản lượng hợp đồng được xác định từ đầu năm theo dự báo nhu cầu phụ tải và tình hình thủy văn mà chưa có cơ chế điều chỉnh theo biến động thực tế, dẫn đến khi thủy văn thuận lợi hơn so với dự báo thì thị trường điện vừa phải thanh toán cho các nhà máy thủy điện sản lượng điện phát tăng thêm so với sản lượng hợp đồng, đồng thời vẫn phải thanh toán cho các nhà máy nhiệt điện phần sản lượng thiếu hụt so với sản lượng hợp đồng theo hợp đồng sai khác làm tăng chi phí mua bình quân cho mỗi kWh điện.

Do đó, KTNN kiến nghị Bộ Công Thương cần xem xét bổ sung quy định về phương thức thanh toán theo giá thị trường và theo giá hợp đồng đối với các nhà máy đã hết “đời sống kinh tế”, tạo sự bình đẳng giữa các nhà máy tham gia thị trường. Đồng thời xem xét quy định về điều chỉnh sản lượng hợp đồng năm các nhà máy thủy điện khi có yếu tố thời tiết diễn biến bất thường, cũng như nhu cầu phụ tải thực tế khác so với kế hoạch được lập.

Về biểu giá bán điện, KTNN cũng chỉ ra một số bất cập cần được nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung. Chẳng hạn, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện ban hành theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa có quy định về tính giá điện ở cấp siêu cao áp trong lưới phân phối, chưa có sự điều chỉnh giá bán điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ việc áp dụng giá bán lẻ điện cho kinh doanh xuống ngang bằng giá bán lẻ điện cho sản xuất theo Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ.

Việc thực hiện các Nghị quyết này làm cho các cơ sở lưu trú du lịch đang áp dụng giá bán điện cho khối kinh doanh chuyển sang áp dụng giá bán điện cho sản xuất (chiếm khoảng 1,35% sản lượng điện thương phẩm), dẫn đến doanh thu bán điện sử dụng vào kinh doanh dịch vụ giảm tương ứng với sản lượng điện bán cho các cơ sở lưu trú du lịch, ảnh hưởng đến giá bán điện cho các nhóm đối tượng khách hàng theo mức giá bán lẻ điện bình quân.

Trước bất cập này, KTNN kiến nghị Bộ Công Thương cần nghiên cứu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quy định về tính giá điện ở cấp siêu cao áp trong lưới phân phối, cũng như quy định điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch.

Cần có hướng dẫn xử lýnhững vấn đề bất cập

Bên cạnh đó, theo KTNN, việc thực hiện mua điện theo cơ chế Biểu giá chi phí tránh được có một số vấn đề cần được nghiên cứu sửa đổi. Cụ thể, Thông tư số 32/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định cho phép xác định lại suất đầu tư khi tính giá công suất của từng năm ban hành biểu giá phí tránh được, có nghĩa dù nhà máy thủy điện nhỏ đi vào vận hành từ lâu nhưng khi xây dựng lại biểu giá chi phí tránh được vẫn phải được tính theo giá công suất như một nhà máy mới xây dựng. Trong khi các nhà máy điện khác (lớn hơn 30MW) ký hợp đồng mua bán điện với EVN theo Thông tư số 41/2010/TT-BCT và Thông tư số 56/2014/TT-BCT chỉ được hưởng giá công suất tính toán tại thời điểm đàm phán giá và giữ ổn định trong những năm tiếp theo. Hoặc như chi phí vận hành và bảo dưỡng trong cấu trúc giá công suất tránh được được tính theo ngoại tệ và quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm ban hành biểu giá dẫn đến chi phí vận hành và bảo dưỡng tăng thêm phần biến động của chênh lệch tỷ giá là không phù hợp, do chủ yếu các chi phí này thực tế phát sinh trong nước, không có yếu tố nước ngoài.

Trong quản lý tài chính, kế toán, năm 2016-2017, các Tổng công ty Phát điện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và các công ty cổ phần phát điện do các tổng công ty phát điện chiếm cổ phần chi phối phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá theo một số văn bản của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo các văn bản này có sự khác biệt với quy định tại khoản 2, Điều 69 Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Nếu thực hiện phân bổ hết các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá còn treo lại tại Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) và EVNNPT thì lợi nhuận trước thuế của hai đơn vị này giảm tương ứng là 1.350 tỷ đồng và 1.940 tỷ đồng.

Đối với khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phát sinh năm 2013, 2014 là 91,4 tỷ đồng đang phản ánh tại khoản mục “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước”, KTNN kiến nghị EVN báo cáo Bộ Tài chính để có hướng dẫn xử lý.

EVN cũng cần báo cáo Bộ Tài chính để có hướng dẫn đối với khoản chi phí mua điện của các Tổng công ty Điện lực ghi nhận theo đặc thù của ngành điện được quy định tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC; hướng dẫn việc ghi nhận chi phí, giá vốn tại các Tổng công ty Điện lực đảm bảo nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 01, phù hợp với việc ghi nhận doanh thu bán theo hướng dẫn tại điểm k, khoản 3, Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014.

Qua kiểm toán, KTNN phát hiện EVN đang tồn tại một số hợp đồng vay nước ngoài nhận nợ theo nguyên tệ là SDR - một dạng tài sản/quyền rút vốn đặc biệt được tạo ra bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và được quy đổi sang đồng USD theo tỷ giá của IMF - nhưng thực hiện đánh giá lại nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2017 theo tỷ giá USD/VNĐ là chưa phản ánh chính xác nghĩa vụ nợ phải trả của EVN. Ngoài ra, đối với các khoản vay nước ngoài chưa được xác định rõ về nguyên tệ nợ nhận là USD hay SDR. Do đó, KTNN kiến nghị Bộ Tài chính cần tiếp tục có ý kiến về đồng tiền nhận nợ khoản vay theo HĐ4711-VN cho Dự án DPL1 tại Văn bản số 2562/EVN-TCKT ngày 28/5/2018 của EVN.

Cùng với đó, KTNN kiến nghị EVN phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn ngoài NSNN sang EVN quản lý.

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 29-8-2019
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Kỳ cuối Kiến nghị hoàn thiện chính sách, xử lý dứt điểm những vấn đề còn bất cập