Kiểm toán Nhà nước với hoạt động nghị trường - Dấu ấn một nhiệm kỳ

(BKTO) - Với nỗ lực và quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là công cụ trọng yếu của Đảng, Nhà nước về kiểm soát, quản lý tài chính công, tài sản công, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, KTNN đã để lại những dấu ấn đậm nét, với những đóng góp tích cực, hiệu quả vào hoạt động của Quốc hội, từ công tác lập pháp, giám sát cũng như quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước.




Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN trước Quốc hội

Từ “tiếng vang”tại nghị trường…

Có thể thấy rằng, ngành KTNN bước vào nhiệm kỳ 2016-2021 với một tâm thế rất đặc biệt: Địa vị pháp lý của KTNN đã được Hiến định, Luật KTNN được sửa đổi và bắt đầu có hiệu lực; Tổng Kiểm toán Nhà nước đồng thời là đại biểu Quốc hội… Một đại biểu Quốc hội đã nhận xét, đây là thời điểm mà KTNN có đầy đủ những điều kiện, vị thế tốt nhất để hoạt động. Thực tế chứng minh, đó chính là những tiền đề quan trọng để KTNN không ngừng nỗ lực khẳng định tiếng nói của mình, đóng góp ngày càng tích cực, hiệu quả cho công tác quản lý tài chính công, tài sản công nói chung, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát kinh tế, tài chính của đất nước.

Năm 2016, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN trước Quốc hội theo quy định của Luật KTNN. Báo cáo đã giúp cho Quốc hội và cử tri cả nước thấy rõ được “bức tranh” tổng thể về tình hình thu, chi ngân khố quốc gia. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng nhận xét: Báo cáo của KTNN đã tạo được tiếng vang lớn trong sinh hoạt nghị trường; tạo một “sang chấn” trong tâm lý, trong trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và được các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao.

Hằng năm, ngoài việc báo cáo Quốc hội về kết quả kiểm toán quyết toán NSNN và tổng hợp kết quả kiểm toán năm trước; KTNN đã tham gia ý kiến bằng văn bản với Quốc hội về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách T.Ư hằng năm. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, KTNN đã in 7 ấn phẩm, chuyên đề gửi các đại biểu Quốc hội làm tài liệu phục vụ các kỳ họp Quốc hội khóa XIV. Các thông tin, số liệu báo cáo của KTNN đã trở thành nguồn tài liệu tin cậy, hữu ích để các đại biểu Quốc hội sử dụng trong thảo luận, chất vấn đến cùng trách nhiệm của các tư lệnh ngành hay trong quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước.

Chỉ ra những “vết nhám” của nền kinh tế với những dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng, là sự thiếu minh bạch trong cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN gây thất thoát tài sản nhà nước, tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán.... “Qua nghiên cứu báo cáo của KTNN, tôi thấy, nếu không cho KTNN vào kiểm toán toàn bộ quá trình thu thuế, thu phí, lệ phí thì đất nước này sẽ thất thoát nhiều tài sản” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu. Hay từ sự vào cuộc của KTNN trong kiểm toán các dự án BOT, phát biểu trước nghị trường, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) đã chuyển lời của cử tri gửi đến để cảm ơn KTNN. Bởi “Nếu KTNN không vào cuộc thì đã không giảm được gần 100 năm thu phí đối với hơn 20 dự án BOT”. Đó là những minh chứng sinh động cho thấy đóng góp tích cực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán nhà nước.

Trong nhiệm kỳ, công tác phối hợp giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội, HĐND, các Bộ, ngành, cơ quan T.Ư ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. KTNN đã cung cấp thông tin, số liệu, kết quả kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, HĐND phục vụ công tác thẩm tra, xem xét các vấn đề theo chức năng được giao. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng, các kết luận của KTNN có căn cứ, đáng tin cậy do được hình thành trên cơ sở các phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ, với các bằng chứng của kế toán đã được đánh giá, được tiến hành độc lập, trên nguyên tắc trung thực, khách quan và tuân thủ pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội, HĐND chỉ có thể thực hiện tốt chức năng và bảo đảm được thực quyền trong các quyết định dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách, phê chuẩn quyết toán và giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của HĐND về tài chính, ngân sách khi nhận được sự trợ giúp đắc lực của cơ quan chuyên môn như KTNN.

…Đến gửi gắm niềm tin,kỳ vọng

Đối với công tác giám sát, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã ghi dấu ấn với nhiều chuyên đề giám sát tập trung vào những vấn đề “nóng bỏng”, bức xúc trong xã hội như: việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); việc quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa DNNN; việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị… Bám sát chương trình hoạt động của Quốc hội, trong nhiệm kỳ, KTNN đã triển khai kiểm toán các chủ đề trên với nhiều chuyên đề kiểm toán trên phạm vi rộng, nhằm phục vụ đắc lực cho hoạt động giám sát của Quốc hội. Là thành viên Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đánh giá, báo cáo của KTNN đã cung cấp cho Đoàn giám sát rất nhiều thông tin quý báu. Trong bối cảnh các đoàn giám sát của Quốc hội khi đi giám sát chủ yếu là nghe báo cáo từ đối tượng được giám sát, không có điều kiện để xem xét cụ thể tất cả các vấn đề thì các thông tin từ kết quả kiểm toán của KTNN cung cấp cho Đoàn giám sát sẽ là minh chứng rất cụ thể cho những nhận định, kết luận giám sát.
Bên cạnh những đóng góp hiệu quả đối với hoạt động giám sát, xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, trong dấu ấn lập pháp của Quốc hội khóa XIV cũng có những đóng góp không nhỏ của KTNN. Theo đó, KTNN đã tích cực tham gia với các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội trong việc xây dựng và thẩm tra các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Quản lý Thuế (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); Luật Bảo vệ môi trường... Các phiên họp Quốc hội đã chứng kiến nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề về vai trò của KTNN trong kiểm toán công tác quản lý thuế, trong kiểm toán các dự án PPP hay kiểm toán công tác bảo vệ môi trường. Bằng những phân tích, lập luận sắc sảo dựa trên Hiến pháp và pháp luật cũng như những minh chứng từ kết quả kiểm toán, KTNN đã thể hiện rõ quan điểm của mình với những kiến nghị đề xuất thiết thực, xác đáng và được các đại biểu Quốc hội đồng tình, ủng hộ; được cơ quan soạn thảo tiếp thu và cụ thể hóa trong các dự án Luật trình Quốc hội thông qua.

Đóng góp tích cực vào công tác lập pháp, nhiệm kỳ qua, KTNN cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN, trong đó nổi bật là việc Quốc hội đã thảo luận và thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN với nhiều điểm mới nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế từ thực tiễn hoạt động kiểm toán. Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu lực hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho KTNN hoạch định các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm, khắc phục những bất cập và hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Sự ủng hộ, đồng thuận của các đại biểu Quốc hội đã góp phần thể chế hóa, khẳng định vai trò của KTNN theo tinh thần Hiến pháp; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho KTNN trong thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Đồng thời, qua đó cũng gửi gắm sự tin tưởng, kỳ vọng của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội vào hoạt động của KTNN với những đóng góp ngày càng hiệu quả hơn vào công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

NGUYỄN HỒNG
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Nhà nước với hoạt động nghị trường - Dấu ấn một nhiệm kỳ