Kiểm toán Nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước

(BKTO) - Hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập KTNN, sáng nay- 6/6, tại Hà Nội, KTNN tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Kiểm toán Nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước”.




Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Hồng Hòa
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt- Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Trương Xuân Cừ- Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Nguyễn Duy Thăng- Thứ tưởng Bộ Nội Vụ; Bùi Đặng Dũng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội; Phan Văn Anh- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Nghệ An, Ninh Bình, Hải Dương, Hà Giang, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Cạn.

Về phía KTNN, tham dự Hội thảo có: nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước Đỗ Bình Dương, Nguyễn Hữu Vạn; các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Vũ Văn Họa; cùng công chức, viên chức của các đơn vị trực thuộc KTNN.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các tập đoàn, tổng công ty; ngân hàng; các hiệp hội; các công ty kiểm toán; các viện nghiên cứu, các trường đại học; các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài ngành cùng đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí.

Hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Bùi Đặng Dũng và Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa.

Ban điều hành Hội thảo - Ảnh: Hồng Hòa

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nêu rõ: KTNN được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ với chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội có sử dụng kinh phí do NSNN cấp.

Trong suốt tiến trình phát triển, KTNN luôn nỗ lực hết mình, góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính công, tài sản công, giúp Quốc hội thực hiện giám sát và giúp Chính phủ quản lý điều hành chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực quốc gia. Đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần minh bạch, an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia trong tiến trình đổi mới và hội nhập đất nước.

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã từng bước hoàn thiện và phát triển cả về khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy, nội dung và chất lượng hoạt động.

Về địa vị pháp lý, thời kỳ đầu thành lập, KTNN là cơ quan thuộc Chính phủ, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 70/CP và Quyết định số 61/TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện kiểm toán theo chương trình, kế hoạch kiểm toán do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, KTNN là một thể chế được hiến định. Hiến pháp khẳng định: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Tổ chức và hoạt động của KTNN đã được quy định cụ thể trong Luật KTNN; hoạt động chuyên môn nghiệp vụ được triển khai theo khuôn khổ nghề nghiệp đồng bộ và toàn diện gồm Hệ thống 39 chuẩn mực KTNN, các quy trình kiểm toán theo từng lĩnh vực và nhiều văn bản quy chế, quy định khác của KTNN.

Về tổ chức bộ máy, nhân sự, những ngày đầu mới thành lập KTNN gồm có 5 đơn vị trực thuộc và chỉ vài chục cán bộ từ các Bộ, ngành và địa phương điều động về. Đến nay, KTNN đã có 32 đơn vị cấp vụ gồm 8 đơn vị khối tham mưu, 8 KTNN chuyên ngành, 13 KTNN khu vực, 3 đơn vị sự nghiệp với tổng số nhân sự khoảng 2.067 người, trong đó đội ngũ kiểm toán viên là 1.606 người, chiếm gần 80%. Cơ cấu đội ngũ công chức được hoàn thiện theo các lĩnh vực nghề nghiệp và ngạch bậc, chất lượng đội ngũ không ngừng tăng lên cả về trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.

Chức năng, nhiệm vụ của KTNN cũng được mở rộng về phạm vi, đối tượng. Hiến pháp quy định KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đã mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm toán nhiều hơn so thời kỳ đầu mới thành lập là kiểm toán các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Hồng Hòa

Về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tính độc lập đã được ghi nhận trong Hiến pháp, KTNN đã tích cực nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán một cách toàn diện. Số lượng các cuộc kiểm toán đã được tăng lên qua từng năm, hoạt động kiểm toán của KTNN ngày một chuẩn mực hóa và chuyên nghiệp. Hiệu quả, hiệu lực kiểm toán cũng từng bước được tăng cường, chất lượng kiểm toán ngày càng nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn quản lý. KTNN ngày càng phát huy tốt hơn vai trò của mình là công cụ của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, lãng phí- Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên khẳng định.

Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, những kiến nghị của KTNN ngày càng đa dạng, phong phú, sắc sảo và có chất lượng hơn, được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương sử dụng ngày càng nhiều trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật và chính sách về kinh tế- xã hội; các đơn vị được kiểm toán sử dụng để khắc phục những yếu kém, bất cập trong quản lý.

Kể từ khi thành lập đến hết năm 2018, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 414.145 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế, bịt các lỗ hổng về chính sách, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

KTNN cũng không ngừng thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác với cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) của các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, năm 2018 đánh dấu uy tín và sự phát triển lớn mạnh của KTNN Việt Nam trong cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, khi KTNN Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 và Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được Đại hội bầu giữ cương vị Chủ tịch ASOSAI.

Ý thức được trách nhiệm, sứ mệnh của KTNN là một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN đã không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động kiểm toán, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực hoạt động kiểm toán. Sau 25 năm hoạt động, sự trưởng thành của KTNN luôn gắn liền và đồng hành với sự phát triển của đất nước.

Kết quả kiểm toán đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động quản lý kinh tế tài chính; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình tài chính quốc gia; và góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán.

Khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được của KTNN trong 25 năm qua là toàn diện, quan trọng và rất căn bản song Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cũng chỉ ra những bất cập và hạn chế trong tổ chức và hoạt động KTNN.

Cụ thể là, khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa thật sự hoàn thiện. Quy mô kiểm toán mặc dù đã được mở rộng song vẫn chưa tương xứng với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính, tài sản công. Chất lượng và hiệu lực kiểm toán còn khoảng cách không nhỏ so với yêu cầu. Bên cạnh đó, việc giải quyết mối quan hệ giữa mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng kiểm toán và yêu cầu giữ gìn đạo đức, phẩm chất cán bộ, kiểm toán viên luôn là một thách thức lớn.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đề nghị, trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi làm sáng tỏ những kết quả, thành tựu đạt được trong 25 năm qua của KTNN và những vấn đề đặt ra đối với KTNN hiện nay.

“Chúng ta cùng nhìn nhận một cách khách quan và đưa ra những luận cứ cho việc xác định những chặng đường tiếp theo để xây dựng KTNN ngày càng phát triển, xứng tầm là một thiết chế hiến định độc lập, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chúng ta cũng trao đổi để tìm ra giải pháp cụ thể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nghề nghiệp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán để nâng cao hơn nữa vai trò của KTNN đối với công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”- Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.

Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội thảo.

HỒNG HÒA
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước