Kiểm toán Nhà nước khẳng định vai trò kiểm toán, giám sát quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(BKTO) -Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, chiều 25/3, các đại biểu Quốc đã thảo luận tại tổ về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của KTNN.



                
   

Các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 25/3 -Ảnh: Lâm Hiển

   

Đa phần các ý kiến đánh giá, KTNN đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ vừa qua. Theo đó, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán trên cơ sở thực hiện các giải pháp đột phá về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, không ngừng đổi mới phương pháp, cách thức kiểm toán.

Đặc biệt, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tăng cường đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng kiểm toán từ khâu khảo sát, xây dựng kế hoạch kiểm toán đến tổ chức, triển khai thực hiện kiểm toán, phát hành báo cáo kiểm toán và kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán.

Hoạt động của KTNN giai đoạn này đã đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, hoàn thiện thể chế của đất nước; góp phần làm lành mạnh và minh bạch nền tài chính công, nâng cao chất lượng quản trị tài chính quốc gia, quản trị KTNN.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao kết quả khá ấn tượng mà KTNN đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Nhờ những kết quả từ báo cáo của KTNN, nhiều vấn đề trong quản lý tài chính, tài sản công đã được tốt hơn. Nhiều hoạt động giám sát của Quốc hội, hoạt động thảo luận của Chính phủ về báo cáo tài chính hằng năm đều phải dựa trên các cơ sở thông tin trong báo cáo của KTNN. Nhiều vụ việc được đưa ra thảo luận ở hội trường rất sôi nổi, dựa trên bằng chứng, số liệu của KTNN cung cấp. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đưa ra những vấn đề liên quan đến thất thoát, yếu tố gây tham những trong lĩnh vực tài chính và tài sản công.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, KTNN cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đạt kết quả tốt hơn.

Đại biểu Bùi Đặng Dũng (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, KTNN cần làm rõ, khi phát hiện sai phạm, KTNN chủ động chuyển sang hay cơ quan điều tra đề nghị phối hợp mới chuyển sang, qua đó sẽ thấy được tính trách nhiệm, tính chiến đấu của các kiểm toán viên. Đối với những kết luận, kiến nghị kiểm toán trong thời gian dài không được triển khai thực hiện, KTNN cần quyết liệt hơn trong việc xử lý.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã có Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của KTNN. Theo đó, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách ghi nhận những kết quả đạt được của KTNN, đồng thời đề nghị KTNN tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ chính trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Cụ thể, KTNN cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp; tiếp tục kế thừa, phát huy các kết quả đạt được trong đổi mới phương pháp kiểm toán.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật KTNN; khắc phục những hạn chế đã nêu trong báo cáo của KTNN từ đó khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, là công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công./.

LÂM HIỂN
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Nhà nước khẳng định vai trò kiểm toán, giám sát quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công