Kiểm toán Nhà nước cần có quyền tiếp cận hệ thống thông tin điện tử của đơn vị được kiểm toán

(BKTO) - Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và Luật KTNN hiện hành, các chuyên gia khẳng định, việc bổ sung quy định về quyền truy cập dữ liệu điện tử để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 là phù hợp và cần thiết, nhằm tạo thuận lợi cho KTNN thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin đang được áp dụng rộng rãi tại các cơ quan, đơn vị.



Truy cập dữ liệu điện tửgiúp kiểm toán chính xácvà tiết kiệm thời gian

Tham luận tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức mới đây, PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng bộ môn Kiểm toán (Đại học Kinh tế Quốc dân) - nhấn mạnh, do phạm vi kiểm toán rộng, tính chất phức tạp của nội dung kiểm toán, yêu cầu về thời hạn hoàn thành và đưa ra ý kiến kết luận kiểm toán nên việc cung cấp thông tin và tài liệu đầy đủ, kịp thời, phù hợp của khách thể kiểm toán và bên liên quan có vai trò quan trọng với cơ quan KTNN, để KTNN kết luận xác đáng, kịp thời đáp ứng yêu cầu sử dụng của cơ quan lập pháp.


Truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị sẽ giúp công tác kiểm toán được chính xác và tiết kiệm thời gian - Ảnh: H.THÀNH

Bà Hoa phân tích, Điều 11 Luật KTNN năm 2015 quy định, KTNN có quyền: “Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán” (khoản 2); “Đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của KTNN hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho KTNN và Kiểm toán viên nhà nước” (khoản 6). Cùng với đó, khoản 2, Điều 42 Luật KTNN năm 2015 quy định: Thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước có quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán.

Về phía đơn vị được kiểm toán, khoản 3, Điều 57 Luật KTNN năm 2015 quy định đơn vị được kiểm toán có nghĩa vụ “Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp”.

Như vậy, trong Luật KTNN năm 2015, việc cung cấp thông tin và tài liệu theo hình thức phù hợp (trường hợp dữ liệu điện tử: kiểm toán viên cần truy cập file thông tin) là chưa được đề cập. Ngoài ra, nếu thông tin và tài liệu được cung cấp không kịp thời (chậm trễ) hay không đầy đủ, gây ảnh hưởng đến tiến độ kiểm toán thì KTNN cũng chưa có cơ sở rõ ràng để xử lý. Bên cạnh đó, quyền tiếp cận đối tượng kiểm toán ngoài chứng từ (như thực trạng các loại tài sản của khách thể kiểm toán, các cá nhân có liên quan…) để xác minh cũng chưa được quy định trong Điều 11 - bà Hoa nhận xét.

Lý giải về sự cần thiết của việc truy cập thông tin và tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử, bà Hoa cho rằng, trong bối cảnh công nghệ thông tin được áp dụng nhiều ở các đơn vị, dữ liệu lớn (Big Data), nếu thông tin được cung cấp dưới dạng bản in sẽ rất khó khăn để kiểm toán viên thực hiện kỹ thuật phân tích và kiểm tra chi tiết. Trong bối cảnh này, sử dụng phần mềm kiểm toán để phân tích, thẩm tra (scan) dữ liệu kế toán trong hệ thống thông tin sẽ nhanh chóng, chính xác và thuận tiện hơn rất nhiều, giúp KTNN tiết kiệm được thời gian và không bỏ sót các yếu tố bất thường cần kiểm tra chi tiết. Điều này có nghĩa KTNN cần có quyền tiếp cận hệ thống thông tin điện tử của khách thể kiểm toán.

Vận dụng kinh nghiệm quốc tế

Cùng đề cập vấn đề này, TS. Nguyễn Tố Tâm - Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực - chỉ ra rằng, để phục vụ cho công tác kiểm toán, Luật KTNN tại các quốc gia đã có những quy định khá chi tiết, rõ ràng về quyền yêu cầu cung cấp các loại thông tin, tài liệu dạng điện tử; kết nối dữ liệu lớn của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán cùng với các bên có liên quan trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của KTNN, nhằm đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu kiểm toán.

Chẳng hạn như tại Trung Quốc, KTNN có quyền truy cập các dữ liệu điện tử liên quan đến các hoạt động thu, chi của Chính phủ (Điều 31) và có quyền kiểm tra hồ sơ kế toán và truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán (Điều 32). Tại Ấn Độ, KTNN có quyền truy cập dữ liệu để tìm kiếm bằng chứng kiểm toán. Tại Srilanka, KTNN có quyền kiểm tra, copy hoặc trích xuất các bản ghi (dưới dạng văn bản hoặc dữ liệu điện tử) và tìm kiếm thông tin có thể hoặc không do đơn vị được kiểm toán nắm giữ (Phần 2, Điều 7, Luật KTNN năm 2018). Hay tại Cộng hòa Séc, KTNN có quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán nộp tài liệu gốc và các tài liệu khác, dữ liệu điện tử từ các hệ thống thông tin trên các thiết bị lưu trữ điện tử, hoặc được quyền trích xuất dữ liệu và truy cập vào mã nguồn chương trình của đơn vị được kiểm toán (Điều 21, đoạn b). KTNN cũng được quyền sử dụng các thiết bị viễn thông của đơn vị được kiểm toán để kết nối với mạng truyền thông điện tử công để thực hiện kiểm toán (Điều 21, đoạn g).

Tại Hàn Quốc, Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI) đã xây dựng Hệ thống quản lý thanh tra, kiểm toán điện tử. Hệ thống này được liên kết với các hệ thống thông tin khác của Chính phủ để thu thập, cập nhật, khai thác thông tin, dữ liệu trong phạm vi chức năng của từng Bộ, ngành. Hiện nay, BAI đang sử dụng phần mềm U-check để hỗ trợ kiểm toán viên trong quá trình thực hiện thanh tra kiểm toán, hỗ trợ kiểm toán viên kiểm tra, đối chiếu mã số công dân trong các hồ sơ giao dịch điện tử, phục vụ thanh tra kiểm toán lĩnh vực an sinh xã hội. Điều 27, Luật về Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc cũng quy định: “Trong trường hợp cần thiết phải kiểm toán các tài khoản... bất chấp các quy định của luật khác, BAI có thể yêu cầu nộp thông tin hoặc báo cáo mô tả các giao dịch tài chính của những người có thông tin tại tổ chức tài chính và những người làm việc tại tổ chức tài chính không được từ chối”.

Vận dụng kinh nghiệm quốc tế và từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 quy định:“Khi thực hiện kiểm toán, KTNN có quyền truy cập vào dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và dữ liệu điện tử quốc gia; yêu cầu đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng truy cập phần mềm ứng dụng của đơn vị để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán”.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh, Luật KTNN hiện hành không hạn chế phạm vi tiếp cận thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán của KTNN (bao gồm cả thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước). Tuy nhiên, Luật chưa quy định rõ quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán. Do đó, Dự thảo Luật cần bổ sung, sửa đổi quy định rõ nội dung này.

Nhấn mạnh vấn đề bảo mật thông tin, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: Khi khai thác và truy cập thông tin, dữ liệu điện tử, KTNN chịu trách nhiệm đảm bảo tính bảo mật trong việc bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp. KTNN hoạt động theo nguyên tắc “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, đối với KTNN và mỗi kiểm toán viên nhà nước, yêu cầu về bảo mật là một nguyên tắc tối thượng, đã được Luật hóa thành các hành vi bị nghiêm cấm quy định Điều 8 Luật KTNN năm 2015.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 9/5/2019
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Nhà nước cần có quyền tiếp cận hệ thống thông tin điện tử của đơn vị được kiểm toán