Kiểm toán nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp và những khó khăn cần tháo gỡ

(BKTO) - Kiểm toán thuế là một trong những nội dung cơ bản không thể thiếu của mỗi cuộc kiểm toán. Đây là loại hình kiểm toán đặc biệt vì không chỉ thuần túy là kiểm tra, đánh giá, xác nhận độ tin cậy của thông tin về số thuế phải nộp, số thuế đã nộp, số còn phải nộp, mà quan trọng hơn là đánh giá và xác nhận sự tuân thủ luật pháp của các đối tượng nộp thuế, của người quản lý thuế, nhất là đánh giá tác động của các chính sách thuế đến kinh tế vĩ mô, đến các nhóm lợi ích, các quan hệ đa chiều trong đời sống kinh tế - xã hội. Kết quả kiểm toán những năm qua cho thấy, hầu hết các cuộc kiểm toán đều có phát hiện DN sai phạm trong quá trình chấp hành nghĩa vụ thuế.



Phát hiện nhiều sai phạm của DNNN trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế

         
Từ hoạt động kiểm toán DNNN nói chung, trong đó có hoạt động kiểm toán nghĩa vụ thuế, những năm qua, KTNN đã phát hiện và kiến nghị tăng thu NSNN với số tiền thuế truy thu từ các DNNN khá lớn. Cụ thể: năm 2015, số thuế phải nộp tăng thêm vào NSNN là 2.162 tỷ đồng; năm 2016 là 1.453 tỷ đồng; năm 2017 là 1.770 tỷ đồng. Các sai phạm xuất hiện ở hầu hết sắc thuế, trong đó tập trung ở một số sắc thuế như: thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhà đất,… Các sắc thuế khác như thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường … cũng tồn tại các sai sót, phải tăng thu nộp vào NSNN.

Dưới đây là một số sai sót thường gặp của các DN:

Về thuế TNDN: Kiểm toán thuế TN DN là một trong những nội dung cơ bản nhất trong kiểm toán về chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp NSNN. Các sai sót thường gặp như: hạch toán thiếu doanh thu, sai chi phí dẫn đến thiếu thu nhập chịu thuế TNDN; sai sót trong việc xác định chi phí hợp lý, hợp lệ khi tính thuế TNDN như hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh (SXKD)… Một số DN xác định chưa đúng mức thuế suất thuế TNDN được ưu đãi hoặc không đáp ứng đủ một trong các điều kiện ưu đãi thuế TNDN theo quy định nhưng vẫn áp dụng mức thuế ưu đãi; xác định miễn giảm thuế TNDN không loại trừ các khoản thu nhập không thuộc diện được miễn giảm như thu nhập hoạt động tài chính và thu nhập khác; còn có trường hợp hạch toán thiếu, chưa đúng kỳ doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh, hạch toán các khoản chi phí chuẩn bị đầu tư dự án vào chi phí SXKD...

Về thuế GTGT: Một số sai sót thường gặp của thuế GTGT chủ yếu do không thực hiện đúng quy định khi thực hiện chương trình khuyến mại, chưa kê khai đầy đủ thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ cho, biếu, tặng, cấp miễn phí, thuế GTGT đầu vào không đủ điều kiện khấu trừ, áp chưa đúng mức thuế suất thuế GTGT, điều chỉnh tăng thêm tương ứng với điều chỉnh tăng doanh thu, hóa đơn chứng từ khấu trừ thuế GTGT không hợp lý, hợp lệ...

Đối với các sắc thuế khác, sai sót cũng thường xảy ra trong việc xác định giá trị tính thuế hoặc áp sai mức thuế suất, sai đối tượng chịu thuế... Kết quả kiểm toán những năm qua cho thấy, hầu hết các cuộc kiểm toán đều có phát hiện DN sai phạm trong quá trình chấp hành nghĩa vụ thuế. Ngoài việc hệ thống văn bản chính sách thuế còn có những lỗ hổng thì những bất cập, nguyên nhân của các sai phạm còn xuất phát từ chính nội tại các DN, đó là:

Xuất phát từ chủ quan của DN trong việc lách thuế, trốn thuế nhằm mục tiêu giảm nghĩa vụ với NSNN, thu lợi cho DN, hoặc cá biệt còn trục lợi cho cá nhân.

Xuất phát từ những yếu kém trong hệ thống quản lý, quản trị, bộ máy kế toán của đơn vị đối với việc ngăn ngừa những sai sót khi kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế. Các yếu kém này có thể bao gồm yếu kém về tổ chức bộ máy, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp nhân sự; yếu kém về trình độ của cán bộ, người lao động; những thiếu hụt trong ban hành các văn bản, định mức, quy chế tài chính, quản trị nội bộ... Xuất phát từ nhận thức và hiểu biết của một số DN trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế và kỷ luật, kỷ cương về thuế.

Còn nhiều khó khăn trong hoạt động kiểm toán thuế

Bên cạnh những kết quả lớn trong việc ngăn ngừa, phát hiện các sai phạm về thực hiện nghĩa vụ thuế, quá trình tổ chức hoạt động kiểm toán của KTNN đối với lĩnh vực này vẫn còn gặp không ít khó khăn, bao gồm nhiều vướng mắc, bất cập cần giải quyết. Cụ thể là:
Thứ nhất, việc kiểm toán nghĩa vụ thuế của DN hiện mới tập trung nhiều đối với lĩnh vực DNNN và việc kiểm toán cũng chỉ thực hiện định kỳ 2 hoặc 3 năm, chưa bao phủ được toàn diện các DN thực thi nghĩa vụ thuế. Trong khi đó, theo pháp luật thuế hiện hành, người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các DN nộp thuế. Nghĩa là, hiện tại đang có khoảng 82% DN chưa được cơ quan nào kiểm tra, giám sát. Trong bối cảnh tình trạng trốn thuế đang trở nên nhức nhối, làm thất thu lớn NSNN, việc đẩy mạnh hoạt động kiểm toán nghĩa vụ thuế là một công cụ quan trọng cho vấn đề thắt chặt kỷ luật, kỷ cương ngành thuế.
Thứ hai, đối với các DN ngoài quốc doanh, công tác đối chiếu thuế phát hiện nhiều sai phạm, truy thu nộp NSNN số tiền hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng việc tiến hành kiểm toán nghĩa vụ thuế của các DN này còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Thông qua công tác đối chiếu thuế trong một số năm vừa qua, KTNN đã phát hiện và kiến nghị tăng thu NSNN với số tiền thuế truy thu khá lớn: Năm 2016, qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, KTNN đã kiến nghị các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 2.060,6 tỷ đồng; Năm 2017, qua đối chiếu 2.497 DN ngoài quốc doanh tại 47 tỉnh, thành phố, KTNN phát hiện 2.344 trường hợp có sai phạm (tương đương 94% số tổng hợp được đối chiếu) và kiến nghị xác định nộp NSNN tăng thêm 1.351 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/12/2018, qua đối chiếu thuế 2.969 DN ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm và xác định nộp NSNN tăng thêm 1.684,6 tỷ đồng, số kiến nghị giảm lỗ 3.341,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để bảo đảm đúng pháp luật, thời gian qua, khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu với các DN ngoài quốc doanh, KTNN phải tác nghiệp thông qua cơ quan thuế. Do nhận thức và việc áp dụng pháp luật của một bộ phận (bao gồm cả chủ quan và khách quan) chưa thống nhất, nhiều đơn vị đã không chấp nhận sự kiểm toán của KTNN, khiến KTNN gặp không ít trường hợp chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu, gây khó khăn cho quá trình kiểm toán.

Thứ ba, hiện tại, việc kiểm toán nghĩa vụ thuế thường được thực hiện như một nội dung kiểm toán nghĩa vụ với NSNN trong cuộc kiểm toán DN, hoặc nội dung kiểm toán thu NSNN trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương. Các cuộc kiểm toán chuyên đề về thuế chưa được triển khai nhiều để có những đánh giá tổng quát về công tác quản lý thuế, đặc biệt là về những bất cập, vướng mắc trong hệ thống các quy định hiện hành về thuế.

Thực trạng công tác kiểm toán thuế tại các DN đã cho thấy, Nhà nước cần phải tạo ra một môi trường pháp lý đầy đủ, song song với đó là công tác tuyên truyền giáo dục để người nộp thuế thấy được trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN, nhằm ngăn ngừa các sai sót vi phạm xảy ra.

Về phía KTNN, cần phát huy những mặt tích cực của Luật KTNN hiện hành; đồng thời hoàn thiện Luật theo hướng cụ thể hóa, đầy đủ, toàn diện trong việc quy định rõ đối tượng kiểm toán, vai trò, nhiệm vụ của KTNN đối với hoạt động kiểm toán thuế; cung cấp đủ chức năng, quyền hạn để KTNN có cơ sở chủ động phát huy vai trò trong công tác kiểm toán nghĩa vụ thuế của DN, đặc biệt là đối với lĩnh vực DN ngoài quốc doanh nhằm đảm bảo phát huy được vai trò của cơ quan kiểm tra, giám sát, chống thất thu thuế một cách toàn diện, đồng thời là một kênh trung gian phản hồi lại những bất cập của chính sách thuế đối với các cơ quan lập pháp để hệ thống quy định về thuế được hoàn thiện và cập nhật với thực tiễn hoạt động của các DN.

ThS. NGUYỄN ANH TUẤN
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 30-5-2019
Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán thuế cần chú trọng nhiều hơn đến kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Để đảm bảo kiểm toán thuế thực sự hiệu quả, KTNN cần nhận thấy nội dung kiểm toán này có sự gắn kết chặt chẽ với kiểm toán báo cáo tài chính, nhưng nó lại hoàn toàn không giống với kiểm toán báo cáo tài chính.
  • Hà Nội đề nghị Kiểm toán Nhà nước lưu ý một số nội dung trong hoạt động kiểm toán thu ngân sách
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Công tác kiểm toán thu ngân sách của KTNN có vai trò quan trọng đối với quản lý NSNN nói chung và công tác thu NSNN trên địa bàn Hà Nội nói riêng; góp phần làm minh bạch và lành mạnh các thông tin, các quan hệ kinh tế, tài chính. Qua hoạt động kiểm toán thu NSNN, KTNN đã cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho UBND TP. Hà Nội sử dụng trong quá trình quản lý, chỉ đạo công tác thu trên địa bàn.
  • Mở rộng đối tượng kiểm toán để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trong những năm qua, bằng các hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương, KTNN đã giúp cho công tác điều hành ngân sách của UBND tỉnh Bắc Ninh luôn luôn sát thực, hiệu quả, kịp thời ngăn ngừa, phát hiện và kiến nghị xử lý những vi phạm về quản lý NSNN; giúp UBND tỉnh điều hành, quản lý chặt chẽ NSNN nhằm chống thất thu, bội chi, lãng phí ở các cơ quan, đơn vị; góp phần làm minh bạch hoạt động thu chi ngân sách của địa phương, từ đó xây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân đối với đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nói chung, chính sách của địa phương nói riêng.
  • Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO)- Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của Báo Kiểm toán, từ ngày 30/5 đến 01/6/2019, Báo Kiểm toán đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức Lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí năm 2019.
  • Tiến tới Ngày hội hiến máu tình nguyện 2019
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO)- Thực hiện Chương trình công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2019; được sự đồng ý của Đảng ủy KTNN, Đoàn thanh niên KTNN phối hợp cùng Công đoàn KTNN sẽ tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện 2019 với chủ đề "Giọt hồng- Giọt yêu thương".
Kiểm toán nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp và những khó khăn cần tháo gỡ