Kiểm toán ngân sách nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

(BKTO) - NSNN là một trong những đối tượng kiểm toán thường xuyên và chủ yếu của tất cả các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới. Đặc biệt, thực tiễn tại các nước cho thấy SAI đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá, phản biện dự toán NSNN. Vì vậy, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này đang là yêu cầu đặt ra đối với KTNN Việt Nam.




KTNN đẩy mạnh học tập kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán quốc tế. Ảnh tư liệu

Cơ quan kiểm toán tối caođóng vai trò quan trọngtrong đánh giá dự toánngân sách

Tại mỗi quốc gia, kiểm toán NSNN có mô hình tổ chức và hoạt động riêng, nhưng tựu chung lại, kiểm toán NSNN có nhiệm vụ là đánh giá, xác nhận số liệu quyết toán hoặc số tăng, giảm, số dư cuối kỳ của các tài khoản quốc gia hay tài khoản của ngân sách các bang, địa phương; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý và điều hành NSNN. Đối tượng kiểm toán được xác định theo dòng chu chuyển của ngân sách, bất kỳ tổ chức nào nhận nguồn kinh phí của ngân sách đều là đối tượng kiểm toán.

Đa số các SAI đều triển khai kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ trong kiểm toán NSNN. Những năm gần đây, một số SAI đã tập trung nhiều hơn cho loại hình kiểm toán hoạt động trong kiểm toán NSNN. Bên cạnh đó, việc tổ chức các đơn vị kiểm toán NSNN luôn gắn liền với đặc điểm phân cấp và quản lý NSNN, trong đó, cơ quan kiểm toán quốc gia chủ yếu kiểm toán ngân sách T.Ư và các cơ quan kiểm toán địa phương kiểm toán ngân sách địa phương, phục vụ hội đồng địa phương giám sát và phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách.

Ở nhiều nước, mối quan hệ giữa SAI với các khách thể kiểm toán NSNN và các đơn vị có liên quan rất được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là trao đổi thông tin và thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, CHLB Đức, Hungary…, SAI được mời họp phiên thảo luận của Nghị viện, Ủy ban Ngân sách và các ủy ban khác của Nghị viện phục vụ việc phê chuẩn dự toán và quyết toán.

Đặc biệt, tại Nhật Bản, các tài liệu liên quan đến dự toán NSNN và quyết định về NSNN còn được gửi cho Ủy ban Kiểm toán quốc gia (BOA) nghiên cứu. BOA tổ chức gặp gỡ thường xuyên với Vụ Ngân sách, Vụ Kế toán của Bộ Tài chính hằng năm để cung cấp những phát hiện, ý kiến trong báo cáo kiểm toán và tiếp nhận các thông tin hữu ích cho việc xác định trọng tâm kiểm toán. Bên cạnh đó, nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng của hệ thống kiểm soát nội bộ tại các đơn vị được kiểm toán, ngăn chặn sai phạm tái diễn, BOA còn tổ chức đào tạo cho kiểm toán nội bộ của các Bộ và đơn vị để có sự phối hợp tốt hơn trong hoạt động kiểm toán…

Đối với việc tổ chức kiểm toán NSNN, tại một số quốc gia, chu trình kiểm toán được thực hiện cả trong và sau chu kỳ NSNN nhằm giúp cho các cơ quan quản lý, giám sát xử lý thông tin kịp thời với những kết luận, kiến nghị kiểm toán. Tất nhiên, chu kỳ này phải đảm bảo tính khả thi khi có sự đồng bộ trong việc luân chuyển, cung cấp thông tin về ngân sách và báo cáo quyết toán trong môi trường công nghệ thông tin hợp nhất, thông qua hệ thống tích hợp dữ liệu tài chính quốc gia (như tại Nhật Bản). Ngoài ra, việc sử dụng chuyên gia bên ngoài tư vấn cho hoạt động kiểm toán cũng được BOA và KTNN Trung Quốc chú trọng.

Một nhiệm vụ quan trọng của SAI trong kiểm toán NSNN chính là đưa ra ý kiến đánh giá, phản biện về dự toán NSNN do chính phủ trình, làm cơ sở cho quốc hội thảo luận và quyết định. Tuy nhiên, sự tham gia của SAI trong việc lập dự toán NSNN ở mỗi nước có hình thức và mức độ khác nhau.

Chẳng hạn, tại CHLB Đức, SAI tham gia vào công tác lập kế hoạch ngân sách hằng năm với tư cách là cơ quan tư vấn quan trọng. Kiểm toán Liên bang chỉ đưa ra ý kiến của mình về những khoản chi lớn trong dự toán của các Bộ, ngành trên cơ sở kết quả kiểm toán tại Bộ, ngành đó, không đưa ra ý kiến về toàn bộ các nội dung trong bản dự toán ngân sách của từng Bộ, ngành. Các ý kiến đưa ra đều dựa trên kết quả kiểm toán trước đó nên có tính thuyết phục cao và rất được đại biểu Quốc hội quan tâm trước khi biểu quyết.

Đối với Hungary, sau khi nhận được bản dự toán NSNN do Bộ Tài chính gửi đến, SAI sẽ thẩm định dự toán của các đơn vị theo lĩnh vực kiểm toán được giao hằng năm. Khi thẩm định, bộ phận chuyên môn của SAI phải làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành. Kết quả thẩm định dự toán của KTNN Hungary sẽ được gửi cho Bộ Tài chính và hai bên phải có sự đồng thuận trước khi trình Chính phủ vào tháng 10 hằng năm. Tất cả các buổi họp của Ủy ban Ngân sách, Tài chính thuộc Quốc hội về dự toán ngân sách đều có sự tham gia của KTNN. Trong phiên họp toàn thể thông qua dự toán NSNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch KTNN Hungary đều có bài phát biểu trước Quốc hội.

Bài học kinh nghiệmcho Kiểm toán Nhà nướcViệt Nam

Từ kinh nghiệm quốc tế nêu trên, KTNN Việt Nam rút ra một số bài học nhằm thực hiện tốt hơn kiểm toán NSNN như sau:
KTNN cần chú trọng hoạt động kiểm toán đối với công tác lập dự toán; đổi mới tổ chức kiểm toán để đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của SAI trong kiểm toán NSNN nói chung, ngân sách địa phương nói riêng và tuân thủ Luật KTNN, Luật NSNN.

Các đoàn kiểm toán cần tăng cường thời gian kiểm toán tại trụ sở cơ quan kiểm toán thông qua số liệu do đơn vị cung cấp, hạn chế kiểm toán trực diện tại đơn vị tránh gây ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, KTNN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập số liệu, dữ liệu.

Thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương ngay trong và sau chu trình ngân sách. Để làm được điều này, quy định thời gian cho một cuộc kiểm toán phải đủ dài, phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo hoàn thành tốt các mục tiêu, nội dung kiểm toán hoặc có thể thực hiện cuộc kiểm toán vào nhiều thời điểm khác nhau một cách không liên tục.

Cơ quan kiểm toán phải xây dựng tốt mối quan hệ phối hợp với đơn vị được kiểm toán, nhất là các cơ quan tài chính tổng hợp; thường xuyên cập nhật thông tin trong quản lý và điều hành ngân sách bằng cách tổ chức các cuộc trao đổi thông báo kết quả kiểm toán ngân sách hoặc có những hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm cho hệ thống kiểm toán nội bộ của đối tượng được kiểm toán.
TS. LÊ ĐỨC LUẬN - TS. CÙ HOÀNG DIỆU
KTNN khu vực VII
Cùng chuyên mục
Kiểm toán ngân sách nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam