Kiểm toán nâng cao hiệu quả chăm sóc đột quỵ - từ kinh nghiệm của KTNN Australia

(BKTO) - Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Tổ chức quản lý đột quỵ Australia (NSF), từ năm 2007, KTNN Australia (NAO) đã khởi động Chương trình kiểm toán quốc gia về đột quỵ theo mô hình chương trình kiểm toán của Vương quốc Anh. Những kết quả, phát hiện kiểm toán sau đó được sử dụng một cách hiệu quả nhằm thay đổi các thực hành chăm sóc y tế tại Australia.




Kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc đột quỵ tại Australia. Ảnh: ST

Phương pháp kiểm toán và phân tíchdữ liệu

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) là một trong những căn bệnh phổ biến ở Australia với ước tính khoảng 60.000 ca mỗi năm và là nguyên nhân gây tử vong, bại liệt hàng đầu ở Australia.

Về phương pháp kiểm toán, NAO đã thành lập một nhóm công tác gồm các kiểm toán viên và đại diện các chuyên gia trong ngành. Tại mỗi bệnh viện được kiểm toán, các kiểm toán viên sẽ tiến hành thu thập, nhập và quản lý số liệu thông qua một công cụ máy tính được kết nối mạng. Tính bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu được các kiểm toán viên hết sức chú trọng bằng cách chỉ định cho mỗi bệnh viện một mã số và mật khẩu đăng nhập để tiếp cận.

Trong quá trình kiểm toán, các kiểm toán viên thường xuyên tham gia trao đổi, tập huấn trực tuyến và được thường xuyên hỗ trợ để đảm bảo các phương pháp tiếp cận thống nhất giữa các kiểm toán viên. Bộ công cụ mà các kiểm toán viên sử dụng có các chức năng, qua đó cho phép các nhà quản lý chương trình có thể giám sát việc thu thập dữ liệu ở cấp địa phương và T.Ư, kiểm tra tính logic nhằm giảm thiểu việc mất mát dữ liệu.

Dữ liệu thu thập được sẽ được phân tích bởi các chuyên gia trong ngành, chủ yếu từ NSF và Viện Nghiên cứu quốc gia về Đột quỵ (NSRI). Theo đó, những dữ liệu được trích xuất từ các công cụ web như Excel được chuyển đổi qua phần mềm STATA do Tập đoàn StataCorp, Hoa Kỳ phát triển để tiến hành phân tích.

Trong giai đoạn từ tháng 10/2016 đến tháng 10/2017, có 89 bệnh viện công thuộc phạm vi kiểm toán, với số ca đột quỵ nhập viện được khảo sát là 2.724 người. Báo cáo kiểm toán cho biết, có hai nguyên nhân gây đột quỵ gồm: do chảy máu não và do khối máu đông trong mạch máu não và việc điều trị bệnh nhân đột quỵ chỉ có tác dụng tối ưu trong 3 giờ kể từ khi bệnh nhân gặp biến chứng; các bệnh nhân nam giới chiếm khoảng 52% và độ tuổi bệnh nhân trung bình là 76 tuổi. Trong tổng số bệnh nhân được xem xét trong cuộc kiểm toán, có tới 365 người (chiếm 13%) tử vong tại bệnh viện và thời gian nằm viện trung bình của số bệnh nhân được xuất viện còn lại là 11 ngày.

Những tác động tích cực của Chương trình

Chương trình kiểm toán về đột quỵ là chương trình cấp quốc gia đầu tiên được thực hiện ở Australia. Kết quả của Chương trình đã cung cấp những đánh giá chuyên sâu về thực trạng và tiêu chuẩn chăm sóc các trường hợp đột quỵ tại bệnh viện. Những phát hiện kiểm toán qua đó giúp cải thiện những mặt yếu kém, nâng cao hiệu quả chăm sóc và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế, cung cấp các khuyến nghị nhằm thực hiện việc quản lý đột quỵ theo chỉ dẫn chuyên ngành.

Các kết quả và khuyến nghị của NAO là một hợp phần quan trọng trong việc tăng cường chất lượng chăm sóc người bệnh tại Australia. Những bệnh viện được kiểm toán đã nhận được nhiều khuyến nghị hữu ích nhằm xác định và khắc phục các lỗ hổng trong chăm sóc và điều trị. Tính liên tục của các cuộc kiểm toán 2 năm một lần cũng góp phần giúp các kiểm toán viên theo dõi được sự thành công trong các hoạt động cải thiện chất lượng chăm sóc và điều trị tại các bệnh viện.

Ở cấp T.Ư, những khuyến nghị mà NAO đưa ra trong các bản báo cáo kiểm toán về đột quỵ đã góp phần hỗ trợ Bộ Y tế xác định những ưu tiên trong chiến lược quốc gia về chăm sóc các trường hợp đột quỵ và nâng cao nhận thức về cải thiện điều kiện chăm sóc cũng như kết quả đầu ra của bệnh nhân.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Australia Amyas Morse cho biết: “Thực trạng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ đã được cải thiện đáng kể từ khi bản báo cáo năm 2017 của chúng tôi được công bố. Việc thực hiện chiến lược về chăm sóc các trường hợp đột quỵ của Bộ Y tế đã bắt đầu cho thấy những thay đổi tích cực. Mặc dù vậy vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Bộ Y tế cần tập trung đảm bảo các dịch vụ chăm sóc y tế và dịch vụ xã hội cùng được thực hiện một cách hiệu quả hơn để người nghèo không bị thiệt thòi và phải chịu gánh nặng chi phí quá lớn”.

Được biết, mới đây, các nhà nghiên cứu Australia đã làm nên một bước đột phá khi phát minh ra chiếc nón đặc biệt có khả năng chẩn đoán nhanh và chính xác bệnh nhân bị đột quỵ. Phát minh này giúp cho việc điều trị bệnh đột quỵ đạt hiệu quả cao hơn. Nón này sử dụng năng lượng như điện thoại di động với mức thâm nhập ít hơn 100 lần so với sóng vi ba. Các nhà nghiên cứu hy vọng, công nghệ này có thể được sử dụng trên tất cả xe cứu thương trên toàn cầu thay cho việc phải chờ cho tới khi cấp cứu trong bệnh viện, bệnh nhân đột quỵ mới được quét CT.
NGỌC QUỲNH
Cùng chuyên mục
Kiểm toán nâng cao hiệu quả chăm sóc đột quỵ - từ kinh nghiệm của KTNN Australia