Kiểm toán môi trường - những điều cần lưu ý

(BKTO) - Khi nền kinh tế phát triển, những tác động của con người tới nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống ngày càng gia tăng. Để đảm bảo đồng thời mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước cần phải thiết lập các quy trình giám sát, quản lý kinh tế chặt chẽ. Một trong những công cụ hỗ trợ cho quá trình này chính là kiểm toán môi trường (KTMT).




Kiểm toán môi trường - công cụ quan trọng để giám sát, quản lý môi trường

Thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX, nhiều sự cố lớn xảy ra đã tác động tiêu cực tới môi trường như: vỡ đập Banqiao tại Trung Quốc năm 1975, nổ Nhà máy Hạt nhân ở Ukraina năm 1986… Hàng loạt sự cố đó đã đặt ra yêu cầu tăng cường các quy định, chế tài về môi trường; DN phải thiết lập và phân bổ các nguồn lực cho vấn đề an toàn lao động và sức khỏe, môi trường xã hội. Tuy nhiên, sự thiết lập các chính sách, nguồn lực cho môi trường phải song song với việc đảm bảo thực thi các vấn đề môi trường trong hoạt động của DN. Đó chính là lý do để KTMT phát triển nhanh chóng.

Theo định nghĩa của Phòng Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce - ICC), KTMT là một công cụ quản lý bao gồm đánh giá khách quan và định kỳ, có hệ thống về việc tổ chức, quản lý, vận hành thiết bị môi trường với mục đích giúp bảo vệ môi trường bằng cách tạo điều kiện quản lý kiểm soát thực hành môi trường và đánh giá việc tuân thủ các chính sách của công ty. Như vậy, định nghĩa này đã nhấn mạnh tới sự đánh giá công tác quản lý các nguồn lực, việc thực thi các quy định pháp luật và chính sách của DN trong thực tế.

Mục đích chính của KTMT là xem xét hệ thống quản lý hiện tại của công ty có đạt về hiệu suất môi trường hay không thông qua việc kiểm tra toàn diện hệ thống làm việc và quản lý chứ không chỉ nhìn nhận đánh giá bề ngoài về các tác động môi trường. Mục tiêu tổng thể của hoạt động kiểm toán này là giúp bảo vệ môi trường và giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe con người.

Một số lưu ý đối vớikiểm toán viên

KTMT tại công ty đưa ra cái nhìn tổng thể về việc tuân thủ các quy định cũng như cơ chế và hiệu quả của DN trong kiểm soát môi trường. Bên cạnh việc đánh giá sự tuân thủ các quy định, kiểm toán viên (KTV) cần kiểm toán: hệ thống quản lý; kỹ thuật cụ thể về năng lượng tiêu thụ; chất thải, nguồn ô nhiễm và địa điểm ô nhiễm. Trong quá trình kiểm toán, các quy định cần chú ý như: mức xả thải môi trường, nơi được phép xả thải, cấp phép xả thải… KTV cần tìm cách điều tra mô hình tiêu thụ năng lượng trong công ty và đề xuất các biện pháp bảo tồn hiệu quả chi phí.

Quá trình KTMT cần đảm bảo giám sát đo lường đầy đủ bản chất thực sự và mức độ của tất cả chất thải gây ô nhiễm nước và không khí. Do đó, để KTMT thành công, các KTV phải có kiến thức về: quản lý môi trường; khoa học tự nhiên như: hóa học, sinh thái; các nguyên tắc và thủ tục kinh doanh; pháp luật và các nguyên tắc pháp lý liên quan đến môi trường; tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường (ISO 14001:2004). Với những yêu cầu về kiến thức tổng hợp và đặc thù ở các mảng khoa học tự nhiên cũng như môi trường, một số cuộc kiểm toán cần thiết phải có sự tham gia của các chuyên gia ở các lĩnh vực chuyên sâu cụ thể.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, KTV cần trao đổi với ban lãnh đạo, nhân viên của đơn vị được kiểm toán ngay từ giai đoạn lập kế hoạch để làm rõ mục tiêu của cuộc kiểm toán và nâng cao nhận thức cũng như sự hợp tác của đơn vị được kiểm toán. Những giá trị gia tăng tạo ra từ KTMT cần được nhấn mạnh khi tiến hành kiểm toán như: cải thiện vấn đề an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động; các chương trình chăm sóc có trách nhiệm về an toàn, giảm thiểu rủi ro; sản xuất sạch hơn, hiệu quả sinh thái hoặc các chương trình giảm thiểu chất thải để đạt được hiệu quả hơn trong việc sử dụng tài nguyên và xả thải ít gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó, KTV có thể cụ thể hóa các mục tiêu kiểm toán thành những câu hỏi và thu thập bằng chứng. Ví dụ, các câu hỏi có thể sử dụng trong kiểm toán vấn đề về chất thải như: chất thải được tạo ra như thế nào và ở đâu? Nó có thể được giảm thiểu/loại bỏ/tái chế không? Các loại chất thải khác nhau có được phân tách? Chi phí phân tách là bao nhiêu? Ai loại bỏ chất thải, nó được mang đi và xử lý một cách có trách nhiệm hay không?

Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán, KTV cần bao quát các vấn đề kiểm toán một cách hệ thống thông qua việc xem xét những yếu tố: môi trường xung quanh; an toàn trong quá trình sản xuất, hoạt động của DN; sức khỏe của cán bộ, nhân viên trong DN và khâu đóng gói, bảo quản sản phẩm trước khi mang ra thị trường.
KTMT hướng tới việc tìm kiếm các công cụ quản lý mới để cải thiện việc ra quyết định hoặc mang lại những thay đổi trong hành vi với mục đích chung là cải thiện hiệu suất môi trường của từng ngành, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nâng cao trách nhiệm với môi trường, tăng cường các biện pháp an ninh và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, KTMT cần có sự quan tâm của KTNN, bản thân các DN cùng sự hợp tác của các Bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương.

ThS. TRẦN PHƯƠNG THÙY
Học viện Ngân hàng
Cùng chuyên mục
Kiểm toán môi trường - những điều cần lưu ý