Kiểm toán hoạt động chuyển giá trong nền kinh tế hội nhập ở Việt Nam

(BKTO) - Là người có trình độ chuyên môn, kiểm toán viên có thể đánh giá tốt giá trị của giao dịch nội bộ. Do đó, cần tăng cường vai trò của kiểm toán trong việc đánh giá giá trị các giao dịch này. Dưới đây là một số đề xuất cụ thể:



Cơ quan thuế có thể ký hợp đồng với kiểm toán độc lập về kiểm toán các giao dịch có dấu hiệu chuyển giá (thực hiện kiểm toán hoạt động).

Ở Việt Nam, các quy định cơ sở để kiểm soát hoạt động chuyển giá đã được ban hành (gồm các phương pháp tính giá chuyển giao mà DN có thể lựa chọn để áp dụng, thực hiện đăng ký phương pháp tính giá chuyển giao theo thoả thuận trước với cơ quan thuế - APA…); do đó bước tiếp theo là cần tăng cường kiểm tra, kiểm toán đánh giá tính hiệu lực của các quy định này đối với giao dịch với bên có quan hệ liên kết. Tổng cục Thuế cũng đã ký quy chế phối hợp với các cơ quan thuế của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nên việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan thuế để xác minh giao dịch chuyển giá là có tính khả thi.

Tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC) của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu chuyển giá.

Theo Điều 48 Luật Kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính quy định nội dung không được ngoại trừ trong Báo cáo kiểm toán. Do đó, với những DN FDI lớn mà dấu hiệu chuyển giá có tính chất nghiêm trọng đối với kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính có thể áp dụng điều khoản này, quy định kiểm toán độc lập không được đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với giao dịch của các bên có quan hệ liên kết khi kết luận kiểm toán. Quy định này sẽ tăng cường trách nhiệm pháp lý của kiểm toán độc lập, khiến kiểm toán độc lập quan tâm và tập trung hơn vào hoạt động có dấu hiệu chuyển giá của DN FDI.

Kiểm toán hoạt động có dấu hiệu chuyển giá cần được thực hiện theo cả hai cách là kiểm toán riêng trong một cuộc kiểm toán hoặc kiểm toán kết hợp trong khi kiểm toán BCTC.

Nếu hoạt động chuyển giá có quy mô lớn, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, cần tiến hành kiểm toán riêng hoạt động chuyển giá. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, một cuộc kiểm toán chuyển giá có thể kéo dài từ 1 - 3 năm, với rất nhiều thông tin yêu cầu DN phải chuẩn bị phục vụ cho cuộc kiểm toán. Việc tăng cường hoạt động kiểm toán để phát hiện các vi phạm trong hoạt động chuyển giá sẽ có tác dụng ngăn ngừa các hành vi chuyển giá trong tương lai.

Về nội dung, kiểm toán hoạt động chuyển giá cần được thực hiện tổng hợp trên tất cả các phương diện: khả năng chuyển giá ở giao dịch về hàng hoá cũng như giao dịch về dịch vụ, chuyển giá cả yếu tố đầu vào cũng như kết quả đầu ra của đơn vị.

Tính chất phức tạp hiện nay của hoạt động chuyển giá đã được nhận định trên thế giới và cả ở Việt Nam. Hoạt động chuyển giá ngày nay không chỉ giới hạn ở hình thức truyền thống như chuyển giá ở máy móc thiết bị công nghệ đầu vào của DN Việt Nam, mà còn được thực hiện đối với kết quả đầu ra của DN (ví dụ ở Công ty Chè Lâm Đồng bán chè thành phẩm cho công ty mẹ ở Singapore với giá thấp hơn giá thành), chuyển giá đối với dịch vụ chuyển giao nội bộ (dịch vụ đào tạo, dịch vụ tư vấn quản lý, tư vấn tài chính…). Sự đa dạng của hoạt động chuyển giá đặt ra yêu cầu kiểm toán viên phải có quan điểm toàn diện và động khi xem xét thực tiễn của khách thể kiểm toán nhằm nhận diện những hoạt động có dấu hiệu chuyển giá để tập trung xác minh.

Về khách thể kiểm toán, trước mắt cần tập trung vào DN FDI là thành viên của công ty xuyên quốc gia (TNCs).

Mặc dù hoạt động chuyển giá cũng diễn ra ở DN Việt Nam, nhưng quy mô và tính chất nghiêm trọng vẫn thấp hơn nhiều so với chuyển giá của DN FDI. Trong các DN FDI, hoạt động chuyển giá được thực hiện ở DN là thành viên của công ty TNCs vì quy mô lớn, đa ngành và mạng lưới toàn cầu của các công ty này, các giao dịch chuyển giá có thể được thực hiện giữa những công ty con và công ty mẹ, cũng như giữa các công ty con với nhau. DN FDI không phải là thành viên của TNCs sẽ không có những giao dịch với bên có quan hệ liên kết và do đó không có sự chuyển giá. Các TNCs hàng đầu thế giới đều đã đầu tư vào Việt Nam và những dấu hiệu chuyển giá ở những công ty này cũng đã thể hiện rất rõ.

Tăng cường sự tham gia của KTNN trong kiểm toán hoạt động chuyển giá.

Các DN liên doanh có phần vốn góp của Nhà nước là khách thể kiểm toán của cơ quan KTNN. Nếu các DN liên doanh này có thực hiện hoạt động chuyển giá nghiêm trọng với các bên có quan hệ liên kết ở nước ngoài, KTNN cần quan tâm thực hiện kiểm toán hoạt động chuyển giá này với mục đích bảo toàn, chống thất thoát phần vốn góp của Nhà nước trong liên doanh.

Về phương thức, kiểm toán chuyển giá có thể thực hiện trong sự kết hợp với kiểm toán BCTC hoặc kiểm toán riêng hoạt động có dấu hiệu chuyển giá nếu nhận thấy nghiêm trọng. Trong các cuộc kiểm toán hoạt động chuyển giá có quy mô lớn, tính chất phức tạp, KTNN cũng có thể mời (hay cộng tác với) kiểm toán độc lập hay công ty thẩm định giá. Với sự cộng tác và hỗ trợ của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, KTNN Việt Nam sẽ có được nhiều kinh nghiệm khi kiểm toán hoạt động chuyển giá.

Tăng cường quy định kiểm toán đối với phần tăng vốn của DN có vốn đầu tư FDI.

Theo kết quả điều tra các DN ngành công nghiệp tại Việt Nam do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) thực hiện năm 2010, dấu hiệu chuyển giá ở các hoạt động tăng vốn của DN FDI rất rõ rệt, khi giá trị tăng vốn của DN FDI là thành viên của các công ty xuyên quốc gia (TNCs) lớn hơn 9 lần giá trị tăng vốn của DN FDI không phải là thành viên của TNCs và nghịch lý là tăng vốn diễn ra rất nhiều, với quy mô lớn ở những DN FDI có kết quả hoạt động không tốt, thậm chí thua lỗ lớn. Trong khi vốn góp ban đầu của DN FDI khi thành lập DN phải thông qua Hội đồng Thẩm định giá nên các bên góp vốn khó có thể khai tăng được nhiều, vốn tăng trong quá trình hoạt động của DN FDI lại không chịu quy định này. Do đó, đối với các nghiệp vụ tăng vốn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần bổ sung thêm quy định kiểm toán bắt buộc đối với giá trị vốn tăng của DN FDI. DN FDI thực hiện tăng vốn trong năm phải mời kiểm toán độc lập xác minh giá trị tài sản góp vốn tăng thêm. Báo cáo kiểm toán về tăng vốn phải được nộp lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính như BCTC hằng năm được kiểm toán của DN FDI.

Công khai kết quả kiểm toán hoạt động chuyển giá đối với những hành vi chuyển giá nghiêm trọng.

Việc công khai kết quả kiểm toán các hành vi chuyển giá nghiêm trọng sẽ tạo áp lực xã hội (như: tẩy chay sản phẩm, dịch vụ) các DN thực hiện hành vi chuyển giá, từ đó có thể ngăn ngừa các DN thực hiện các hành vi này. Tính chất nghiêm trọng của hành vi chuyển giá cần được đánh giá theo toàn bộ các tác động: thất thu NSNN, tăng cường nhập siêu, mất cân bằng cán cân thương mại và thanh toán, gia tăng áp lực với tỷ giá hối đoái,… thay vì hiện nay mới chỉ xem xét trên khía cạnh thất thu NSNN.

Công khai kết quả kiểm toán đối với hành vi chuyển giá nghiêm trọng có thể thực hiện trên các phương tiện truyền thông để truyền bá và tạo nên sức ép dư luận lớn với các DN thực hiện chuyển giá.( Tiếp theo và hết)

PGS,TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA
Đại học Kinh tế Quốc dân
Theo Báo Kiểm toán số 11ra ngày 14-3-2019
Cùng chuyên mục
Kiểm toán hoạt động chuyển giá trong nền kinh tế hội nhập ở Việt Nam