Kiểm toán công tác quản lý thu thuế xuất nhập khẩu: Tìm ra những bất cập về cơ chế, chính sách tài chính, thuế

(BKTO) - Thay vì lồng ghép nội dung kiểm toán quản lý thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) trong các cuộc kiểm toán quyết toán NSNN, trong Kế hoạch kiểm toán năm 2019, lần đầu tiên KTNN sẽ tổ chức một cuộc kiểm toán Chuyên đề Quản lý thu thuế XNK tại Tổng cục Hải quan và một số Cục Hải quan địa phương…



Chú trọng 5 vấn đề trongquá trình kiểm toán

Qua thực tế kiểm toán, các đơn vị của KTNN đã tổng hợp, đúc rút ra một số bất cập trong công tác quản lý thuế XNK. Những vấn đề này đã được nêu rõ trong Đề cương kiểm toán Chuyên đề Quản lý thu thuế XNK mà KTNN đã ban hành.

Thứ nhất, trong việc phân loại hàng hoá XNK, có tình trạng DN cố tình sai phạm khi khai báo tên hàng không đúng, không chính xác, không đầy đủ; dẫn đến xác định mã số của hàng hoá không đúng và ảnh hưởng đến thuế suất. Do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, công chức hải quan giám sát có thể không phát hiện ra sai sót của DN khi khai hải quan. Hơn nữa, do danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu đa dạng, sự phát triển của kinh tế dẫn tới việc khó xác định mã số một số mặt hàng mới, ngay cả với cơ quan hải quan. Lượng hàng hoá thông quan quá lớn nên công chức hải quan không thể kiểm soát hết. Một cán bộ hải quan cũng không thể nắm hết được việc phân loại hàng hoá trong danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu. Ngoài ra, vẫn có trường hợp không thống nhất việc áp mã HS giữa cơ quan hải quan, DN và một số cơ quan quản lý chuyên ngành về mặt hàng đó, hoặc hệ thống không kiểm soát được việc áp mã HS khác nhau cho các mặt hàng có tên hàng khai báo tương tự. Thực tế cũng cho thấy, đối với các tờ khai được phân luồng xanh thì hệ thống tự động thông quan nên cơ quan hải quan chưa thể kiểm soát việc khai báo của DN.

Thứ hai, hệ thống quản lý rủi ro cũng đang gặp phải một số hạn chế bởi kỹ thuật thiết lập, áp dụng tiêu chí còn đơn giản, dễ bị đoán biết quy luật phân luồng qua thông tin khai báo; thông tin phân luồng không đảm bảo tính bảo mật, dễ dàng trong việc khai báo để né phân luồng. Thực tế có trường hợp DN huỷ tờ khai nhiều lần đến khi được phân luồng xanh để tránh kiểm tra, giám sát hải quan. Bên cạnh đó, việc thiết lập tiêu chí trên hệ thống còn bị bó cứng, thiếu tính linh hoạt, đa dạng trong việc lựa chọn các phương pháp, hình thức kiểm tra. Việc áp dụng tiêu chí phân luồng còn mang tính chủ quan, thiếu tính khách quan trong việc quyết định phân luồng kiểm tra. Chất lượng, hiệu quả áp dụng tiêu chí phân luồng kiểm tra còn thấp. Ngoài ra, công cụ khai thác, kết xuất dữ liệu, theo dõi, đánh giá, báo cáo việc áp dụng tiêu chí và thực hiện phân luồng quyết định kiểm tra vẫn còn thiếu; việc đánh giá xếp hạng DN được thực hiện hằng năm, tuy nhiên kết quả xếp hạng còn đôi lúc chưa chính xác.

Thứ ba, trong công tác quản lý nợ thuế, việc phân loại nợ còn thực hiện thủ công, chưa có phần mềm theo dõi quy trình phân loại, đôn đốc nợ; không có báo cáo giúp phân tích tình hình nợ theo từng DN, tờ khai nhằm tiến hành rà soát các khoản nộp thừa, nộp thiếu hoặc theo các tiêu chí quản lý khác nhau, vì vậy có thể xảy ra sai sót trong quá trình phân loại nợ, cưỡng chế nợ. Việc chưa có kết nối trực tiếp tự động với số liệu nợ thuế nội địa của Tổng cục Thuế, việc tra cứu phải thực hiện thủ công nên trong quá trình thực hiện có thể xảy ra sai sót. Việc xác định tiền chậm nộp do hệ thống tự tính còn chưa chính xác (có trường hợp cao hơn, có trường hợp thấp hơn), còn xuất hiện số dư ảo do lỗi Paygate (cổng thanh toán) gây ảnh hưởng đến một số nghiệp vụ khác.

Thứ tư, trong khai báo trị giá hải quan có tình trạng khai báo trị giá thấp hơn so với giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán. Đây là hình thức gian lận phổ biến nhất, có thể phát hiện ngay tại cửa khẩu và trong quá trình thực hiện kiểm tra hải quan. Cùng với đó còn có hình thức lập hóa đơn kép; lập hóa đơn giả; không tính hoặc không khai báo trị giá các khoản trợ giúp, phí bản quyền, phí giấy phép. Song song tồn tại với tình trạng khai báo trị giá hải quan thấp hơn là tình trạng khai báo trị giá hải quan cao hơn so với giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán.

Thứ năm, trong hoạt động kiểm tra sau thông quan, ngoài các chuyên đề do Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan chỉ đạo, các đơn vị chỉ mới tập trung kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm của từng DN mà chưa chú trọng kiểm tra, đánh giá tuân thủ pháp luật và dấu hiệu vi phạm của các DN có kim ngạch XNK, số thuế phải nộp lớn, kiểm tra đánh giá theo nhóm DN, ngành hàng; chưa chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao tính tuân thủ pháp luật, tự giác khai báo của DN.

Nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế xuất nhập khẩu

Để các thành viên Đoàn kiểm toán nắm bắt rõ những bất cập trên và có những giải pháp, kinh nghiệm xử lý khi kiểm toán, KTNN vừa tổ chức tập huấn kiểm toán Chuyên đề Quản lý thu thuế XNK.

Ông Nguyễn Minh Giang - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - cho biết, là đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán này, KTNN chuyên ngành II sẽ trình Tổng Kiểm toán Nhà nước thành lập Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán tại Tổng cục Hải quan và kiểm toán chi tiết tại 11 Cục Hải quan. Tại các KTNN khu vực sẽ thành lập các đoàn kiểm toán riêng biệt hoặc lồng ghép để thực hiện kiểm toán chuyên đề tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Theo đó, Đoàn kiểm toán sẽ thực hiện đối chiếu người nộp thuế nhằm kiểm tra, xác định số thuế XNK có đúng, đủ theo quy định; việc miễn giảm, hoàn thuế XNK có đủ điều kiện, đúng đối tượng hay không. Đoàn kiểm toán cũng thực hiện kiểm tra, xác nhận việc theo dõi, quản lý số thuế XNK, số miễn giảm hoặc hoàn thuế XNK, công tác kiểm soát, hạch toán chứng từ chi hoàn thuế trong quản lý thuế XNK của Kho bạc Nhà nước.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Giang, thông qua cuộc kiểm toán này, KTNN sẽ đánh giá tính trung thực, hợp pháp báo cáo quyết toán thu XNK của Tổng cục Hải quan; đánh giá việc tuân thủ các quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế XNK, Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan hải quan và người nộp thuế. Đồng thời, KTNN cũng đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu của cơ quan Hải quan. Đặc biệt, thông qua kết quả kiểm toán, KTNN chỉ ra các thiếu sót, sai phạm (nếu có) để xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật; chỉ ra các bất cập về cơ chế, chính sách tài chính; chính sách thuế để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thu thuế XNK.

H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 11 ra ngày 14-3-2019
Cùng chuyên mục
Kiểm toán công tác quản lý thu thuế xuất nhập khẩu: Tìm ra những bất cập về cơ chế, chính sách tài chính, thuế