Kiểm toán chủ đề môi trường: Kiểm toán Nhà nước đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng

(BKTO) - Qua thực hiện 4 cuộc kiểm toán hoạt động chủ đề môi trường trong năm 2019, KTNN đã có nhiều phát hiện và kiến nghị quan trọng, đáng chú ý nhất là những phát hiện về bất cập, hạn chế của cơ chế, chính sách cần sửa đổi, hoàn thiện và những kiến nghị về tài chính cần xử lý, khắc phục.




Công tác thiết kế, dự toán, quản lý đầu tư một số nhà máy nước thải của TP. Hà Nội vẫn còn có hạn chế, sai sót-Ảnh tư liệu


Cần quản lý chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu, xử lý chất thải

Cụ thể, khi Kiểm toán hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, KTNN phát hiện hành lang pháp lý chưa có chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu. Một số quy định về quản lý nhập khẩu như: các quy chuẩn kỹ thuật, kiểm tra chất lượng phế liệu trong khâu thông quan, quy chế phối hợp liên ngành cũng như cơ chế ngăn chặn rủi ro nhập khẩu rác thải còn chưa đầy đủ, chặt chẽ.

KTNN cũng chỉ ra rằng, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa phối hợp thực hiện công tác dự báo, đánh giá khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước và nhu cầu nhập khẩu phế liệu về Việt Nam phục vụ cho hoạt động sản xuất. Còn Bộ Tài chính chưa thực hiện công tác xử lý các container phế liệu tồn đọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế kiểm toán cho thấy, Tổ công tác liên ngành để xử lý hàng tồn là phế liệu do Bộ Tài chính thành lập theo Quyết định số 1324/QĐ-BTC ngày 05/8/2019 chưa hoạt động. Bên cạnh đó, quy chế phối hợp liên ngành về quản lý nhập khẩu phế liệu tại các cửa khẩu do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cũng chưa được ban hành.

Ngoài ra, KTNN cũng đánh giá, cơ quan hải quan tại một số tỉnh, thành phố chưa tuân thủ chặt chẽ, đầy đủ các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục hải quan, công tác quản lý, giám sát phóng xạ trong quá trình nhập khẩu phế liệu, cụ thể là về thời gian ký quỹ, hồ sơ tài liệu về bảo vệ môi trường, kế hoạch kiểm soát rủi ro, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa. Đáng chú ý, một số công ty chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định nhưng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. KTNN đã điểm tên và chỉ rõ đó là: Công ty Cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ, Công ty Cổ phần Thép DANA Úc, Công ty Cổ phần Thép DANA Ý, Công ty Lee&Man.
Thông qua cuộc kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội, KTNN phát hiện TP. Hà Nội chưa quy định cụ thể, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan cấp phép đối với hồ sơ trực tuyến theo dõi hành trình phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại cũng như mức xử phạt đối với trường hợp đơn vị hoạt động nhưng chưa được cấp phép, gia hạn giấy phép xả thải, giấy phép khai thác nguồn nước.

Cũng tại cuộc kiểm toán này, KTNN chỉ rõ, Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép cho một số cơ sở y tế chưa đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Trong đó, Bộ Y tế cấp phép cho Bệnh viện Vinmec khi chưa đáp ứng các điều kiện về quản lý chất thải y tế về môi trường; Sở Y tế thẩm định cấp phép đối với điều kiện xử lý chất thải y tế chưa chi tiết đối với hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại. Theo kết quả kiểm toán, 19/22 bệnh viện được kiểm toán chưa đảm bảo đầy đủ các hồ sơ, thủ tục môi trường; 18/22 bệnh viện chưa vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế theo quy định.

Chương trình nước sạch, vệ sinh nông thôn… không đạt đầy đủ các mục tiêu

Về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội, qua kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2014-2018, KTNN nhận thấy TP. Hà Nội chưa xây dựng quy định tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho các công việc duy trì vệ sinh môi trường cũng như giám sát tần suất thực hiện làm cơ sở xác định nghiệm thu khối lượng, chất lượng công việc. Thành phố cũng chưa xây dựng các cơ chế, chính sách xử lý nước thải, chất thải rắn và cơ chế quản lý sau đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn theo kế hoạch được giao.
Việc đầu tư một số nhà máy chất thải, nước thải trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2014-2018 còn gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư; một số dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng hoặc công nghệ đề xuất của nhà đầu tư là công nghệ cũ, chưa phù hợp với định hướng mới của Thành phố. Bên cạnh đó, trong công tác thiết kế, dự toán, quản lý chi phí đầu tư vẫn còn hạn chế, sai sót. Qua kiểm toán Dự án Xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn, Sóc Sơn và Dự án Đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II, KTNN kiến nghị thu hồi nộp NSNN 1,982 tỷ đồng; giảm thanh toán 3,083 tỷ đồng; giảm giá trúng thầu/dự toán 4,352 tỷ đồng và xử lý khác 18,328 tỷ đồng.

Đối với Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả của 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2018, Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả năm 2018 và Chương trình phát triển đô thị quốc gia dựa trên kết quả cho khu vực miền núi phía Bắc, qua kiểm toán, KTNN nêu rõ, các chương trình đều không đạt được đầy đủ các mục tiêu đề ra. Trong đó, 2 chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn không hoàn thành một số chỉ số theo Báo cáo hợp nhất kết quả thực hiện, tuy kết quả chưa được kiểm đếm xác nhận. Còn Chương trình phát triển đô thị quốc gia không hoàn thành một số mục tiêu theo Kế hoạch nâng cao. KTNN cũng đánh giá, 2/3 chương trình trên có tỷ lệ giải ngân vốn tài trợ thấp. Trong đó, Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả của 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2018 đạt 79,5%; Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả năm 2018 đạt 76%.

Cùng với đó, KTNN chỉ ra rằng, công tác phối hợp thực hiện các chương trình còn chưa chặt chẽ, công tác đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình và các quy định khác còn nhiều sai sót. Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính đối với Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả của 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng là 22,76 tỷ đồng. Đối với Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 8,51 tỷ đồng. Còn với Chương trình phát triển đô thị quốc gia dựa trên kết quả cho khu vực miền núi phía Bắc do WB tài trợ, con số mà KTNN kiến nghị xử lý tài chính là 21,2 tỷ đồng.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Kiểm toán chủ đề môi trường: Kiểm toán Nhà nước đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng